Múa lân đón Tết Nguyên Đán tại Indonesia. Ảnh: Detik.com
Những ngày này, nhiều nơi trên toàn đất nước Indonesia, đặc biệt là những khu vực có người dân gốc Hoa sinh sống, đang tưng bừng đón năm mới âm lịch Canh Tý 2020. Ở các con phố lớn, người ta tổ chức các chương trình lễ hội đặc sắc như ca nhạc và múa lân.
Tết Nguyên đán lần đầu tiên được tổ chức tại Indonesia năm 1967, khi Tổng thống Suharto ban hành chỉ thị liên quan đến Tôn giáo và Phong tục của người dân gốc Trung Hoa. Theo đó, Tết Nguyên đán chỉ được phép tổ chức trong nội bộ gia đình. Tất cả các lễ hội và các phong tục truyền thống của người Trung Hoa trong Tết Nguyên đán và cả Tết Nguyên Tiêu không được tổ chức một cách công khai ở nơi công cộng. Các màn múa lân bị cấm, các bài hát hoặc các bản tin tiếng Trung Quốc không được phát trên đài phát thanh vào thời điểm đó. Trong 32 năm cầm quyền của Tổng thống Suharto, hoạt động kỉ niệm bí mật này vẫn được tiếp tục.
Tới năm 1998, Tổng thống Habibie trong nhiệm kỳ ngắn của mình đã ban hành Chỉ thị của Tổng thống, thu hồi các quy tắc phân biệt đối xử đối với cộng đồng người dân gốc Trung Hoa. Tuy nhiên, chỉ thị này chỉ quy định không được sử dụng thuật ngữ người bản địa và người không bản địa trong các văn bản của chính phủ.
Năm 2000, Tổng thống thứ tư của Indonesia, ông Abdurrahman đã ban hành Chỉ thị Tổng Thống, theo đó thu hồi các quyết định của Tổng thống Suharto năm 1967, cho phép cộng đồng người dân gốc Hoa được tự do tổ chức ăn mừng và đón Tết Nguyên đán. Và chính sách này được tiếp tục bởi Tổng thống Megawati năm 2002 khi công nhận Tết Nguyên Đán là một ngày lễ quốc gia của đất nước Hồi giáo Indonesia, thể hiện sự tự do tôn giáo và tín ngưỡng, cũng như sự hoà hợp sắc tộc trên toàn Indonesia.
Theo số liệu tổng điều tra dân số Indonesia năm 2010, hiện nay người dân gốc Trung Hoa tại Indonesia có khoảng 3 triệu người, tương đương với 1,2% dân số nước này.
Hương Trà/VOV Indonesia