Không rõ tự bao giờ, tục gội đầu ngày tết đã tồn tại trong mỗi gia đình người Thái. Sau bữa cơm tất niên trưa 30 tết, từ già, trẻ, trai, gái cả bản đều ra sông, suối để gội đầu.
Theo quy định của bản, mường, đàn ông tắm bến trên, đàn bà và trẻ nhỏ tắm bến dưới. Từ bao đời nay, nước gạo và quả bồ kết luôn gắn bó với đời sống của dân tộc Thái. Theo quan niệm của họ, nước gạo là để trường tồn với thời gian, quả bồ kết là để trừ tà. Nước gạo nếp được chắt lọc sau mỗi ngày đồ xôi, quả bồ kết già nướng bẻ vào chậu nước hương thơm quyến rũ. Đây là thứ để người Thái gội đầu Tết với mong muốn an lành và sung túc. Chẳng thế mà trong bài khấn gội đầu ngày tết của người Thái có câu “ lấy nước bồ kết xua đi rủi ro, lấy nước gạo gội tóc óng mượt”.
Ông Điêu Văn Pao, gần 80 tuổi ở bản Thèn Chồ, thị trấn Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết:“Từ xa xưa, sáng sớm 30 là mổ lợn tết, đến 12 giờ trưa là họ tổ chức gội đầu tết. Khi hồi trống báo hiệu năm hết tết đến vang lên là cả bản cùng nhau ra sông, suối gội đầu tết. Đàn ông thì đem theo kiếm và “thung seng”. Đàn bà thì mang theo chậu nước gạo và bổ kết để gội đầu. Khi đến bờ sông là cả bản tập trung làm lễ sau đó đàn ông là tắm bến trên, đàn bà tắm bến dưới...”
Cả bản tập trung làm lễ tắm suối, gội đầu trong ngày 30 Tết
Khi gội đầu, những bát nước gạo đã được ngâm cho chua nhẹ cùng với nước bồ kết được xối từ từ, gợi lên mọi điều tốt đẹp cho ngày mai bước vào năm mới thật tinh khôi. Trong lúc vừa gội đầu, bà con vừa ước nguyện xua đi những rủi ro, điều không may của năm cũ. Cầu mong năm mới sức khỏe dồi dào, gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, trồng ngô lúa tốt, mùa màng bội thu.
Gội đầu là để xua đi những rủi ro, cầu mong may mắn, bội thu trong năm mới
Sau khi tắm, gội đầu sạch sẽ xong ai cũng chọn lấy cát sạch nhất về nhà để thay bát hương cho năm mới. Lúc này đàn ông, người trụ cột trong gia đình mới được đến bàn thờ tổ tiên gọi là “nả hóng” để quét dọn, thay bát hương, sắp xếp lại đồ trên bàn thờ và bày mâm cỗ chuẩn bị cúng tổ tiên, đón năm mới.
Tục gội đầu của dân tộc Thái có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Cũng vì lẽ đó mà nghi lễ này được người Thái coi trọng và gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác./.
Thuý Ngoạn/ VOV Tây Bắc