Văn hóa

Làng rèn quanh năm đỏ lửa ở Pác Rằng, Cao Bằng

10:57 - 08/01/2021
Nghề rèn tại làng Pác Rằng (xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) đã có từ khoảng 1.000 năm nay. Nơi đây mệnh danh là “xưởng rèn thủ công” lớn nhất miền Bắc.

Làng rèn Pác Rằng thuộc xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, cách thành phố Cao Bằng khoảng 30km, dọc Quốc lộ 3 theo hướng đi Cửa khẩu quốc gia Tà Lùng. Đây là một xã vùng cao của đồng bào dân tộc Nùng, có 420 hộ với khoảng 2.000 người

Hầu như cả xã Phúc Sen đều làm nghề rèn, tập trung đông ở bản Pắc Rằng. Người dân Phúc Sen vốn lấy sản xuất nông nghiệp làm chính, nhưng cũng nổi tiếng khéo tay với nhiều nghề thủ công truyền thống như làm giấy, làm hương, dệt vải thổ cẩm, đục đá… và đặc biệt, có nghề rèn thủ công truyền thống nổi tiếng cả nước

Tương truyền, làng nghề rèn đã có từ thế kỉ thứ XI, ban đầu là nơi sản xuất vũ khí cho Nùng Tôn Phúc và Nùng Trí Cao chống lại quân Tống. Sau chiến tranh, người dân ở đây đã chuyển sang rèn công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt

Hiện nay, Phúc Sen đã trở thành “xưởng rèn thủ công” lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Nhiều gia đình làm nghề này cha truyền con nối đã hàng chục đời, sản phẩm rèn của làng làm ra luôn nổi tiếng về độ sắc và độ bền

Sản phẩm của làng rèn rất phong phú, đa dạng, từ các loại nông cụ như cày, cuốc, mai, thuổng… cho đến dụng cụ, đồ dùng trong gia đình như các loại dao, kéo…

Sản phẩm làm ra tại đây bền, sắc bén và chắc chắn nên rất được ưa chuộng, không chỉ tại địa phương mà còn nhiều vùng miền trên cả nước

Để làm ra một con dao sắc, người Nùng ở Phúc Sen có những bí quyết riêng. Nguyên liệu rèn dao được làm từ nhíp ô tô phế liệu. Ở những nơi khác người ta thường dùng than đá để nung thì ở làng Phúc Sen lại dùng than củi từ các loại gỗ cứng. Lò nung thép được làm bằng đá, rồi dùng rơm và trấu làm chất liệu xây lò

Theo những người làm nghề lâu năm trong làng, nghề rèn thủ công ở Phúc Sen hầu như không có công thức mà chủ yếu nhờ cảm nhận tinh tế của tai, đôi mắt cùng kinh nghiệm của người thợ

Theo thợ cả Sạch Văn Vấn, tôi thép là công đoạn khó nhất, quyết định đến chất lượng sản phẩm, thường do các thợ cả giàu kinh nghiệm thực hiện

Đối với từng loại thép, người thợ sẽ nhìn ánh thép màu xanh, trắng hoặc vàng để biết được độ già hoặc non của thép mà có cách tôi cho phù hợp. Anh Vấn cũng cho biết, thu nhập bình quân sau chi phí cho mỗi lao động trong gia đình là 250.000đ/người/ngày

Trải qua gần 1.000 năm lịch sử, đây là một trong những làng nghề độc đáo được đồng bào Nùng An ở Phúc Sen gìn giữ, phát triển; qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc

Nét văn hóa độc đáo và danh tiếng của nghề rèn giúp cho làng nghề trở thành điểm đển hấp dẫn tại Cao Bằng. Hàng năm lượng khách du lịch đến với xã Phúc Sen tương đối lớn, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân 

Theo VOV.VN

Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV