Chú Tùng bên chiếc đài Grundig
Trong căn hộ nhỏ giản dị, ấm cúng ở thành phố Chaville, ngoại ô phía Tây thủ đô Paris, chú Bùi Thanh Tùng vẫn lưu giữ trân trọng những đồ vật và kỷ niệm của nhiều chục năm về trước.
Từng nhiều năm giữ chức Tổng thư ký Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) và có một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết tham gia vào các phong trào yêu nước của người Việt tại Pháp, chú Bùi Thanh Tùng nhớ rõ làm cách nào mà cánh sóng thông tin của Việt Nam tìm đến được với kiều bào tại Pháp trong những năm tháng đất nước đang trải qua cuộc kháng chiến để giành độc lập.
Chú Tùng nhớ lại: “Những năm 70, lúc đó đoàn đàm phán hiệp định Paris có sang đây và bà con trong Hội người Việt Nam tại Pháp tham gia rất tích cực và cũng muốn biết tin tức trong nước, muốn biết về cuộc kháng chiến chống Mỹ và tình hình xây dựng trong nước nên mới tìm cách nghe đài. Lúc đó Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ phát sóng cho người nước ngoài trên làn sóng ngắn nên bà con phải tìm hiểu làm sao có được một cái đài bắt được sóng ngắn."
Vào thời điểm đó, là một kỹ sư đang làm việc tại Đài phát sóng phát thanh-truyền hình Pháp, với chuyên môn của mình chú Bùi Thanh Tùng đã tìm hiểu và mất nhiều thời gian mới tìm ra được loại đài phù hợp nhất để bắt được làn sóng ngắn của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó là chiếc đài hiệu Grundig do Đức sản xuất, dòng Satellit 2000, nhưng rất ít được bán tại Pháp vì nhu cầu nghe sóng ngắn tại Pháp khi đó không cao. Chiếc đài này có 11 băng tần và chuyên bắt sóng ngắn.
Kể từ đó, bà con người Việt tại Pháp bảo nhau mua đài để bắt sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Những gia đình không có điều kiện mua đài hoặc không có thời gian theo dõi tin tức thường xuyên thì hẹn nhau hàng tuần trong các buổi sinh hoạt cộng đồng tại trụ sở Hội người Việt Nam tại Pháp, phố Petit-Musc. Trong nhiều năm trời, hàng tuần đều có các buổi mít-tinh, những buổi nói chuyện về tình hình đất nước, về cuộc hòa đàm Paris và về phương hướng đấu tranh của Hội.
Nhưng không chỉ có thế, làn sóng ngắn của Đài Tiếng nói Việt Nam còn mang đến cả những giai điệu quê hương mà với những người Việt xa xứ, đó là những kỷ niệm không bao giờ quên.
Chú Tùng nhớ lại: “Tôi nhớ lúc đó là chương trình phát của Đài Tiếng nói Việt Nam, tiếng Việt cho bên châu Âu là vào năm 5h chiều giờ Paris. Đó là phương tiện nhạy bén và nhanh nhẹn nhất từ trong nước. Tôi nhớ không lầm thì trong 1 tiếng đồng hồ phát sóng thì khoảng 50 phút nói về tình hình trong nước và 10 phút văn hóa-văn nghệ. Bà con cũng thích lắm vì có giới thiệu những bài hát. Lần đầu tiên bà con nghe được những bài hát sáng tác tại miền Bắc."
Chiếc đài Grundig và làn sóng ngắn của Đài Tiếng nói Việt Nam sau đó tiếp tục đồng hành với cộng đồng người Việt tại Pháp trong nhiều năm trời, kể cả sau khi đất nước đã thống nhất, đến tận những năm tháng đầu tiên của quá trình Đổi mới, khi nhiều người được về lại quê hương để trực tiếp cảm nhận sự thay đổi của đất nước.
Với chú Bùi Thanh Tùng và thế hệ những người Việt giờ đây đều bước qua tuổi 70, làn sóng ngắn của Đài Tiếng nói Việt Nam đã đồng hành cùng họ trong cuộc đấu tranh yêu nước trên đất Pháp và là một phần ký ức không thể tách rời.
Gia đình bác Trịnh Văn Nhớ, những người đã trực tiếp nấu những bữa ăn tiếp tân cho phái đoàn Việt Nam đàm phán Hiệp định Paris hơn 4 thập kỷ trước, vẫn giữ lại một chiếc đài Grundig của ngày đó trong gia đình mình và năm nay, khi Đài Tiếng nói Việt Nam bước sang tuổi 75, gia đình bác muốn gửi tặng Đài Tiếng nói Việt Nam như một kỷ vật của một thời mà người Việt trên khắp thế giới đồng lòng hướng về tổ quốc.
Đó cũng như một lời chúc mà thế hệ của chú Bùi Thanh Tùng gửi đến Đài Tiếng nói Việt Nam như một sự tri ân.
Chú Tùng vẫn lưu giữ trân trọng những đồ vật và kỷ niệm của nhiều chục năm về trước
Chú Tùng chia sẻ: “Lúc xưa phương tiện hạn chế nên chỉ có qua làn sóng ngắn để biết được tình hình Việt Nam. Bây giờ thì với Internet thì có thể xem trực tuyến và Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có cả kênh truyền hình nên bà con bên này cũng thông báo cho nhau biết là không chỉ nghe được mà còn xem được. Trước hết xin được hoan hô các anh chị trong Đài Tiếng nói Việt Nam, đã không chỉ phục vụ bà con trong nước mà còn phục vụ cho người Việt sống ở nước ngoài, biết được tình hình trong nước. Đối với các thế hệ người Việt tại Pháp trước kia thì không cần nói, với ngay các thế hệ sau này thì Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn rất được quan tâm."
Quang Dũng/VOV Paris