Bà Phạm Thị Đạm, chủ quán ăn chay Đạm trên đường Phan Châu Trinh, thành phố Hội An, luôn nói không với túi ni lông.
Bà Đạm cho biết: Cách đây nửa năm, có một đoàn khách 5 người, trong đó có một người Việt Nam và 4 người khách Tây thường xuyên vào quán ăn cơm chay của gia đình bà. Trên người ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi.
Bà gặng hỏi người khách Việt trong đoàn mới hay cả tuần nay, ngày nào họ cũng ra sông Hoài vớt rác, túi ni lông góp phần làm sạch cho môi trường.
Tới quán chay Đạm, khách hàng không dùng túi ni lông đựng thức ăn
Câu chuyện này khiến bà phải suy nghĩ. Vì quán chay của bà hàng ngày bán hàng trăm suất cơm phải dùng cả hàng trăm túi ni lông cho khách hàng. Những túi ni lông đó được xả ra trên đường, trên sông.
Ngay ngày hôm sau, quán Chay của bà có biển treo: “Để bảo vệ môi trường Hội An xanh, sạch, đẹp và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chúng tôi không sử dụng túi ni lông! Mong quý khách mang theo hộp, túi vải để đựng thức ăn”.
Bà Đạm sử dụng hộp tự phân hủy để đựng thức ăn cho khách
Những tuần đầu thực hiện không sử dụng túi nilong, quán của bà giảm mất 1/3 lượng khách. Họ cho rằng bà là người “vẽ chuyện”. Thế nhưng, tháng sau họ quay lại vì chất lượng món ăn và quan trọng hơn là họ cũng dần ý thức được việc làm của bà là bảo vệ môi trường.
Bà Đạm bộc bạch, bà muốn chung tay với mọi người xung quanh về bảo vệ môi trường: "Đầu tiên , khách nào đến mà hưởng ứng là cô mừng lắm. Cô cũng làm 20 phần thưởng để động viên tặng cho mấy người đó. Bây giờ quán cũng đỡ, nhiều người khách đã quen dần với thói quen không dùng túi ni lông. Cho nên, quán bây giờ bán cũng vẫn đông. Khách đông nhiều vẫn là khách Tây, mình làm như vậy họ rất hưởng ứng."
Không chỉ các cửa hàng bán đồ ăn, thức uống mà các một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hội An cũng sản xuất các vật dụng bằng tre, gỗ, giấy thay thế nhựa.
Bút viết và hộp đựng bút được làm bằng tre thay thế nhựa
Xưởng tre của anh Võ Tấn Tân ở xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, đang sản xuất các sản phẩm như: ống hút, ca uống nước, bình đựng nước, hộp bút, đèn trang trí đều bằng tre mang đến cảm giác mới lạ và thân thiện với môi trường.
Anh Tân cho biết, sản phẩm ống hút làm từ tre của anh thay thế cho ống hút nhựa dùng một lần, được mọi người đón nhận: "Việc sản xuất ra các đồ dùng bằng tre và những đồ trang trí bằng tre thì mang tính ứng dụng rất cao, giúp hạn chế sản phẩm sử dụng bằng nhựa, có nguồn gốc từ dầu mỡ, để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường."
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, cho biết, để giảm ô nhiễm môi trường, thành phố Hội An bắt đầu từ việc hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa và ni-lông khó phân hủy, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Chiến dịch “Hướng đến không rác thải nhựa” được phát động sâu rộng, trong đó, phong trào “Công sở không rác thải nhựa” được hưởng ứng mạnh mẽ.
Đèn ngủ làm bằng tre
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm, thành phố phát gần 10.000 bao túi thân thiện với môi trường tới người dân ở Cù Lao Chàm; khuyến khích người dân thành phố đi chợ bằng làn, các quán ăn dùng ống hút giấy, tre thay thế ống hút nhựa:
"Chúng tôi thành lập một quỹ vì môi trường do tất cả các doanh nghiệp đóng góp. Thông qua đó, đầu tư cho tất cả các mô hình về giảm thải rác thải nhựa, ví dụ như những doanh nghiệp đầu tư, trang bị những dụng cụ không phải bằng nhựa mà bằng tre, gỗ thì những doanh nghiệp đó sẽ được hỗ trợ. Hy vọng rằng từ những mô hình đó, với ý thức từ cộng đồng được nhân rộng ra thì sẽ đạt được kết quả trong thời gian tới.", ông Sơn cho biết.
Mỗi năm, thành phố Hội An phải chi khoảng 40 tỷ cho xử lý rác thải. Lò đốt rác của thành phố chỉ có công suất khoảng 30 tấn ngày/đêm, 70 tấn rác còn lại buộc phải chở đi huyện Núi Thành chôn lấp.
Phương Cúc/VOV miền Trung