Đây cũng là những chia sẻ của lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch cũng như lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và các doanh nghiệp tại buổi tọa đàm mới đây với chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành cùng di sản”. Mục đích buổi tọa đàm nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch Mỹ Sơn; đặc biệt là thu hút khách tham quan đến với Mỹ Sơn nhiều hơn nữa và chi tiêu mạnh hơn nữa.
Buổi tọa đàm với chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành cùng di sản” ngày 3/12 tại Mỹ Sơn
Từ một khu phế tích bỏ hoang mỗi năm chỉ có vài ngàn người ghé thăm, đến nay mỗi năm Khu đền tháp Mỹ Sơn đón khoảng 420 ngàn lượt khách, doanh thu trên 60 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho hay, năm 2019 này, dự kiến tỉnh Quảng Nam đó khoảng trên 7,65 triệu lượt khách nhưng Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đón chưa bằng con số lẻ.
Do đó, dư địa để thu hút khách đến Mỹ Sơn còn rất lớn, vấn đề là làm sao để thu hút du khách đến đây nhiều hơn nữa, chi tiêu mạnh hơn nữa.
Một điều dễ nhận thấy, du Mỹ Sơn là Di sản Văn hóa thế giới nhưng du khách đến tham quan Mỹ Sơn chỉ trong 1 buổi, sau đó về Đà Nẵng hay Hội An vui chơi, nghỉ ngơ và mua sắm… Còn ở khu vực Mỹ Sơn, không có gì để níu chân du khách nên du khách không biết tiêu tiền vào việc gì.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam VITOURS cho rằng, khách nội địa chưa quan tâm nhiều đến Mỹ Sơn, kể cả người dân các địa phương cận, bằng chứng là mỗi năm số lượng khách nội địa trong cơ cấu khách đến Mỹ Sơn chỉ chiếm 14-15% và đặc biệt những năm gần đây không tăng, thậm chí còn có xu hướng giảm qua các năm.
Hình ảnh và quảng bá xúc tiến của Mỹ Sơn còn khiêm tốn, nhất là quảng bá đại chúng và quảng bá mạng xã hội về thông tin du lịch Mỹ Sơn mà du khách cần biết như đi gì, thăm gì, ăn gì, mua gì…
“Du lịch Mỹ Sơn đơn độc giữa vùng tài nguyên rộng lớn. Quảng Nam là 1 địa phương rất giàu tiềm năng du lịch có 2 Di sản Văn hóa thế giới, 1 Khu dự trữ sinh quyển Thế giới, hàng loạt các di tích danh thắng cấp quốc gia với đa dạng địa hình. Đặc biệt, Huyện Duy Xuyên là huyện có đầy đủ những yếu tố này của Quảng Nam, tuy nhiên Mỹ Sơn nằm ở Duy Xuyên – Quảng Nam có cảm giác 1 mình ở vùng lõi di sản”, ông Lê Tấn Thanh Tùng phát biểu.
Du khách nước ngoài tham quan Mỹ Sơn
Ngoài ra, ông Tùng cho cho rằng, công tác liên kết các địa phương, điểm đến khác chưa thực sự hiệu quả và bền chặt. Dù thời gian qua, bản thân Mỹ Sơn cùng như ngành du lịch, chính quyền địa phương đã rất chú trọng đến công tác này nhưng hiệu quả đem lại còn mờ nhạt cần phải phát huy mạnh mẽ thời gian tới.
Từ những hạn chế này, ông Lê Tấn Thanh Tùng đưa ra một số giải pháp để thu hút thêm du khách đến với Mỹ Sơn. Theo ông Tùng, phải giữ vững và phát huy quan điểm bảo tồn và tôn tạo di tích, cảnh quan Di sản Văn hóa thế giới của UNESCO, Bộ ngành và địa phương thời gian qua đối với Mỹ Sơn. Đây là công việc ưu tiên hàng đầu để gìn giữ Di sản của nhân loại mà trải qua hàng ngàn năm vẫn còn là bí ẩn của Thế giới ở nhiều giai thoại kỳ thú.
Xây dựng chiến lược để lập kế hoạch chi tiết nhằm tôn tạo mở rộng hệ thống tháp tại khu vực Mỹ Sơn và lân cận nhằm mở rộng không gian tăng cường sức chứa vừa đảm bảo cho sự phát triển lớn của lượng du khách sau này, vừa đáp ứng mong đợi yêu cầu ngày càng cao của du khách cho điểm đến đủ lớn.
Ông Tùng cũng cho rằng, hiện nay Mỹ Sơn đã làm tốt mảng hoạt động văn nghệ truyền thống Chăm, tuy nhiên không chỉ dừng lại ở đó mà cần phát huy truyền tải thông điệp đến các vùng lân cận như phối hợp với Huế, Đà Nẵng, Hội An để cử đoàn ca múa Mỹ Sơn đi giao lưu biểu diễn mỗi khi các địa phương này có sự kiện. Phát huy giá trị ẩm thực người Chăm như thức uống, bánh và các món ăn đặc sản của người Chăm nhằm phục vụ cho khách.
Nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị tại khu vực Mỹ Sơn nên phát triển hình thức homestay hay resort sinh thái, không nên phát triển khách sạn hiện đại khu vực gần Mỹ Sơn. Nên quy hoạch một không gian rộng gần khu vực Tháp để phát triển hoạt động Camping cắm trại nhưng có quy định về ăn toàn di tích, cháy nổ và vệ sinh nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, cần có nghiên cứu nhu cầu khách để tạo ra các quà lưu niệm, quà đặc sản của người Chăm vừa mang tính độc đáo của văn hóa Chăm nhưng đảm bảo thẩm mỹ cũng như giá trị sử dụng, nhất là giá trị về vật phong thủy.
Làm việc với các hãng lữ hành trong nước và ngoài nước để xây dựng 1 số tour trọn gói có điểm chính Mỹ Sơn và các điểm phụ cận hay các điểm chính đồng vị Cù Lao Chàm (Hội An – Mỹ Sơn). Từ đó, đề xuất tỉnh đầu tư hay có cơ chế thu hút đầu tư để tạo ra các điểm du lịch phụ cận đảm bảo sức thu hút. Đồng thời, cùng các hãng lữ hành tổ chức quảng bá giới thiệu các tour trọn gói này.
Rất nhiều ý kiến của các doanh nghiệp gởi đến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vì mục đích khai thác tối đa tiềm năng du lịch của khu vực Mỹ Sơn. Tựu trung lại là làm sao cho du khách đến Mỹ Sơn nhiều hơn, ở Mỹ Sơn lâu hơn và tiêu tiền ở đây nhiều hơn.
Ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam ghi nhận và khẳng định, tỉnh rất quan tâm đến những vấn đề này. Hiện tại, Khu đền tháp Mỹ Sơn là hạt nhân, tỉnh Quảng Nam cũng đã có quy hoạch vùng lân cận Mỹ Sơn với các khu nghỉ dưỡng sinh thái, cộng đồng, văn hóa…
Theo ông Tân, tiềm năng du lịch ở quanh khu vực Mỹ Sơn còn rất nhiều như suối nước khoáng nóng Tây Viên cách Mỹ Sơn không xa, làng trái cây Đại Bình (huyện Nông Sơn), Hòn Kẽm Đá Dừng, khu du lịch Bằng Am (huyện Đại Lộc), khu vực hồ Thạch Bàn sát Mỹ Sơn… đã có doanh nghiệp lớn vào đầu tư vào các khu du lịch này.
Bên cạnh đó, các khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển của Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên đều có giao thông thuận lợi, kết nối với Mỹ Sơn để đưa du khách đến đây nhiều hơn nữa.
“Làm sao để du khách ở lại Mỹ Sơn phải có chỗ ăn, nghỉ, thư giãn, trải nghiệm… thì mới níu chân được du khách. Tỉnh sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát huy năng lực của mình để cùng với địa phương đưa du khách đến Mỹ Sơn nhiều hơn nữa, khách móc ví nhiều hơn nữa khi đến đây”, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam phát biểu.
Công Bính/ dantri.com.vn