Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy gióng trống khai hội
Đây là sự kiện nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, do Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam phối hợp cùng Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành: Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Đêm khai mạc với chủ đề “Những sắc màu văn hóa” quy tụ nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc do nghệ nhân các dân tộc đến từ nhiều địa phương trên cả nước đã đưa du khách đi qua nhiều miền di sản ấn tượng, độc đáo của Việt Nam. Những gam màu rực rỡ, những giá trị nghệ thuật thăng hoa đã khiến ngày hội thật sự trở thành nơi tôn vinh những giá trị di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Tiết mục trình diễn đặc sắc tại đêm khai mạc
Tại buổi khai mạc, Giám đốc Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam Nguyễn Đăng Chương nhấn mạnh, Ngày hội là dịp để công chúng hiểu rõ hơn về lịch sử của dân tộc Việt Nam suốt hàng nghìn năm. Từ đó, ý thức trân trọng, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản của dân tộc cũng sẽ được nâng cao.
Đến với Ngày hội, khách tham quan có dịp được chiêm ngưỡng triển lãm ảnh đặc sắc, quy mô với các nội dung: “Du lịch qua những miền di sản”; “Thiên nhiên Việt Nam”; “Di sản Việt Nam 2019”. 100 bức ảnh chọn lọc về di sản Việt Nam tại triển lãm đã kể câu chuyện tổng quát về lịch sử văn hóa, di sản, vẻ đẹp đất nước, cuộc sống con người Việt Nam. Đây là các bức ảnh được lựa chọn từ 3075 tác phẩm ảnh của trên 400 tác giả từ các vùng miền tổ quốc tham dự cuộc thi ảnh về di sản năm 2019 do Tạp chí Vietnam Heritage tổ chức, nhằm tìm kiếm những tác phẩm và câu chuyện bằng hình ảnh về thiên nhiên, đời sống, văn hóa, di sản. Các bức ảnh đã kêu gọi sự quan tâm, chia sẻ mạnh mẽ của cộn đồng, đặc biệt với thanh niên Việt Nam về đề tài di sản thiên nhiên, văn hóa Việt Nam.
Du khách tham quan triển lãm
Các tác phẩm tôn vinh giá trị di sản văn hóa Việt Nam
Song song với hoạt động triển lãm, khu vực trưng bày của các tỉnh, thành phố với chủ đề “Di sản văn hóa trong quá trình phát triển du lịch” sẽ làm nổi bật giá trị di sản tiêu biểu của riêng của từng địa phương, những điểm đến được du khách yêu thích, diện mạo mới của di sản trong cuộc sống hôm nay. Cách khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập, trong quá trình phát triển du lịch, vần đề bảo vệ di sản trong phát triển du lịch. Đồng thời giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, các sản phẩm du lịch gắn với giá trị di sản văn hóa của địa phương, thông qua các mô hình, hiện vật, hình ảnh, băng hình, nghệ thuật sắp đặt, ấn phẩm, trang phục, trình diễn nghệ thuật, ẩm thực, đặc sản địa phương và thao diễn nghề truyền thống tại khu trưng bày, giao lưu cùng các nghệ nhân đến từ các bản làng xa xôi...
Trích đoạn trong nghi lễ Then đám đầy tháng và mừng thọ do nghệ nhân người Tày ở tỉnh Cao Bằng tái hiện
Trình diễn dệt truyền thống của đồng bào Hrê tỉnh Quảng Ngãi
Cũng trong khuôn khổ Ngày hội, cùng với các chương trình trình diễn di sản văn hóa phi vật thể và nghệ thuật dân gian truyền thống còn diễn ra các đêm giao lưu: “Tuổi trẻ với Di sản văn hóa dân tộc Tây Nguyên”, giao lưu âm nhạc “Tuổi trẻ với Di sản văn hóa, Du lịch Việt Nam”. Đây là chương trình ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của thế hệ trẻ với bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Ngoài các tiết mục nghệ thuật đặc sắc được các bạn chuẩn bị kỹ lưỡng, còn có sự giao lưu với các nghệ nhân đến từ buôn làng, cùng tìm hiểu thêm kiến thức về di sản qua các câu hỏi tại buổi giao lưu... qua đó, nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc bảo tồn, phát huy di sản của dân tộc.
Theo baovanhoa.vn