Văn hóa

Lễ hội Bình Đà 2021: Nơi con cháu Lạc Hồng hướng về Quốc tổ Lạc Long Quân

10:42 - 20/04/2021
Lễ hội Bình Đà - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được tổ chức từ ngày 1 - 6/3 âm lịch hàng năm tại làng Bình Đà, xã Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội nhằm tưởng nhớ công đức của Quốc tổ Lạc Long Quân trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Thành kính hướng về Quốc tổ

Trong những ngày mà cả nước hướng về đất Tổ 10/3, trước khi thắp hương bày tỏ lòng thành kính với các vua Hùng, du khách thập phương sẽ đến đền Đức Quốc tổ Lạc Long Quân (thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng) và đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, Phú Thọ). Thế nhưng, không phải ai cũng biết đền Nội (thôn Bình Đà, Thanh Oai, Hà Nội) mới là ngôi đền gốc thờ Quốc tổ Lạc Long Quân.

Khuôn viên đình Nội

Cụ Nguyễn Chính Trinh (Thủ từ Đền Nội) cho biết: Đền Nội gắn liền với truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh 100 trứng, nở ra 100 người con, 50 người theo mẹ lên núi, 50 người xuống biển cùng cha. Đất Bình Đà chính là nơi Lạc Long Quân lệnh cho các con dừng chân xây dựng cơ nghiệp. Khi Quốc tổ về trời, ngài được các vua Hùng và dân làng an táng tại gò Tam Thai thuộc đất Bảo Cựu (Bình Đà ngày nay). Để tri ân công đức của Quốc tổ Lạc Long Quân, dân làng Bảo Cựu lập ngôi đền Nội cùng bức đại tự “Vi Bách Việt Tổ” (Tổ Dân Bách Việt).

Lễ hội Bình Đà là một trong những lễ hội lớn nhất vùng và cả nước; kéo dài trong suốt 6 ngày với hàng loạt các lễ nghi. Trước tiên, vào chính ngày khai hội (mùng 1/3 âm lịch) đội bông nghệ thuật ở các thôn trồng cây bông của chính thôn mình vào vị trí được quy định, đây gọi là ngày hội cầu phúc.

Sang đến mùng 2 ban chủ tế thực hiện lễ Nhật luân nhập tịch kì phước, để các thôn bắt đầu đội lễ vào đền. Nhân dân bảy thôn chuẩn bị 2 lễ chính bao gồm lễ chay và lễ mặn, lễ chay dâng vào đền thờ Quốc tổ, tế xong rước lễ mặn ra đình Ngoại (thờ Thành Hoàng Làng Linh Lang Đại Vương). 

Mâm lễ được chuẩn bị tươm tất dâng lên Quốc Tổ 

Một nghi lễ quan trọng được thực hành trong lễ hội là lệ làm và dâng bánh Vía. Cứ vào mồng 6 tháng 3 âm lịch có lệ rước bánh Vía và thả xuống giếng Ngọc. Giải thích về tục lệ này, các cụ cao niên cho biết: Giếng Ngọc có mạch ngầm thông xuống thủy cung. Đức Quốc tổ Lạc Long Quân giống Rồng, vốn sống ở Thủy cung nên bánh dâng cho Ngài phải được đưa xuống nước mới nhận được. 

Năm nay do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 cũng như chỉ thị từ thành phố Hà Nội, lễ hội Bình Đà được tổ chức gói gọn trong quy mô địa phương. 

Chia sẻ về lần tổ chức này, ông Nguyễn Duy Nhu – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Minh đồng thời là Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Hằng năm, lễ hội được tổ chức trọng thể với quy mô lớn, thu hút rất nhiều du khách thập phương. Tuy nhiên, đến năm nay thực hiện chỉ đạo từ thành phố chúng tôi vẫn mở hội nhưng thu hẹp hơn. Mọi lễ nghi vẫn được giữ nguyên chỉ là không tổ chức phần Hội, không rước linh đình, các thôn mang lễ đội ra đình, chứ không tổ chức lễ rước có trống, lân, rồng như mọi năm”.

Đoàn kiệu của các thôn di chuyển từ đền Nội ra đình Ngoại

Dù quy mô lễ hội bị bó hẹp do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, song người dân Bình Đà vẫn thực hiện đầy đủ những nghi lễ quan trọng nhất trong ngày lễ Quốc tổ. 

Chia sẻ thêm về các nghi lễ này, cụ Nguyễn Chính Trinh cho biết: “Sau 4 ngày tổ chức lễ của từng thôn, sáng mồng 5, chúng tôi bắt đầu tế và lễ Mã hoàn ký (hóa mã của năm trước), rồi rước bát nhang từ đền Nội ra đình Ngoại và thực hiện các nghi lễ tiếp theo ở đền thờ Linh Lang Đại Vương. 

Từ xưa đến nay, vào dịp lễ hội, đều có đoàn thủ từ của Đền Hùng – Phú Thọ về dâng hương Thánh tổ và xin rước chân nhang ở hương án đệ nhất của đền Nội về thờ, với ý nghĩa cung kính đón Thánh tổ về dự hội Đền Hùng vào ngày mùng Mười tháng Ba âm lịch.

Nơi lưu giữ bảo vật quốc gia nghìn tuổi

Cũng theo cụ Nguyễn Chính Trinh, Lễ hội Bình Đà thu hút đông đảo du khách thập phương phần nhiều có lẽ từ kiến trúc. Họ muốn đến để tham quan khuôn viên của ngôi đền mà trước kia Lạc Long Quân đã hóa thân tại đó, để xem những dấu tích còn lại của một thời mở cõi khai hoang. 

Là một trong những ngôi đền cổ nhất Việt Nam, đền Nội Bình Đà hiện nay còn lưu giữ nhiều cổ vật quý. Nổi bật là bức phù điêu trên 1000 năm tuổi, độc nhất vô nhị đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015. 

Bức phù điêu được công nhận là Báu vật quốc gia

Bức phù điêu tạc hình Quốc tổ Lạc Long Quân đội mũ bình thiên, mặc áo hoàng bào cùng các lạc hầu, lạc tướng của triều đình Lạc Việt dự hội đua thuyền trên dòng Đỗ Động Giang. Trên đó, hàng đầu có hai mươi vị quan văn mặc áo thụng, tay cầm hốt, đầu đội mũ cánh chuồn. Mười sáu vị quan võ mang cân đại bố tử hùng dung, quắc thước cầm long đao. Mười tám thị nữ mặc áo dài nếp mỏng mềm mại dâng hòm sớ với đủ loại cờ quạt, ô, lọng. Ngoài ra còn có voi, ngựa và nhóm dân binh đội mâm dâng hoa quả. Theo bản thần tích năm 1938 thì trên bức giá tượng còn có khắc dòng chữ Hán "Ngũ thập tử quy sơn, ngũ thập tử quy hải" (50 con lên núi, 50 con xuống biển). 

Bên cạnh đó, cây quéo cổ thụ, ao sen, giếng ngọc (là nơi huyệt thiêng, nối dòng nước với dòng sông Đáy và mạch nước ngược đến tận Ba Vì – nơi thờ Đức Thánh Tản), nhà bia, miếu ông, gạch hoa văn xây mộ Quốc tổ là các chứng tích cổ. Với những giá trị đặc biệt, đền Nội đã được xếp hạng Di tích lịch sử nghệ thuật cấp quốc gia (năm 1985) và Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (năm 1990). 

Lễ hội Bình Đà vẫn được tổ chức đều đặn hàng năm, để không chỉ nhân dân Bình Đà mà còn là đông đảo con cháu Lạc Hồng từ khắp mọi nơi có thể tìm về tỏ lòng thành kính với Quốc tổ Lạc Long Quân. Đây là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt Nam nhằm ôn lại ký ức của buổi đầu khai thiên lập địa.

Theo VOV.VN

Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV