Nước trong tâm thức người Việt nói chung và người dân tộc Tày nói riêng, từ bao đời nay vốn được coi là biểu tượng của sự đủ đầy, là mạch nguồn của sự sống.
Cũng theo quan điểm "tụ thủy tụ phúc" cầu mong bình an, mưa thuận gió hòa cho năm mới, các gia đình người Tày có phong tục ngày Tết là sẽ cùng nhau đi lấy nước tại những con suối đầu nguồn.
Người trực tiếp xuống múc nước thường là chủ gia đình. Trên dọc đường đi đến mạch nguồn, người Tày thường cắm hương ở một số nơi mà trên đường quay về họ sẽ xin cành lộc.
Đến suối, chọn hướng nước chảy, sau khi cắm cành hoa dâu, cắm hương và đổ các thứ bỏ đi đem theo, người múc nước sẽ đọc câu khấn: “Lấy nước hướng Nam không làm cũng giàu có, lấy nước hướng Đông ăn sung mặc sướng”, rồi mới xuống suối múc nước về dùng.
Trong quan niệm truyền thống của người dân tộc Tày, nước suối là thứ nước mát lành, trong sạch, đem về nhà dùng thì cả năm sẽ được xuôi chèo mát mái, ngô thóc đầy bồ.
Trong lúc đó, những người thân khác sẽ đi nhặt những hòn đá nhẵn mịn ven suối, dùng dây dâu buộc lại. Đây là ước mong một năm trâu bò đầy chuồng, lợn gà chật sân. Trên đường về nhà chủ nhà sẽ hái một vài cành lộc với mong muốn tiền sẽ theo lộc về nhà.
Vì là phong tục ngày Tết quan trọng, nên trước khi đi lấy nước, mỗi gia đình người Tày đều chuẩn bị đồ cúng vô cùng chu đáo. Đầu tiên là xôi Vàng. Xôi được nấu từ gạo nếp ngâm vơi nước được trộn với quả dành dành giã mịn. Sau khi hấp xửng, xôi sẽ có màu vàng tươi đẹp mắt.
Tiếp theo là cành hoa dâu. Văn hóa của người Tày cho rằng, cành dâu có thể đuổi tà ma, xua đi những điều không may trong cuộc sống. Cành hoa dâu được chọn cho lễ múc nước là những cành dâu bánh tẻ thẳng tắp, mập mạp.
Để có được một cành dâu đẹp, người ta phải chuẩn bị một con dao thật sắc. Người tỉa hoa dâu phải thật khéo léo gọt sao cho sợi thật mỏng, uốn lượn bồng bềnh. Với phong tục ngày Tết, người Tày thường sẽ chuẩn bị hai cành hoa dâu, mỗi cành ba tầng hoa.
Trước khi đi lấy nước, chủ gia đình phải tắm rửa sạch sẽ đặc biệt là rửa mặt thật kĩ với nước đun cùng lá đa.Đây là điều bặt buộc , bởi người múc nước khuôn mặt có sáng sủa tròn đầy thì gàu nước múc được mới mang nhiều may mắn.
Đây là một phong tục Tết mang nhiều ý nghĩa, không chỉ cầu chúc những điều tốt đẹp cho gia đình mà còn thể hiện sự trân trọng, tôn kính với thiên nhiên đất trời, là sự thành tâm của những người con gắn cuộc sống với núi rừng sông suối.
Anh Vũ, theo Báo Du lịch