Ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, có một nghệ nhân hơn 20 năm qua đã tỉ mẩn chế tạo nên hàng nghìn cây bút vẽ sáp ong, giúp chị em phụ nữ Mông thỏa sức sáng tạo trong từng nét vẽ, đó là ông Lý Pàng Chua ở bản Pú Nhu, xã La Pán Tẩn.
Ông Lý Pàng Chua được coi là người chế tạo cây bút vẽ sáp ong nổi tiếng nhất huyện Mù Cang Chải. Để có được những cây bút vẽ với nhiều chủng loại khác nhau, phù hợp với nhu cầu thị hiếu của khách, hơn 20 năm qua ông đã không ngừng nghỉ, tỉ mẩn lựa chọn từng lá đồng, từng thân cây tre để cắt ghép, thiết kế thành những cây bút vẽ sáp ong.
Ông Chua tỉ mẩn chế tác cây bút vẽ sáp ong
Cây bút vẽ sáp ong được thiết kế bởi một thanh tre và hai lá đồng. Ở giữa hai lá đồng này có một ô trống nhỏ là nơi chứa sáp ong. Người phụ nữ khi vẽ, chỉ cần đặt bút vào bát sáp ong đã được đun nóng, đều chỉnh lượng sáp ong sao cho vừa đủ để vẽ lên trên nền vải. Từ những cây bút vẽ mỏng manh, đơn sơ, mộc mạc của ông Chua, qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông đã khắc họa nên những hoa văn đẹp, độc đáo và lộng lẫy, nhiều ý nghĩa và mang cả thông điệp về tình yêu, cuộc sống...
Hoa văn được người phụ nữ Mông tạo nên từ cây bút vẽ sáp ong
Một chiếc váy Mông với nhiều hoa văn độc đáo rực rỡ
Mỗi cây bút vẽ sát ong của ông Chua có giá từ 30.000 - 300.000 đồng tùy vào từng loại. Không chỉ chị em phụ nữa địa phương mà người dân của nhiều huyện lân cận như Sa Pa, Văn Bàn (Lào Cai), Văn Chấn (Yên Bái)... cũng rất ưa chuộng. Nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế cũng tìm đến mua cây bút độc đáo này, từ đó giúp gia đình ông Chua có thêm thu nhập, cuộc sống đầy đủ hơn.
Hiện nay, những cây bút vẽ sáp ong của ông Chua ngày càng được nhiều người biết đến và từ sự thành công của ông, nhiều thanh niên trong và ngoài bản đã đến học nghề với mong muốn vừa gìn giữ lại nghề truyền thống vừa mang lại hiệu quả kinh tế.
Thiếu nữ Mông thi vẽ sắp ong trong ngày hội
Anh Lý A Chống ở bản Pú Nhu, xã La Pán Tẩn cho biết: "Tôi thấy việc chế tác bút vẽ sáp ong là một việc rất cầu kỳ, cần có sự kiên trì của người nghệ nhân, nhưng nếu thế hệ trẻ không cùng ông Chua gìn giữ thì thế hệ sau sẽ không biết những bộ trang phục Mông được làm như thế nào. Chính vì vậy tôi thường đến xem, học tập kỹ thuật và tự làm một số sản phẩm. Tôi thấy cần được nhân rộng để không bị mai một nghề".
Tết về, nhìn chị em phụ nữ người Mông xúng xính trong những bộ váy áo rực rỡ, lộng lẫy đi chơi Xuân, ông Lý Pàng Chua thấy có thêm niềm vui, động lực để tiếp tục nỗ lực, gắn bó với công việc chế tác cây bút vẽ sáp ong độc đáo và nhiều ý nghĩa này./.
Đinh Tuấn/VOV Tây Bắc