Mới đây, Ban tổ chức (BTC) công bố chương trình Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt cổ tại Đảo Ngọc Xanh, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ. Chương trình Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt cổ do Sở VHTTDL, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thanh Thủy tỉnh Phú Thọ phối hợp với Công ty cổ phần Ao Vua tổ chức.
Chương trình nhằm quảng bá các tiềm năng văn hóa độc đáo của Phú Thọ nói chung, Thanh Thủy nói riêng, đặc biệt tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt và các tiềm năng du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch văn hóa, hàng đặc sản nông nghiệp và sản phẩm làng nghề Phú Thọ.
Ban tổ chức cho biết, chương trình được diễn ra trong 3 ngày từ ngày 15 đến ngày 17/11 tại Đảo Ngọc Xanh, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ với sự tham gia của gần 800 nghệ nhân và diễn viên quần chúng tại địa phương trình diễn. Đây cũng là điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của chương trình khi khai thác và sử dụng tối đa lực lượng không chuyên tại địa phương, để giới thiệu và tôn vinh bản sắc của quê hương một cách sống động nhất.
Theo BTC điểm độc đáo của chương trình là trình diễn văn hóa dân gian đường phố “Cội nguồn và Khát vọng”. Lần đầu tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu “chạm” tới khách du lịch thông qua các hoạt động biểu diễn trên đường phố. Từ nguồn sống chính bằng sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, các dân tộc Việt Nam rất tôn sùng các hiện tượng tự nhiên có liên quan trực tiếp đến nghề nông.
Đó là các vị thần linh siêu nhiên được người Việt gắn với các hiện tượng tự nhiên đầy sức mạnh huyền bí, liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp như: tục thờ Mẹ trời, Mẹ đất, Mẹ nước, Mẹ lúa… tục thờ Nữ thần và thờ Tứ Pháp: Mây, Mưa, Sấm, Chớp…
Tại trình diễn văn hóa dân gian đường phố “Cội nguồn và Khát vọng” sẽ có từ 600 đến 800 nghệ nhân và diễn viên quần chúng tái hiện những phong tục này và biểu diễn rước Mẫu Âu Cơ, Mẫu Thượng Thiên; Mẫu Thượng Ngàn; Mẫu Thoải (Mẫu Đệ Tam); Mẫu Địa (Mẫu Đệ Tứ).
Ông Nguyễn Mạnh Thản - Trưởng BTC chương trình Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt cổ chia sẻ với báo chí.
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Trưởng BTC cho biết: "Chúng tôi muốn tổ chức tái hiện lại văn hoá truyền thống, để nhân dân nhớ lại văn hoá cổ cũng như để nhân dân tự hào phát huy văn hoá, phục vụ cho cuộc sống và phát triển cộng đồng, xã hội. Chúng tôi hy vọng đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức và sau đó biến sự kiện này thành sự kiện văn hoá thường niên, coi như sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
Chúng tôi muốn xây dựng công viên về Mẫu, nói đạo thờ Mẫu, đạo về mẹ với tất cả người dân, để mong muốn hướng tới thay đổi nhận thức, tư duy của người dân. Điều tiếp theo BTC mong muốn phát triển du lịch không quá khó nếu chúng ta quyết tâm và kết nối cùng nhau thì chúng ta biến sản phẩm nông thôn trở thành sản phẩm nông nghiệp, trở thành sản phẩm du lịch. BTC cũng muốn thông qua việc này để góp phần vào phát triển văn hoá cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội.”
Cũng tại buổi họp báo, trước câu hỏi, BTC, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ đã nắm được văn bản số 618 của Bộ VHTTDL cấm tổ chức nghi lễ hầu đồng ở khu vực công cộng với tính chất một loại hình dịch vụ du lịch hay ca nhạc đường phố?
Bà Nguyễn Thị Xuân Ngàn - Phó trưởng phòng Quản lý và gia đình - Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ.
Bà Nguyễn Thị Xuân Ngàn, Phó trưởng phòng Quản lý và gia đình - Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ cho hay: “Ngày 13/12/2018 Bộ VHTTDL đã ban hành văn bản không tổ chức nghi lễ hầu đồng ở khu vực công cộng với tính chất một loại hình dịch vụ du lịch hay ca nhạc đường phố. Khi BTC chương trình có ý kiến về việc tổ chức chương trình Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt cổ, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ đã trao đổi với BTC để chương trình làm sao không vi phạm văn bản của Bộ. Cụ thể, trong nội dung chương trình Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ là lần đầu tiên những tín ngưỡng thờ Mẫu “chạm” tới khách du lịch thông qua các hoạt động biểu diễn trên đường phố. Tức là, chỉ mang tính chất trình diễn chứ không phải theo nghi thức tín ngưỡng hầu đồng.
Và ở hoạt động liên hoan hát văn “Âm sắc nguồn cội”, Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc cũng nhắc BTC khi trình diễn các tiết mục có giá trị di sản văn hoá phi vật thể như: di sản hát văn, hát xoan, xẩm, ca trù…sẽ không mang tính chất hầu đồng như Bộ VHTTDL đã ra văn bản cấm trước đó”.
TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế khẳng định: "Từ việc khơi gợi và kết nối lòng người, BTC tha thiết mong muốn các hoạt động văn hóa du lịch này sẽ kích thích lòng tự hào, truyền thống văn hóa dân tộc từ mỗi một người dân, làng xóm và cộng đồng để cùng chung tay bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống theo hướng thích ứng phù hợp với đời sống xã hội hiện đại.
Điều này giải quyết mối quan hệ giữa di sản văn hóa và sản phẩm du lịch, giữa bảo tồn và phát triển, truyền thống và hiện đại một cách hài hòa, hữu hiệu, thiết thực để nơi đây trở thành một không gian văn hóa du lịch mang tính đặc trưng của miền đất Tổ Phú Thọ. Người dân địa phương cũng thấy hào hứng khi di sản từ cội nguồn của cha ông gắn kết với cuộc sống của cộng đồng trong mạch nguồn văn hóa...".
Chương trình Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt cổ bao gồm các hoạt động như: trưng bày hàng nông sản và sản phẩm làng nghề Phú Thọ, các trò chơi, trò diễn dân gian và ẩm thực đất Tổ; liên hoan “Âm sắc nguồn cội” và trình diễn văn hóa dân gian đường phố với chủ đề “Cội nguồn và Khát vọng” với các tiết mục có giá trị từ di sản hát văn, hát xoan, xẩm, ca trù…thông qua phần biểu diễn của các nhóm nghệ nhân dân gian, diễn viên, nhạc công đến từ các CLB Phú Thọ.
Theo Thanh Hà/danviet.vn