Muốn làm được lễ giải hạn việc đầu tiên là phải tìm thầy Then hoặc thầy Tào để xem ngày lành và thầy sẽ hẹn với gia chủ ngày hành lễ, dặn dò gia chủ chuẩn bị sẵn những lễ vật. Các đồ cúng thì mỗi thầy có những yêu cầu riêng và tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình để sắm sửa. Nhất thiết phải có mâm lễ để thầy làm lễ để dưới chân bàn thờ.
Mâm lễ giải hạn của người Tày, Nùng
Mâm lễ được đặt ở sảnh giữa trong nhà, dưới bàn thờ tổ tiên là nơi diễn ra các hoạt động cúng bái của thầy với 3 hoặc 5 bát gạo. Bát gạo ở giữa đặt một quả trứng gà, cắm hương và nhiều hình nhân được cắt bằng giấy, cành hoa, cây... Mâm khác để hành lễ, gồm: Thủ lợn, đuôi lợn, 1 con gà luộc chín có đủ lòng, mề, tim, gan và tiết; xôi; 1 miếng thịt lợn luộc; hoa quả, bánh kẹo. Ngoài ra, cần 1 con gà sống (cáy mạ), 1 con vịt sống và 1 cây chuối (pi đeng), 1 chiếc thuyền hoa (pè) làm bằng cọng chuối...
Thầy cúng làm lễ giải hạn
Theo quan niệm dân gian, thầy được mời về giải hạn là người có khả năng giao cảm với thế giới thần linh, những người đã khuất hoặc dự báo được những vận hạn của người khác. Trong lễ giải hạn thầy cúng mặc trang phục truyền thống, đầu đội mũ tam sơn bên cạnh có nhiều đồ đạc như sách chữ nho. Thầy Then cầm cây đàn Tính, còn thầy Pựt thì có chiếc quạt và xóc nhạc, thầy tào có cái chuông nhạc.
Khi những làn điệu Then cổ cất lên cùng tiếng xóc nhạc, đàn tính, lời Then tạo nên không gian nghi lễ huyền ảo mang đậm dấu ấn tổng hòa của thiên, địa, nhân.Trong lễ cúng giải hạn ngoài những lời Then, điệu hát thì thầy còn dùng thẻ gỗ để gieo quẻ, xin tài lộc cho gia đình.
Nghệ nhân nhân dân Nông Thị Lìm - một thầy Then có tiếng ở Lạng Sơn
Với lòng tin thuần phác, người Tày, Nùng làm lễ giải hạn nhằm cầu mong một cuộc sống an lành cho những người đang sống, những người đã khuất và cả thế giới tâm linh đều yên ổn. Họ cần một chỗ dựa tinh thần song không cuồng tín, khi gặp tai họa, ốm đau thì theo quan niệm chung của mọi người “Vô phúc vái tứ phương, ma cũng cầu, thuốc cũng chữa”.
Lễ cúng giải hạn đầu năm
Lễ cúng giải hạn đầu năm của người Tày, Nùng vừa đặc sắc về hình thức lại vừa chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống cổ truyền. Hiện nay ở khắp các làng bản của người Tày, Nùng lễ giải hạn đầu năm mới và nhiều bản sắc văn hóa đang được bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả, điều quan trọng nhất là nhờ có sự thay đổi về nhận thức của các cấp cũng như chính chủ thể của văn hóa ấy đã góp phần tạo nên sự trường tồn cho văn hóa của dân tộc.
Nông Diệp/VOV Đông Bắc
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |