Văn hóa

Lạng Sơn: Khai hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ

17:18 - 22/02/2022
Sau 2 năm tạm dừng do ảnh hưởng dịch Covid-19, ngày 22/2 (tức 22 tháng Giêng Nhâm Dần), Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ (tỉnh Lạng Sơn) được tổ chức trở lại với nghi lễ rước kiệu truyền thống.

Đền Tả Phủ và đền Kỳ Cùng là 2 di tích lịch sử văn hóa của thành phố Lạng Sơn gắn với tên tuổi của hai vị Thân Công Tài và Tuần Tranh - Những vị quan có công lớn trong việc bảo vệ bờ cõi đất nước vào cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18. Là di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia, lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ thể hiện sự tri ân của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn đối với các vị tiền nhân, đồng thời lễ hội cũng mang ý nghĩa văn hoá tâm linh với những mong ước về mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ

Đúng giờ Ngọ, Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ diễn ra với nghi thức rước kiệu ông Tuần Tranh từ Đền Kỳ Cùng lên tạ nghĩa với ông Thân Công Tài ở Đền Tả Phủ 

Đúng giờ Ngọ, Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ, một trong những sự kiện văn hóa du lịch lớn nhất trong tháng Giêng tại tỉnh Lạng Sơn diễn ra với nghi thức rước kiệu ông Tuần Tranh từ Đền Kỳ Cùng lên tạ nghĩa với ông Thân Công Tài ở Đền Tả Phủ. Đoàn rước kiệu gồm các thanh thiếu niên khỏe mạnh mang theo đỉnh hương trầm với đội múa rồng, múa sư tử vây xung quanh. Người dân hai bên đường cũng sắm các mâm lễ, sản vật bày trước cửa nhà dâng cúng các vị thần linh, tiên hiền khi kiệu rước qua… 

Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ thể hiện sự tri ân của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn đối với các vị tiền nhân có công lớn trong việc bảo vệ bờ cõi đất nước 

Tham gia đoàn rước, bà Trần Thu Hà (người dân thành phố Lạng Sơn) hào hứng: “Bà con ai nấy đều háo hức, phấn khởi nhưng đều có ý thức phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Lễ hội Đền Tả Phủ - Kỳ Cùng là truyền thống lâu đời luôn luôn được người dân Lạng Sơn gìn giữ và phát triển qua thời gian. Được tham dự đoàn rước ngày hôm nay, tôi thấy rất là vinh dự và tự hào khi là một Thanh đồng được đóng giá để đi rước Quan cùng nhân dân trong và ngoài tỉnh”.

Đoàn rước kiệu gồm các thanh thiếu niên khỏe mạnh mang theo đỉnh hương trầm với đội múa rồng, múa sư tử vây xung quanh 

Bà Trần Thị Bích Hạnh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, Lễ hội năm nay vẫn chỉ diễn ra phần nghi thức cổ truyền mà không có các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian... Dù vậy, lượng du khách về với Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ năm nay vẫn khá lớn.

Người dân hai bên đường cũng sắm các mâm lễ, sản vật bày trước cửa nhà dâng cúng các vị thần linh, tiên hiền khi kiệu rước qua… 

Đoàn rước kiệu gồm hàng trăm người đi bộ qua các con phố trung tâm, đặc biệt khi tới các ngã ba hay ngã tư đều thực hiện xoay vòng và bắn pháo hoa để thu hút sự chú ý của du khách tham gia

“Nhân dịp khách đến trẩy hội du xuân, Trung tâm xúc tiến du lịch cũng phối hợp với các đơn vị để tuyên truyền quảng bá tới các du khách để mọi người có thể tham gia trải nghiệm Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tà Phủ, lễ hội lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn. Bên cạnh đó chúng tôi cũng kết hợp để giới thiệu tới du khách về các điểm du lịch đặc sắc của tỉnh Lạng Sơn để du khách có thể tham gia trọn vẹn thành một tour du lịch hoàn chỉnh, vừa tham gia trảy hội vừa có thể khám phá các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của xứ Lạng”, bà Trần Thị Bích Hạnh nói.

Lễ hội cũng mang ý nghĩa văn hoá tâm linh...

...với những mong ước về mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu 

Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ diễn ra trong 5 ngày. Theo truyền thống, đến giờ Ngọ ngày 27 tháng Giêng, nhân dân địa phương làm lễ tiễn, rước kiệu ông Tuần Tranh trở lại Đền Kỳ Cùng…

Duy Thái/VOV Đông Bắc

Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV