Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, công chúng chỉ thấy trên truyền thông hình ảnh các nghệ sỹ tích cực xắn tay vào kêu gọi quyên góp, làm từ thiện ủng hộ chống dịch mà ít được nghe các nghệ sỹ kể họ đã phải khó khăn ra sao để duy trì cuộc sống. Tại buổi tọa đàm trực tuyến do Hội nhà báo sân khấu Hà Nội tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo một số nhà hát ở khu vực phía Bắc, lần đầu tiên các nghệ sỹ mới có cơ hội giãi bày nỗi niềm của bản thân cũng như của nhiều người đang công tác trong lĩnh vực nghệ thuật.
Theo NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, từ đầu năm đến giờ Nhà hát Chèo đã phải hủy toàn bộ các suất diễn phục vụ chính trị cũng như hợp đồng lưu diễn các tỉnh. Chương trình làm theo đơn đặt hàng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn vào tháng 5 không thể tiến hành. Kế hoạch lưu diễn phục vụ khán giả vùng sâu, vùng xa dự kiến diễn ra giữa tháng 6, nhưng do trùng vào đợt cao điểm của dịch bệnh nên cũng phải dừng lại. Không có chương trình, nhà hát không biết lấy đâu tiền trả lương cho anh em nghệ sĩ.
“Năm ngoái còn cứu vớt được vài buổi nhưng năm nay thì không được gì, anh em không có thu nhập, không có một cái gì để duy trì việc làm", NSND Thanh Ngoan chia sẻ. "Nếu có thu nhập chúng tôi mới có thể trả lương cho các em, còn nếu không cho lấy ngân sách để trả thì các em sẽ bỏ ra ngoài và như vậy sẽ không có lực lượng để nối tiếp sau này, cho nên vô cùng khó khăn. Nếu không Covid thì bình thường thu nhập các em 3 triệu, cộng thêm đi lưu diễn và các hoạt động khác của nhà hát phụ thêm. Nhưng bây giờ Covid thì gần như là không có thu nhập gì cả”.
Tương tự như Nhà hát Chèo, Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cuối năm nay, theo lịch dự kiến sẽ có Liên hoan Sân khấu Cải lương nên nhà hát vẫn phải tập dựng 2 vở để chuẩn bị, dù chưa biết liên hoan có thể tổ chức hay không? NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương rất xót xa khi phải hủy các đêm diễn ít ỏi mà khó khăn lắm mới ký được hợp đồng, nhưng cũng chẳng biết làm thế nào. Các nhà hát lâm vào cảnh bế tắc, “án binh bất động”, đành duy trì theo kiểu cầm chừng, “giật gấu vá vai”.
“Về hợp đồng chuyên môn thì hiện nay nhà hát có khoảng 5 trường hợp. Chúng tôi đành phải chấm dứt hợp đồng với các em, ký sang hợp đồng công việc", người đứng đầu Nhà hát Cải lương ngậm ngùi cho biết. "Chúng tôi phải lấy tiền hợp đồng đặt hàng của Bộ để kí hợp đồng công việc với các em. Một vở 3 tháng nuôi được 4,5 em. Nối tiếp sang vở sau nuôi tiếp 3 tháng nữa. Sau đó lại kí thêm 1 vở xã hội hóa nên lại có tiếp 3 tháng. Hiện nay thực sự chỉ nuôi được các em 9 tháng, sau đó chưa biết lấy gì chi trả, vì tiền thu bây giờ thực sự đã “âm”. Nên tình hình rất căng thẳng. Đành phải đi vay rồi tính sau, chứ cũng không có cách nào khác”.
Chia sẻ với NSND Thanh Ngoan và NSND Triệu Trung Kiên, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng cho biết, sân khấu múa rối không thể hoạt động, khó khăn nhiều thứ. Anh em nghệ sĩ xác định rõ tư tưởng chống dịch còn lâu dài, nhưng cũng lo lắng cho sự phát triển của sân khấu múa rối.
Về phía Liên đoàn Xiếc Việt Nam, một trong những đơn vị nghệ thuật tự chủ tài chính tốt nhất của ngành văn hóa thời gian qua cũng khó khăn đủ đường. Mọi năm, từ trong Tết sân khấu xiếc đã sáng đèn; bình thường đến thời điểm này cả diễn tại chỗ lẫn lưu diễn cũng phải được chục buổi. Nhưng năm nay vì Covid nên chỉ diễn “cắc bụp”, buổi có buổi không. Tháng 3 vừa rồi, một đoàn nghệ sĩ xiếc vào Đà Nẵng lưu diễn theo hợp đồng kí trước, nhưng chưa kịp diễn thì thành phố “đóng cửa cách ly”, các nghệ sĩ đành thất thểu bê đồ nghề quay về Hà Nội.
Trải qua 2 năm đương đầu với Covid, theo NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc, xiếc Việt Nam gần như đã bị hạ “knock-out”.
“Thương nhất là lực lượng diễn viên trẻ của Liên đoàn Xiếc còn rất đông, chủ yếu là hợp đồng không nằm trong danh sách trả lương từ ngân sách", NSND Tống Toàn Thắng nói: "Toàn bộ phần chi trả đó phải dựa theo nguồn thu, không được sử dụng tí nào nguồn ngân sách. Liên đoàn Xiếc từ Tết đến giờ cũng phải gồng gánh, đi vay mượn khắp nơi để trả cho anh em nhưng đến giờ thì kiệt quệ quá rồi. Vừa rồi Tết nhiều anh em về quê thì cũng bảo anh em thôi ở quê luôn đi, khỏi phải lên để đỡ tiền thuê nhà. Từ khi bắt đầu dịch bệnh năm ngoái thì Liên đoàn cũng tổ chức một canteen buổi trưa để lo bữa trưa cho anh em, nhưng đến giờ phút này thì bữa trưa cũng không lo được nữa rồi vì không có tiền”.
Cùng chung nỗi niềm, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát kịch Hà Nội và Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng đã phải dứt ruột chia tay những diễn viên đã gắn bó lâu năm nhưng có hợp đồng ngắn hạn. Quỹ lương của các nhà hát không cho phép chi trả, nhiều diễn viên phải chuyển sang hình thức cộng tác làm bao nhiêu trả bấy nhiêu. Đó là thực tế cực kỳ khó khăn của anh chị em nghệ sĩ, bởi có những người hàng chục năm cống hiến với nghề nay phải dứt áo ra đi.
Theo VOV.VN
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |