1. Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên)
Tháp Nhạn, biểu tượng của thành phố Tuy Hòa, Phú Yên, cao khoảng 25m với đế tháp hình vuông, thân tháp được xây to ở phần chân và thu nhỏ dần về phía đỉnh. Trên đỉnh tháp là tượng Linga bằng đá – biểu tượng tâm linh của dân tộc Chăm.
Bên trong tháp chỉ có duy nhất một cái am nhỏ để nhang khói cho Thượng Đỉnh Chúa Thiết A Na Diễn Ngọc Phi được xây dựng từ thời Hậu Lê. Xung quanh tường có những hoa văn hình rồng được chạm khắc tinh tế trên đá hoa cương đặt ở 4 góc tháp. Đứng từ bên trong nhìn lên đỉnh tháp chỉ thấy một không gian sâu thẳm huyền bí.
Tháp Nhạn nổi bật bên bờ bắc sông Đà Rằng. Ảnh: Minh Đức
2. Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Thái Lạc (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên)
Chùa Thái Lạc thờ Phật và thần Pháp Vân nên còn có tên gọi là Pháp Vân Tự. Chùa được xây dựng từ thời Trần (1225-1400). Kiến trúc kiểu "nội công ngoại quốc", gồm tiền đường năm gian, ba gian thượng điện, hai dãy hành lang mỗi bên chín gian, nhà tổ bảy gian. Thượng điện chùa Thái Lạc là một trong những công trình gỗ cổ nhất Việt Nam, có từ thế kỷ XIV. Tuy nhiên, di vật quý giá nhất của chùa Thái Lạc là 20 bức phù điêu gỗ thời Trần còn lại trong di tích.
3. Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Lê Hoàn (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa)
Đền thờ Lê Hoàn tọa lạc ở thôn Trung Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Khu vực đền thờ có tổng diện tích gần 4 ha, gồm 13 gian, gồm sân rồng, các nhà tiền đường, trung đường và hậu cung.
Đền có kiến trúc hình chữ “công”, trên nóc tiền đường có 10 con nghê đất được nung bằng sành có màu đen tựa đồng hun, trên mái và dọc hai bên tiền đường có gắn các đầu đao, mỗi đầu đao đều gắn một con nghê trong dáng ngồi thu gọn như đang chầu. Khu đền được chạm khắc bằng những hoa văn đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc thế kỷ XVII.
4. Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Tường Phiêu (huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội)
Đình Tường Phiêu thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn - vị thánh đứng đầu trong hàng tứ bất tử của người Việt, nằm ở huyện Phúc Thọ, cách Hà Nội chừng 40km theo đường quốc lộ 32.
Đình được xây dựng bằng chất liệu là các loại gỗ quý, cột không cao, các nét chạm trổ được gắn ở bộ vì – xà – nóc, hiên gác được người thợ - nghệ nhân xưa thể hiện rất cầu kỳ, tinh xảo gắn với hình các linh vật, cây gỗ quý với nhiều hình dáng khác nhau như: rồng, nghê, mặt trời, mặt trăng, hươu, hoa lá, tùng, trúc, mai...
5. Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc)
Đình Thổ Tang thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, được xây dựng từ thế kỷ XVII, thờ danh tướng Lân Hổ, có công đánh giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Đình Thổ Tang là một trong những ngôi đình đạt đến đỉnh cao về mỹ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian thời Hậu Lê.
Đình được xây dựng với quy mô đồ sộ, gồm hai toà kiến trúc bố cục theo hình chữ "đinh". Đại đình 5 gian 2 dĩ 6 hàng chân, hậu cung 2 gian. Toàn đình đếm được 60 cột, làm bằng gỗ tốt đại khoa. Nền đình dài 25,80m, rộng 14,20m, bó đá xanh xung quanh. Kết cấu kiến trúc kiểu tứ trụ, chồng rường giá chiêng, gia cố bền chắc.
6. Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình So (huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội)
Đình So là đình của làng So thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km. Đình được xây dựng vào năm 1673 thờ tam vị Nguyên Soái Đại Vương có công giúp Đức vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân thưở xưa.
Ngôi đình có 7 gian, 2 chái, 4 mái rộng lợp ngói, đầu đao bốn góc uốn quanh, mái đao cong vút như mũi hài, kiêu hãnh và lộng lẫy. Bên trong đình các cột gỗ lim lớn nhỏ xếp thành 6 hàng ngang, 10 hàng cột, có 32 cột lim lớn và 32 cột lim nhỏ bao quanh, đặc biệt hơn là hầu như tất cả đều được chạm trồ hoa văn rồng, mây , ly, nghê, hoa vô cùng tinh xảo và sống động.
7. Di tích lịch sử Gò Đống Đa (quận Đống Đa, thành phố Hà Nội)
Gò Đống Đa hiện nay nằm trên phố Tây Sơn, tên phố được đặt theo tên nghĩa quân Tây Sơn, thuộc phường Quang Trung, Hà Nội. Cả khu vực gò Đống Đa ngày nay là một khu chiến trường xưa, nơi diễn ra trận đánh thần tốc của vị vua áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Tương truyền, những gò đất cao ở quần thể di tích chính là mồ chôn xác giặc xưa kia.
8. Di tích lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk)
Nhà đày Buôn Ma Thuột (nhà tù Buôn Ma Thuột) là nơi từng giam giữ, đày ải tù nhân chính trị chủ yếu của các tỉnh miền Trung. Nhà đày được nhiều người biết đến không những vì kết cấu kiến trúc hay vì đòn roi tra tấn tàn bạo của địch, mà còn ở phong trào đấu tranh kiên cường của các thế hệ tù nhân chính trị.
Đến đây, du khách sẽ được thấy, được nghe, được biết thêm nhiều điều về truyền thống đấu tranh oanh liệt của những chiến sĩ cộng sản thuở trước như: Hồ Tùng Mậu, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hồng Chương, Bùi San, Trần Văn Quang, Ngô Đức Đệ, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Phụng Tân, Huỳnh Thanh... và biết bao người con ưu tú của mọi miền Tổ quốc.
9. Di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Phước)
Đường Trường Sơn được hình thành sơ khai từ đường giao thông buôn bán, giao liên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nhằm tránh sự truy lùng của kẻ thù. Lực lượng kháng chiến của ta đã lập các chiến khu ở miền núi dọc theo dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam. Tuyến liên lạc này đã đảm bảo sự chỉ đạo từ cơ quan đầu não kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc vào tận các chiến trường Khu V, cực Nam Trung Bộ, Nam Bộ.
Nói đến đường Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh chúng ta không chỉ nói đến ý nghĩa vật chất của những vùng đất nơi con đường đi qua mà còn nói đến giá trị tinh thần vô giá, những chiến công huyền thoại đã diễn ra trên mỗi cung đường, nơi thể hiện khát vọng tuổi trẻ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
10. Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng)
Ngũ Hành Sơn nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km về phía đông nam thuộc làng Hoà Khuê, ấp Sơn Thủy, huyện Hòa Vang, quận Ngũ Hành sơn. Ngũ Hành Sơn bao gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển với diện tích khoảng 2 km2. Tên gọi của các núi đá vôi được Vua Minh Mạng đặt theo 5 yếu tố cấu thành vũ trụ, lần lượt là: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn (có 2 ngọn) và Thổ Sơn. Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, về hang động, chùa chiền.
Ngũ Hành Sơn là nơi hội tụ của khung cảnh biển trời, non nước hữu tình với những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh sâu sắc.
11. Danh lam thắng cảnh Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình (Tuyên Quang)
Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang với diện tích trên 33.000 ha. Hiện nay, huyện Na Hang và Lâm Bình được tách ra, Khu bảo tồn được điều chỉnh lên khoảng 41.000 ha, trong đó có 33.000 ha đất rừng và 8.000 ha mặt nước vùng lòng hồ.
Khu bảo tồn bước đầu đã ghi nhận được 88 loài thú, 294 loài chim, 30 loài bò sát và 18 loại lưỡng cư, 300 loài bướm, 40 loài dơi, hàng nghìn loại cá, trong đó có cá Dầm Xanh, Anh Vũ... Nhiều loài động vật trong khu bảo tồn được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới. Quỹ bảo tồn thế giới của Mỹ (WWF-US) đã xác định đây là một trong những hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới.
Voọc mũi hếch là động vật quý hiếm sống ở Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang, Lâm Bình
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 106 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Anh Vũ (tổng hợp)