Những sự kiện tôn giáo quan trọng như vậy giúp gắn kết cộng đồng dân tộc, đối với du khách, đây là dịp để họ trải nghiệm văn hóa của người Bhutan.
Tsechu là lễ hội tôn giáo quan trọng được tổ chức hằng năm ở nhiều ngôi chùa, tu viện và dzong (pháo đài) trên khắp Vương quốc Bhutan, nhằm bày tỏ lòng tôn kính Ngài Guru Rinpoche - Đạo sư Phật giáo nổi tiếng đã giới thiệu Phật giáo Mật tông đến Bhutan.
Lịch sử kể rằng theo lệnh vua Sindu Raja – người đang lâm bệnh, Guru đã đến quận Bumthang và múa mặt nạ giúp phục hồi sức khỏe cho nhà vua. Do đó, Tsechu đầu tiên được tổ chức tại Bumthang.
Đối với người dân địa phương, Tsechu là dịp để họ giao lưu, giải trí, nhận phước lành và rửa sạch tội lỗi. Hơn nữa, người Bhutan tin rằng họ sẽ tích đức nếu xem các điệu nhảy mặt nạ tại Tsechu, sức mạnh thần linh và phước lành mà những điệu múa mặt nạ mang lại làm tan biến mọi nỗi bất hạnh, khổ đau.
Tsechu được tổ chức vào ngày sinh của Đạo sư Guru Rinpoche. Trong lễ hội này, người ta sẽ múa Cham, vũ công thường đeo mặt nạ gỗ hình động vật, hình các vị thần, và các hiện hình của Ngài Guru Rinpoche.
Những điệu nhảy mặt nạ được biểu diễn trong lễ hội Tsechu có ý nghĩa đặc biệt hoặc liên quan đến những câu chuyện từ thế kỷ thứ 8. Các vũ công đeo mặt nạ nhảy sẽ rơi vào trạng thái thiền định, biến mình thành các vị thần để tạo ra sức mạnh tâm linh thanh lọc, gột rửa, khai sáng và ban phước cho người xem.
Trong lễ hội Tsechu, người dân Bhutan sửa soạn quần áo chỉnh tề, vì họ coi Tsechu là dịp để tất cả thành viên trong gia đình quây quần, bày tỏ đức tin của mình vào Phật pháp, đề cao “chính” thắng “tà”, thể hiện tình yêu và sự tôn trọng đến các vị vua và gia đình Hoàng tộc; cuối cùng đây cũng là lúc để họ nghỉ ngơi sau chuỗi ngày bận rộn.
Tsechu là lễ hội tôn giáo ở Bhutan nhằm tỏ lòng thành kính tới vị đạo sư đã giới thiệu Phật giáo Mật tông đến quốc gia này.
Lễ hội tràn đầy màu sắc và mang tính biểu tượng, trở thành một phần không thể thiếu của người dân Bhutan.
Theo Petrotimes