Nghệ nhân Thái Bình trình diễn trích đoạn chèo Đình trưởng mụ mối
Đến với chương trình Vui Xuân Canh Tý: Sắc thái văn hóa Thái Bình, công chúng có cơ hội tìm hiểu và khám phá những giá trị văn hóa của vùng quê lúa. Du khách được đắm say trong làn điệu chèo cổ ngọt ngào của nghệ nhân làng Khuốc. Tiết mục trình nghề tứ dân giúp công chúng tìm hiểu xã hội xưa với các thành phần nghề sĩ, nông, công, thương.
Du khách sẽ được xem màn trình diễn múa ông Đùng bà Đà gắn với sự tích bà Chúa Muối, sau khi rước Đùng về đền, người dân ở Thụy Hải có tục phá Đùng, mọi người lấy những chiếc nan đan Đùng mang về nhà làm phúc và cầu mong may mắn cho năm mới. Bên cạnh đó, khách tham quan còn được trải nghiệm làm pháo đất và thưởng thức tiếng nổ vang rền cùng sự cổ vũ hò reo của mọi người. Đặc biệt, các em nhỏ có cơ hội khám phá bức tranh làng quê qua các tích múa rối nước dí dỏm, sôi động.
Trình diễn trình nghề tứ dân
Cùng với đó, chương trình Vui xuân Canh Tý tại Bảo tàng Dân tộc học còn diễn ra nhiều hoạt động mang đậm màu sắc Tết cổ truyền. Du khách được sống trong không khí vui tươi, náo nhiệt của tiếng trống, chiêng rộn ràng qua tiết mục múa tứ linh với ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu cho Phúc - Lộc - Thọ tới muôn nhà; được tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của tục xin chữ đầu năm.
Bên cạnh đó, du khách được trải nghiệm tự tay in những ván khắc gỗ Đông Hồ để tạo nên bức tranh dân gian mà mình yêu thích. Các bức tranh phác họa đời sống thường ngày với mong muốn về một cuộc sống gia đình thuận hòa, yêu thương con người, cuộc sống sung túc, an nhàn, ấm no, hạnh phúc. Để chào mừng năm Canh Tý, công chúng nhỏ tuổi có thể lựa chọn tô vẽ những con vật gắn với tuổi của các thành viên trong gia đình cũng như in bức tranh dân gian Đông Hồ đám cưới chuột hay nặn tò he với các chú chuột ngộ nghĩnh.
Các em nhỏ học cách in tranh Đông Hồ
Tham gia chương trình, công chúng có cơ hội trải nghiệm chơi một số trò chơi dân gian ngày Tết: đánh đu, kéo co, bắt chạch trong chum, ném pao, tung còn... Đây là những trải nghiệm nhằm tăng cường cho công chúng khả năng tự chơi để khuyến khích các thành viên trong gia đình cùng nhau khám phá trò chơi dân gian. Ông bà, cha mẹ có dịp hướng dẫn con cháu chơi trò chơi thủa thơ ấu từ đó góp phần tăng cường mối quan hệ, sợi dây tình cảm trong gia đình. Điều này có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong bối cảnh hiện nay.
TS. Đặng Xuân Thanh - Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: "Chương trình Tết là một trong những hoạt động thường niên của Bảo tàng. Thông qua chương trình chúng tôi mong muốn công chúng có cơ hội khám phá những nét văn hóa truyền thống của ngày Tết cũng như nét đặc trưng của các vùng miền bằng trải nghiệm thực tế. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để chủ thể văn hóa tự giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của tộc người mình. Điều này góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết và ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống qua các thế hệ".
Một số hình ảnh trong chương trình:Múa ông Đùng bà Đà gắn với sự tích Bà chúa muối Nghệ nhân Thái Bình hướng dẫn du khách chơi pháo đấtNặn tò he 12 con giáp Trẻ em trải nghiệm múa tứ linh Trải nghiệm chơi đánh đu
Anh Vũ/ toquoc.vn