Vung tiền đốt đồ mã, vàng mã không phù hợp với cuộc sống văn minh
Tháng 7 âm lịch, nhiều gia đình tổ chức cúng lễ, lập đàn thật lớn với mong muốn tránh xui xẻo, xóa tội cho vong linh của người thân đã khuất… Song, theo Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, quan niệm của Phật giáo không có tháng nào là tháng “cô hồn” mà ngược lại, tháng này là tháng của hiếu nghĩa, của yêu thương.
Lan tỏa tinh thần hiếu nghĩa
Hòa thượng Thích Quảng Tùng cho biết trong kinh Phật đã dạy, ngày rằm tháng 7, có thể phóng sinh, làm từ thiện, cúng dường Tam bảo, giúp đỡ người nghèo khó, ấn tống kinh sách, chia sẻ những điều hay lẽ phải cho mọi người... Và hơn hết, là một người con trong gia đình, hãy thể hiện nếp sống hiếu đạo khi cha mẹ còn tại thế, chớ để khi cha mẹ qua đời rồi mới vội vàng đi cầu cúng, làm lễ.
Cùng chia sẻ ý nghĩa này, Đại đức Thích Đạo Hiển, Viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam cho biết, tháng 7 không chỉ tri ân người đã khuất mà cao hơn là nhắc nhở việc phụng dưỡng với cha mẹ, người thân còn đang sống. Tinh thần tri ân báo ân đúng trong kinh Phật dạy: Dù vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đi khắp thế gian này thì vẫn chưa báo đáp được ân sâu cha mẹ. Hạnh phúc cho những ai vẫn còn cha mẹ trên đời này.
Theo Phật giáo dạy “phụ mẫu tại đường như Phật tại thế” nghĩa là cha mẹ sống trong nhà giống như Đức Phật còn ở với đời, cho nên thông qua lễ Vu lan dạy mọi người nhớ ân sâu đối với cha mẹ mình, không chỉ sắp lễ cúng vong linh tiền tổ, chúng sinh mà có trách nhiệm 365 ngày nếu ai còn cha mẹ là cả niềm hạnh phúc. Tinh thần ấy nên được phát huy trong giai đoạn văn hóa hiện nay.
Truyền thống của người Việt đề cao chữ hiếu “nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên”. “Phật giáo không chỉ đề cao hiếu cha mẹ, đề cao tứ trọng ân; không chỉ cứu tế chúng sinh, Phật giáo cũng làm những việc với tinh thần nhân đạo để giúp đời, giúp người như hiến máu nhân đạo, làm từ thiện, xây dựng nhà cho người nghèo... Đấy là việc nên làm hiện nay chứ không chỉ tập trung vào lễ”, Đại đức Thích Đạo Hiển nói.
Xã hội hiện nay có quan điểm tháng 7 sợ không dám làm gì. Điều đó không có trong tư tưởng Phật giáo, càng không có trong văn hóa phương Đông, chỉ là nhận thức sai lạc của một bộ phận.
Đốt đồ mã không phù hợp với cuộc sống văn minh
“Cúng cô hồn” là quan niệm thuộc tín ngưỡng dân gian, dựa một phần vào đạo Phật, nhưng theo một cách sai lầm, cho rằng tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn. Nhiều người vì lo sợ tháng cô hồn xui xẻo mà sa đà vào mê tín dị đoan, trấn an tâm lý bằng cách mua vàng mã về đốt, vừa tốn kém tiền của, vừa gây ô nhiễm môi trường...
Để tránh việc hiểu lầm, sa đà vào cầu cúng dềnh dàng, tốn kém, lãng phí, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản gửi tất cả các chùa, tăng ni Phật tử trong việc tuyên truyền không được đốt vàng mã. Thực tế, việc sử dụng vàng mã đã giảm đáng kể, điều đó cho thấy vai trò hiệu quả mà chúng ta giáo dục, hướng dẫn mọi người, trong đó báo chí đóng vai trò tích cực.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định lễ Vu Lan thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ bằng tình cảm, bằng hành động chăm sóc cha mẹ. Không phải cứ mâm cao cỗ đầy mới là báo hiếu. Ngày Vu Lan báo hiếu, bên cạnh việc bày tỏ tình cảm với tổ tiên ông bà cần đặc biệt chăm sóc những người còn sống như cha mẹ theo đúng tinh thần Phật dạy, quan tâm chăm lo các gia đình thương binh liệt sĩ, tri ân bằng những hành động cụ thể.
Mặc dù các văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hướng dẫn không được đốt vàng mã, nhưng tại các cơ sở thờ tự vẫn còn tình trạng trên, theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, người phải chịu trách nhiệm chính là trụ trì các chùa.
Đại đức Thích Đạo Hiển cũng khẳng định, không có chuyện cúng không đầy đủ, chu đáo mà các cô hồn ở lại quấy nhiễu. “Quan điểm đó hoàn toàn sai. Thực chất chúng sinh vốn dĩ vô hình, chúng ta thực hiện hạnh nguyện ấy với cái tâm của mình thôi. Tâm mình thành thì Phật hưởng, thánh hưởng, gia tiên tiền tổ hưởng chắc chắn phù hộ, tâm mà thành chúng sinh hưởng phù hộ cho mình. Lễ vật không nói lên điều gì cả” - Đại đức Thích Đức Hiển nói.
Cũng theo các thầy, người Việt Nam theo tinh thần Phật giáo kết hợp nhuần nhuyễn với tín ngưỡng trong đó có việc thờ cúng ông cha. Vì vậy, không nên đốt vàng mã nhiều tống tiễn chúng sinh, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí và không đúng truyền thống Phật giáo.
Mai An/ sggp.org.vn