Em Mai Thị Thúy Hiền, sinh viên đại học tại TP.HCM cùng các bạn trong trường đến Nhà hát Thế giới trẻ xem chương trình biểu diễn vở “Vụ án cậu trời”. Lần đầu được xem trích đoạn về nhân vật lịch sử Lê Quý Đôn xử án, Thúy Hiền vô cùng ngạc nhiên và thích thú. Trước khi đến sân khấu, em không mấy hào hứng, nhưng thông qua những tích truyện, trích đoạn kịch, Hiền phần nào hiểu hơn về lịch sử đất nước, hiểu những giá trị giáo dục, lòng yêu nước…
"Vụ án cậu trời” với nhiều điều mới mẻ của nghệ thuật kịch nói đến với công chúng
Không chỉ Hiền mà nhiều bạn học sinh và khán giả hôm đó khá hào hứng khi được xem các nghệ sỹ của Nhà hát biểu diễn. Vừa xem các nghệ sĩ hóa trang trước giờ diễn, các bạn trẻ được nghe giới thiệu về bối cảnh lịch sử của vở kịch. Cuối buổi diễn các em còn chụp hình và giao lưu cũng như nói chuyện để hiểu hơn về bộ môn nghệ thuật đặc sắc này.
Việc khán giả tương tác với nghệ sĩ cũng như tham quan phòng trưng bày nghệ thuật truyền thống của Việt Nam tại Nhà hát Thế giới trẻ giúp công chúng có những kiến thức cơ bản về quá trình hình thành và phát triển của các môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Vở kịch đưa khán giả trở về thời khắc lịch sử điển hình cho sự suy thoái và phân hóa xã hội
Bà Trần Uyên Phương, Phó TGĐ Tân Hiệp Phát cho biết, Tân Hiệp Phát kỳ vọng, việc hợp tác với Nhà hát Thế giới trẻ sẽ là tiền đề quan trọng để thúc đẩy, khuyến khích công chúng, định hướng là người trẻ quan tâm hơn đến bộ môn kịch và các thông điệp mang giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam.
"Mục đích của chương trình là tăng cường giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, giáo dục những hiểu biết về văn hóa - xã hội thông qua việc giới thiệu những tinh hoa của kịch nói. Đồng thời, truyền tải cho công chúng nói chung và giới trẻ nói riêng hiểu biết, có nhận thức đúng, thẩm thấu những cái hay, cái đẹp, giá trị tinh hoa của loại hình kịch nói. Điều này giúp người trẻ thêm yêu thích, biết trân trọng, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Vở kịch được viết bởi tác giả Lê Chí Trung và NSND Trần Ngọc Giàu đạo diễn
Chia sẻ sau buổi biểu diễn, NSND Hoàng Yến, người nặng lòng với kịch nói cho biết, để có một trích đoạn trong vở kịch hoàn chỉnh, từ sân khấu, đạo diễn, diễn viễn phải có sự chuẩn bị rất kỳ công. Nghệ sĩ phải như những họa sĩ, khi hóa thân nhân vật nào phải biết hóa trang nhân vật đấy, phải hiểu và thể hiện được đúng tính cách của nhân vật.
Á hậu Thùy Dung trong vai công chúa Ngọc Lan
Kịch nói là bộ môn nghệ thuật đặc sắc trong truyền thống lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay kịch nói không “cạnh tranh” được với sự phát triển của các loại hình giải trí hiện đại khác, dần vắng bóng người xem. Bộ môn nghệ thuật này đang khó khăn để đến được với đông đảo người xem, vậy nên sự có mặt của các khán giả, nhất là giới trẻ là tín hiệu vui...
“Vụ án cậu trời” với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sỹ nổi tiếng trong làng sân khấu kịch nói như: NSƯT Xuân Hồng, NSND Hoàng Yến..., vở kịch đưa khán giả trở về thời khắc lịch sử điển hình cho sự suy thoái và phân hóa xã hội ở kinh thành Thăng Long trong giai đoạn những năm cuối thế kỷ 18.
Nghệ sĩ Trọng Hiếu trong vai Lê Quý Đôn
Cuộc tranh giành quyền lực ở thời điểm chúa Trịnh Sâm mang trọng bệnh xuất hiện các phe phái tranh giành quyền lực, dẫn đến bối cảnh loạn lạc, ngập tràn oan ức. Sự xuất hiện của nhân vật Lê Quý Đôn đầy liêm chính, bất chấp mọi hiểm nguy, kiên quyết giữ kỷ cương phép nước như một điểm sáng trong thời điểm tăm tối ấy.
Thông qua câu chuyện của các nhân vật lịch sử, nhiều thông điệp mang tính thời đại được truyền tải một cách trọn vẹn đến người xem. Vở diễn mang nhiều tính ước lệ, cùng dàn diễn viên đồng đều đã tạo nên mầu sắc mới lạ cho sân khấu kịch./.