Ngày Phật đản sinh (15/4 âm lịch) là một trong 3 ngày lễ lớn, quan trọng (ngày Phật đản Sinh, ngày Phật thành đạo, ngày Phật nhập niết bàn) đối với người tu hành nói riêng và những người theo tín ngưỡng Phật giáo nói chung.
Dạo một vòng quanh các chùa ở Hà Nội khoảng thời gian này sẽ thấy các Tăng ni, Phật tử tất bật dọn dẹp, tổng vệ sinh khuôn viên chùa, tự viện, giăng đèn kết hoa, biểu ngữ để thể hiện không khí vui mừng và hoan hỉ khi chào đón Đức Phật đản sinh. Ngôi chùa nào cũng như được khoác lên mình bộ áo mới, lung linh màu sắc.
Phố Quán sứ rợp bóng cờ Phật giáo trở nên thanh bình hơn bao giờ hết
Đại lễ Phật đản năm nay được tổ chức từ ngày 8/4 - 15/4 âm lịch (tức từ 30/4 - 7/5)
Tại chánh điện của một số ngôi chùa, tượng Phật Thích Ca sơ sinh được đặt trước Tam Bảo để Phật tử và khách thập phương khi vào lễ Phật thực hành nghi thức tắm Phật trong suốt mùa Phật đản.
Ban Tam Bảo tại chùa Quán Sứ
Nghi thức tắm Phật là một nghi thức không thể thiếu trong lễ Phật đản hàng năm, được gìn giữ và lưu truyền ở thiền môn, dùng nước thơm ướp từ hoa tươi tưới lên kim thân tôn tượng Đức Phật sơ sinh. Ngoài mục đích kỷ niệm sự kiện Khánh đản của ngài vào dịp trăng tròn tháng 4 âm lịch, nghi lễ này còn mang ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở và khuyến khích mọi người tẩy trừ phiền não, hướng đến sự thanh tịnh an nghiệp, đem đến sự an lạc cho tự thân và mọi người.
Phật tử đi lễ chùa mùa Phật đản ngoài dâng nén hương thành kính lên Tam Bảo còn mong muốn thực hiện nghi thức tắm Phật
Phật tử Nguyễn Thị Minh Hằng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Khi tắm phật, chúng tôi thường múc 3 gáo nước hoa thơm mà nhà chùa đã chuẩn bị tưới lên tượng Phật Thích Ca Mâu Ni sơ sinh. Những dòng nước thơm tho, mát lành này sẽ gột sạch nghiệp chướng và phiền não của chúng ta, làm cho ba nghiệp là thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp của ta đều được thanh tịnh".
Do diễn biến của phức tạp của đại dịch Covid-19, đại lễ Phật đản năm nay trong giới hạn vẫn phải giãn cách xã hội, không tập trung đông người. Trung ương Giáo hội Phật giáo yêu cầu chỉ được tổ chức quy mô nội bộ tại các chùa với số lượng người tham dự không quá 20 người, không tổ chức diễu hành xe hoa và các chương trình nghệ thuật chào mừng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng khuyến khích các chùa tổ chức lễ Phật đản trực tuyến, đồng bào Phật tử có thể tham dự Phật đản trên các nền tảng mạng xã hội...
Không có hình ảnh hàng nghìn Tăng ni, Phật tử, du khách đổ về các chùa để tham dự đại lễ như mọi năm, mùa Phật đản năm nay diễn ra có phần tĩnh lặng nhưng không hề mất đi sự trang nghiêm, thành kính.
Chùa Trấn Quốc vắng lặng trong dịp đại lễ Phật đản 2020
Khung cảnh vắng vẻ hiếm có tại chùa Quán Sứ
Biểu ngữ kính mừng Phật đản
Các Phật tử đến hành lễ đều đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách đúng quy định
Chị Thu Hà (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Dù công việc bận rộn, nhưng năm nào vào ngày này mình cũng thu xếp đến chùa hành lễ để cùng nguyện ước những điều tốt đẹp nhất cho mọi người, để lòng tĩnh lặng, an yên. Vì dịch Covid-19 nên người đến chùa hành lễ không đông, mọi người đều ý thức đeo khẩu trang và đứng cách xa nhau".
Ngày lễ Phật đản cùng nghi thức tắm Phật đã trở thành một nét sinh hoạt tâm linh cao đẹp trong xã hội Việt Nam. Đối với Phật tử, đây là dịp để thể hiện sự tôn kính đối với Đức Phật và cùng hướng nguyện cầu Quốc thái dân an, Phật pháp trường tồn, chúng sinh lợi lạc.
Đại lễ Phật đản Phật lịch 2564 - Dương lịch năm 2020 là một mùa lễ Phật đản đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19. Với tinh thần trách nhiệm cao, luôn đồng hành cùng dân tộc, sống “tốt đời đẹp đạo”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đồng bào Phật tử trên cả nước đã và đang chung sức cùng nhân dân cả nước tham gia vào cuộc chiến chống dịch bệnh, tích cực hỗ trợ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, phát huy hơn nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.
Thu Hiền/Vietnam Journey