Quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ là một quần thể các di tích lịch sử nằm tại tỉnh Điện Biên ghi lại chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiện nay, nơi đây đã được Thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt năm 2009. Trong ngày tháng 5 lịch sử, phóng viên VOV.VN có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Mai Thanh Sơn, Nhà nghiên cứu Văn hóa về cụm di tích lịch sử đặc biệt này.
Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ
PV: Khu di tích chiến dịch Điện Biên Phủ là bằng chứng lịch sử về chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, thể hiện ý chí quyết tâm của cả dân tộc trước một lực lượng quân sự có đủ cả phương tiện chiến tranh hiện đại. Vậy thưa Tiến sĩ Mai Thanh Sơn, làm thế nào để lan tỏa những giá trị của Khu di tích đặc biệt này thêm sâu và rộng hơn nữa tới các thế hệ, nhất là giới trẻ?
TS Mai Thanh Sơn: Khu di tích lịch sử dù đặc biết đến mấy, cũng chỉ là một cảnh quan địa lý. Muốn các giá trị của nó lan toả sâu rộng, yếu tố con người là quan trọng nhất. Cần phải hiểu rằng, “giá trị” của mỗi khu di tích lịch sử chỉ được biết đến thông qua các “câu chuyện về những sự kiện” đã xảy ra trên đó trong quá khứ. Khu di tích chiến dịch Điện Biên Phủ cũng vậy thôi. Mỗi địa danh trong lòng chảo Mường Thanh hay Mường Phăng, nơi từng là căn cứ của Bộ Chỉ huy chiến dịch, đều có vô số những câu chuyện gắn với những tập thể ta/địch cụ thể, những con người cụ thể bên thắng/bên bại, sự bền bỉ kiên quyết của bên này/sự ngoan cố chống trả của bên kia.
Như vậy, muốn cho giá trị của khu di tích lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ có thể lan toả, trước hết các bên liên quan cần phải sưu tầm, hệ thống lại những câu chuyện từng xảy ra trên đó. Đó có thể là biên niên sử. Đó có thể là hồi ức của những người trong cuộc thuộc cả 2 bên. Đó cũng có thể là những hình ảnh tĩnh và động. Những “câu chuyện” đó có thể được kể lại cho du khách tham quan, cũng có thể được kể lại trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hay trong các lớp học. Sức lan toả của mọi giá trị đều phụ thuộc rất lớn vào các phương pháp truyền thông và giáo dục lịch sử.
PV: Khu di tích chiến dịch Điện Biên Phủ cũng đã được tỉnh Điện Biên đầu tư, tôn tạo. Tuy nhiên công tác bảo tồn, tôn tạo đã phát huy được hết những giá trị của khu dích đặc biệt đó chưa, thưa Tiến sĩ?
TS Mai Thanh Sơn: Điện Biên Phủ là niềm tự hào chung của dân tộc Việt Nam. Không chỉ tỉnh Điện Biên, mà trên thực tế, những năm qua Nhà nước cũng đầu tư không ít cho quá trình duy tu, tôn tạo. Tuy nhiên, quá trình này gặp không ít khó khăn. Các cụm di tích liên quan đến chiến dịch Điên Biên Phủ nằm rải rác trên một phạm vi quá rộng: Mường Phăng, Bản Kéo, Hồng Cúm, Him Lam, và cụm Trung tâm. Đến với mỗi khu di tích lịch sử, mỗi người đều mong muốn “cảm nhận được giá trị” của nó. Muốn vậy, người ta phải hình dung được “toàn bộ cảnh quan” như nó vốn có với những câu chuyện cụ thể từng xảy ra trên đó. Điều đó đã không thể có được ở Điện Biên Phủ ngày nay.
Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát
Trong quá trình phát triển đô thị những năm gần đây, cảnh quan di tích chiến dịch Điện Biên Phủ cơ bản đã bị phá vỡ. Ngay cả những người am tường lịch sử và có khả năng đọc bản đồ cũng rất khó hình dung về một “bức tranh Điện Biên Phủ năm 1954”. Đó là trở ngại rất lớn đối với việc “cảm” và “nhận” các giá trị lịch sử. Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự đơn điệu, máy móc trong các phương pháp tuyên truyền, giáo dục. Có quá ít những câu chuyện sinh động được kể. Thậm chí, trên các phương tiện truyền thông gần đây còn lưu truyền những câu chuyện bịa đặt.
PV: Để phát huy hơn nữa vai trò, giá trị của Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ, trong thời gian tới, theo Tiến sĩ, Điện Biên cần có những hướng đi như thế nào?
TS Mai Thanh Sơn: Cái đầu tiên đáng nhẽ phải làm từ trước, là quy hoạch cảnh quan khu vực trọng điểm cần bảo tồn, duy tu, tôn tạo (ví dụ như khu vực hầm chỉ huy của quân đội Pháp, đồi A1, đồi C1, đồi D1, cụm Him Lam, cụm Hồng Cúm, cụm Bản Kéo) thì trên thực tế chúng ta làm chưa tốt. Sửa lại quy hoạch là điều không thể. Các giải pháp cần làm lúc này là sưu tầm/hệ thống lại những “câu chuyện” và tăng cường công tác truyền thông.
PV: Khu di tích đồi A1 dường như để cho khách tham quan đi lại tự do tạo thành nhiều lối mòn khiến cho khu di tích nhìn xơ xác, thiếu đi vẻ uy nghiêm, chuyên nghiệp của một di tích lịch sử mang giá trị hào hùng của dân tộc?
TS Mai Thanh Sơn: Khắc phục chuyện đó không khó. Đây là di tích lịch sử cấp quốc gia. Việc cần làm ngay lúc này là phải quy hoạch lại theo hướng tôn trọng “hình ảnh” của chiến trường xưa với những trận đánh đẫm máu nhất, hào hùng nhất của QĐNDVN. Chỉ có như vậy, khách tham quan mới có thể cảm nhận được “giá trị” của hoà bình mà mỗi người đang được hưởng.
Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nằm đối diện với nghĩa trang liệt sỹ A1, giữa lòng TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên
PV: Theo Tiến sĩ, những giá trị văn hóa nào của mảnh đất Điện Biên đã được khai thác tối đa để lan tỏa vẻ đẹp của Điện Biên?
TS Mai Thanh Sơn: Tỉnh Điện Biên không chỉ được biết đến với chiến thắng lịch sử năm 1954 mà còn là một địa chỉ độc đáo với nhiều yếu tố văn hoá lịch sử khác như thành Xam Mứn/Bản Phủ, đặc trưng văn hoá của các tộc người Thái, Hmongz, Lào, Khơ Mú, Xinh Mun, Kháng, v.v… Những năm qua, đã có nhiều thành tựu trong việc quảng bá các giá trị đó đến đông đảo công chúng. Cá nhân tôi đánh giá cao những nỗ lực đó. Nhờ vậy, Điện Biên đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ./.
Theo VOV.VN