Festival văn hóa Tơ lụa - Thổ cẩm năm nay nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo du khách. Đây không chỉ là dịp để các du khách tìm hiểu sâu hơn về văn hóa tơ lụa mà còn giúp mở ra nhiều hướng đi mới, gìn giữ, phát triển tinh hoa của ngành nghề có truyền thống lâu đời này.
Thông qua các công cụ và sản phẩm thực tế, những tinh hoa dệt và nhuộm truyền thống đã được các nghệ nhân đến từ 8 quốc gia và hàng chục làng nghề của Việt Nam thể hiện.
Anh Benjamin Kekau, một du khách Mỹ, cho biết: “Tôi thật là may mắn khi được đến du lịch Hội An trong thời điểm này. Đây là lần đầu tiên tôi được xem hết các công đoạn làm tơ, dệt thổ cẩm của các dân tộc khác nhau tại Việt Nam. Tôi rất thích và cảm thấy rất thú vị.”
Anh Shishir Gupta, một doanh nhân xuất khẩu lụa Ấn Độ, chia sẻ: "Tôi rất thích ý tưởng xây dựng một lễ hội tơ lụa, hàng thổ cẩm mỹ nghệ như thế này. Người xem có thể cảm nhận được từng công đoạn để làm nên một sản phẩm thổ cẩm, từ việc đan, dệt cho đến hoàn thành sản phẩm. Thật là tuyệt vời."
Không chỉ trình diễn những kỹ thuật truyền thống và các sản phẩm hiện có, festival còn là nơi kết nối, tìm đầu ra cho thị trường tơ lụa trong khu vực và từng bước đưa các đơn vị sản xuất tơ lụa đến với thị trường quốc tế và tháo gỡ các vướng mắc trong việc gìn giữ những giá trị truyền thống trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.
Giáo sư Zhu Chengyan, Trưởng khoa Lụa và Thổ cẩm, Đại học Công nghệ Zhejiang, Trung Quốc, cho biết: “Ngày nay, ngành công nghiệp may mặc đều sản xuất hàng loạt với số lượng lớn. Điều này làm cho các phương thức may mặc thủ công dần bị mai một. Câu hỏi lớn nhất được đặt ra hiện nay là làm sao để bảo tồn được những giá trị văn hóa này.”
Ông Lê Thái Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tơ lụa Quảng Nam, cho biết: “Chúng ta sẽ đi bằng hai chân. Một là chúng ta giữ lại nét đẹp truyền thống, để cho du khách biết được nền tảng, văn hóa của sản phẩm. Hai là chúng ta phải hội nhập những nền công nghiệp lớn, hội nhập những máy móc, công nghệ hiện đại nhất thế giới để sản xuất, gia tăng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường ngày càng khó tính của thế giới, nhất là trong bối cảnh hội nhập.”
Để các làng nghề tơ lụa, thổ cẩm không chỉ tồn tại nhằm gìn giữ văn hóa, bản sắc dân tộc mà còn phát triển, vươn ra thị trường quốc tế là điều không thể thực hiện được trong một thời gian ngắn.
Ở Việt Nam, những làng nghề có truyền thống ươm tơ, dệt lụa hàng trăm năm đang dần được khôi phục, và thông qua những sự kiện như thế này, nghề lụa Việt Nam sẽ dần khẳng định mình với các nước trong khu vực và trên thế giới./.
Vietnam Journey/ TTXVN