Giá trị tâm linh
Lễ hội Gion tại thành phố Hita là lễ hội truyền thống của địa phương có lịch sử hơn 300 năm được diễn ra vào tháng 7 hàng năm và trở thành một trong ba lễ hội Gion quan trọng của khu vực Kyushu. Mục đích ban đầu của lễ hội Hita Gion là nhằm cầu nguyện thần linh đem đến sức khỏe cho người dân, bảo vệ tránh khỏi thiên tai, bệnh dịch. Năm 2016, lễ hội Hita Gion được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Nguồn gốc của lễ hội Gion ở Hita bắt nguồn từ lễ hội Gion ở Kyoto. Theo dòng lịch sử, vào năm 869, một dịch bệnh đáng sợ đã lan tràn trên khắp đất nước Nhật Bản, cướp đi tính mạng của nhiều người. Đứng trước sự khẩn cầu của người dân, Hoàng đế Seiwa đã quyết định lập đàn, cầu khấn thần linh dập tắt dịch bệnh. Hoàng đế đã cho làm 66 cỗ xe cực kỳ tinh xảo và xa hoa tượng trưng cho 66 tỉnh thành thời bấy giờ và tới đền thờ Yasaka ở Kyoto để gửi lời cầu nguyện đến với các vị thần. Sau khi Hoàng đế Seiwa tiến hành cầu khấn thần linh, dịch bệnh dần bị đẩy lùi. Từ đó, người dân ở Kyoto thường xuyên tổ chức lễ hội rước kiệu từ đền Yasaka cầu chúc cho Nhật Bản tránh khỏi thiên tai dịch bệnh.
Từ sau năm 869, lễ hội Gion cũng được tổ chức nhưng không phải năm nào cũng diễn ra. Tới năm 970, lễ hội Gion đã trở thành lễ hội thường niên ở Kyoto. Trong suốt thời gian từ năm 970 đến nay, lễ hội Gion chỉ bị tạm ngưng 33 năm từ năm 1477 đến năm 1500 vì nội chiến. Sau thời gian đó, hàng năm lễ hội Gion đều được tổ chức và quy mô ngày một lớn hơn. Với ý nghĩa và giá trị truyền thống lâu đời của lễ hội Gion, UNESCO đã công nhận lễ hội Gion là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Đặc sắc xe rước kiệu
Xe kiệu là phần hồn của lễ hội Hita Gion. Ở Hita hiện nay có 9 xe kiệu loại lớn với tên gọi là Yamaboko của 9 khu vực dân cư trong thành phố có phong cách trí đặc sắc khác nhau. Ban đầu, Yamaboko được làm đơn giản và nhỏ, sau đó do sự phát triển của xã hội, phần vì đường xá rộng rãi, nhà cửa được qui hoạch, kỹ thuật làm Yamaboko cũng phát triển hơn, Yamaboko được làm với qui mô lớn hơn, chiều cao có thể lên đến 12 - 15 m.
Lễ hội Gion ở Kyoto vẫn còn tồn tại 2 loại xe kiệu là Yama và Hoko. Hoko là loại xe lớn có bánh xe, có thể lớn đến 25 m chiều dài và nặng tới 12 tấn. Còn kiệu rước Yama nhỏ hơn và được vác trên vai của những người tham gia. Thường lễ hội Gion ở Kyoto có 25 kiệu rước Yama và 7 Hoko tham gia diễu hành.
Người tham gia kéo xe kiệu là những thanh niên to khỏe. Còn những người ngồi trên xe kiệu có thể già hơn và làm nhiệm vụ đảm trách phần âm nhạc thông qua những nhạc cụ truyền thống Nhật Bản như đàn Samisen, trống, sáo… Trước xe rước kiệu, hai bên có sợi dây thừng to, thường do các em thiếu nhi nâng và kéo, tượng trưng cho sợi dây liên lạc giữa nhân gian với thần linh.
Trên kiệu, là những hình ảnh tượng trưng cho sinh hoạt tâm linh của người Nhật Bản như đền thờ, những nhân vật anh hùng trở thành thần, cá chép, đèn lồng…Mỗi loại kiệu kiệu đều được trang trí khác nhau nhưng đều có cờ, phướn, và cành hoa anh đào.
Trên nền giai điệu âm nhạc Gion truyền thống từng cỗ xe trang trí đèn lồng lung linh diễu hành qua các tuyến phố vào mỗi buổi tối suốt thời gian diễn ra lễ hội. Cỗ xe rước bắt đầu xuất phát từ các cụm khu dân cư, sau đó tập trung tại khu vực qui định, lần lượt quay vòng biểu diễn như bố cáo với thần linh.
Khi chuyển hướng rẽ của các kiệu rước lớn, người ta hô to “Yoi, yoi, yoi-toh-say!“, trong tiếng nhạc truyền thống Nhật Bản được chơi bởi các nhạc công ngồi trên tầng hai của các xe rước. Tiếng hô và âm nhạc đem lại cái hồn cho Lễ hội Gion, như phần biểu diễn tuyệt vời nhất.
Bảo tồn văn hóa truyền thống
Hiện nay, lễ hội Gion được duy trì hàng năm tại Hita như một điểm nhấn quan trọng trong văn hóa truyền thống khu vực Kyushu Nhật Bản. Nhưng trước sự phát triển của xã hội hiện đại, những người trẻ không có mấy hứng thú với việc duy trì lễ hội truyền thống này. Tuy nhiên, nhiều người dân nơi đây vẫn tình nguyện bảo vệ nó và tích cực gây cảm hứng cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân làm Yamaboko, ông Goto nói: “Hiện tại chúng tôi cũng đang rất tích cực truyền lại kinh nghiệm bảo tồn lễ hội Gion, đặc biệt là cách làm các kiệu truyền thống Yamaboko cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, các cháu muốn rời quê hương đi kiếm việc nơi khác, đồng thời lễ hội cũng chỉ thỉnh thoảng mới diễn ra. Nhưng tôi rất mong muốn bảo vệ lễ hội truyền thống này. Chúng tôi tự hào về lễ hội của mình. Vì là lễ hội có ý nghĩa lịch sử nên việc mong muốn thế hệ trẻ kế thừa và phát triển là đương nhiên. Nhưng với sự thay đổi của xã hội hiện tại, lễ hội có thể duy trì đến bao giờ, tôi cũng không dám chắc chắn. Nhưng là những người đi trước, hơn nữa lại là thời hòa bình nên chúng tôi cũng muốn tận lực phục dựng và bảo tồn lễ hội và truyền lại cho thế hệ sau".
Điều đáng vui mừng là mỗi khi lễ hội đến, người dân khu vực Hita đều tập trung tham gia với một sự náo nức vô bờ. Chị Kumano đến từ Osaka cảm động khi được chứng kiến những nhóm rước kiêu tập hợp cùng lúc, đặc biệt là cảm thấy bình an như những gì mà giá trị lễ hội mang lại.
Lễ hội Gion ở Hita đã trở thành di sản văn hóa không chỉ của Nhật Bản mà là cả của nhân loại, làm phong phú tâm hồn và đời sống tâm linh của người dân địa phương cũng như những ai tới để chứng kiến và cảm nhận nó./.
Bùi Hùng/VOV Tokyo