Văn hóa

Làm du lịch từ phim ảnh

08:18 - 22/09/2019
Theo khuyến nghị của UNESCO, để bảo vệ sự phát triển bền vững của vùng di sản, sau 2 năm đón du khách tham quan, phim trường Kong (Tràng An, Ninh Bình) đã được tháo dỡ từ ngày 20/9.

Ảnh: Lan Hương/Vietnam Journey

Với những người làm tour chuyên nghiệp, thời gian gần đây, khi bộ phim Kong: Đảo đầu lâu giảm sức hút thì các tour trọn gói tham quan nơi này cũng giảm dần lượng người đăng ký so với trước đây. Dù chỉ là một “ngôi làng thổ dân”, nhưng phim trường Kong đã hoàn thành sứ mệnh tiếp đón những du khách tò mò và đem lại nguồn thu lớn cho đơn vị khai thác và nguồn lợi từ du lịch của tỉnh Ninh Bình.

Khai thác nguồn lợi du lịch từ phim ảnh, ở Việt Nam, không hề dễ. Nói chính xác thì trước Kong: Đảo đầu lâu, chỉ có mỗi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là đem lại nguồn lợi đích thực cho du lịch địa phương.

Theo một thống kê, trước khi có bộ phim này, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch Phú Yên chỉ 12%-13%, từ sau khi bộ phim gây tiếng vang, tốc độ tăng trưởng tăng lên trên 25%. Thậm chí, nhiều tour du lịch ở địa phương còn lấy tên bộ phim đặt cho tên tour để thu hút du khách. Nhưng để làm ra những bộ phim thuần Việt đạt hiệu ứng cao như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là điều khó vô cùng, nhất là trong bối cảnh khán giả quay lưng với rạp chiếu phim thì lấy đâu ra để phát triển du lịch đi kèm?

Phim trường Đảo Đầu lâu ở Ninh Bình tái hiện cảnh sinh hoạt của một làng thổ dân châu Phi, với những túp lều chóp nhọn và nhiều dụng cụ sinh hoạt bằng tre nứa như vó, rổ rá… Ảnh: Lan Hương/Vietnam Journey

Trong khi đó, nhìn sang nước bạn, chúng ta học hỏi được gì? Một nghiên cứu chỉ ra rằng, hơn một nửa số lượng du khách châu Á đến với Hàn Quốc là sau khi xem phim truyền hình của nước này. Họ đổ xô đến các điểm quay của Bản tình ca mùa đông và Hậu duệ mặt trời; hay tìm tới Busan, một “kinh đô” của điện ảnh Hàn Quốc, giúp địa phương này mỗi năm thu hút hơn 10 triệu lượt du khách, doanh thu từ du lịch gấp 15 lần so với các hoạt động kinh tế khác. Hay như ở Thái Lan, du khách nước ngoài tìm đến đây tham quan nơi quay các bộ phim đình đám của Hollywood như Điệp viên 007 hay Nhiệm vụ bất khả thi… Không những thế, Thái Lan còn chú trọng phát triển dịch vụ làm phim và trở thành một trong những nơi cung cấp dịch vụ đạt tiêu chuẩn cho công tác sản xuất phim ảnh.

Trước Kong: Đảo đầu lâu, chúng ta đã từng đón một số đoàn làm phim nước ngoài đình đám, tức là cũng đã có cơ hội để quảng bá du lịch thông qua các bộ phim nổi tiếng. Đó là bộ phim Người tình hay Đông Dương, gắn liền với hình ảnh vịnh Hạ Long, Hà Nội và ĐBSCL; bộ phim Người Mỹ trầm lặng, có cảnh quay ở Hội An, Ninh Bình… Thời điểm đó, khi những bộ phim trên có tiếng vang ở quốc tế, khách du lịch đến Việt Nam tăng đột biến trong một thời gian ngắn, rồi sau đó lượng khách giảm dần. Lý do là họ đến tự phát, tự tìm hiểu, tự tham quan rồi về. Họ không có ấn tượng với điểm đến bởi bản thân Việt Nam cũng không hề có ý định quảng bá cho những điểm đến này gắn với phim ảnh. Không hướng dẫn, không có tour khai thác sâu theo hiệu ứng phim ảnh, không được quan tâm, du khách biến mất!

Sẽ rất khó để du lịch Việt xuất hiện trên các kênh truyền hình nổi tiếng thế giới do chi phí cao, nhưng thông qua các bộ phim, có thể quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới hiệu quả. Phim nước ngoài tìm đến Việt Nam quay còn ngại một vấn đề đó là thủ tục nhiêu khê và cản trở. Nói như đạo diễn Nguyễn Hữu Phần trong một tọa đàm: “Một trong những nguyên nhân khiến các đoàn phim nước ngoài nản là việc “duyệt phim” cho các đoàn nước ngoài tại Việt Nam tốn rất nhiều thời gian do liên quan nhiều ban ngành (như ngoài cơ quan văn hóa còn phải thông qua ngoại giao, an ninh, tài nguyên môi trường…) nên nhiều khi chúng ta trả lời đồng ý thì họ đã chọn điểm quay ở nước khác rồi. Đáng buồn nhất là tình trạng một số đối tác trong nước (nhận nhiệm vụ cung ứng dịch vụ, hỗ trợ cho các đoàn làm phim nước ngoài) đã nâng giá, “ăn chặn” tiền của đoàn phim nước ngoài trả cho nhân viên, diễn viên người Việt (có mặt trong tác phẩm), làm mất uy tín về hình ảnh của những người làm điện ảnh Việt chân chính”.

Phim trường Kong tại Tràng An, Ninh Bình đã hoàn thành sứ mệnh sau hai năm khai thác, ngoài nguồn lợi về tiền bạc thì địa phương cũng đã được rất nhiều du khách biết đến về một phim trường phim bom tấn của Hollywood nằm trong một quần thể là di sản văn hóa. Nay, trong khi miệt mài chờ đợi những bộ phim Việt có thể đem lại sức hút cho du lịch như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, khán giả lại mơ về một phim trường mới từ sự mời chào thân thiện, hợp tác từ những người làm văn hóa và du lịch. Đừng thụ động, hãy tự quảng bá cho mình để có được những phim trường như Kong tại Việt Nam.

Nguyên Trần/ sggp.org.vn