Lễ cúng rằm tháng Giêng rất quan trọng đối với người Việt. Dân gian có câu: "Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng", hay: "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng", "Cả năm được rằm tháng Bảy, cả thảy được rằm tháng Giêng".
15/1 âm lịch cũng là ngày trăng tròn đầu tiên của năm, nên được gọi là Tết Nguyên tiêu (nguyên nghĩa là đầu tiên, tiêu là đêm).
Rằm tháng Giêng 2021 diễn ra vào thứ Sáu ngày 26/2 dương lịch. Thông thường lễ cúng Tết Nguyên tiêu được tiến hành vào ngày chính rằm. Tuy nhiên tùy điều kiện thời gian, các gia đình có thể cúng trước một vài ngày.
Nên cúng rằm tháng Giêng 2021 ở nhà hay chùa?
Rất nhiều người phân vân việc nên cúng rằm tháng Giêng 2021 ở nhà hay trên chùa. Người thì cho rằng cúng ở nhà là được rồi, người khác lại nói phải lên chùa mới đúng, nhưng cũng có người quan niệm phải cúng cả ở nhà và trên chùa. Vậy, cúng rằm tháng Giêng 2021 ở đâu mới đúng?
Thường vào ngày này, hầu hết mọi người làm lễ mặn cúng gia tiên, nếu cúng Phật thì làm thêm lễ chay. Tùy vào phong tục từng nơi cũng như điều kiện kinh tế gia đình mà đồ lễ mỗi nhà mỗi khác, cái chung là đều thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” đối với ông bà, tổ tiên và tấm lòng thành kính, tri ân Phật, thánh.
Cúng rằm tháng Giêng 2021, nhiều gia đình ngoài cỗ mặn cúng gia tiên còn có cỗ chay cúng Phật.
Ngoài mâm cúng ở nhà, nhiều gia đình còn chuẩn bị lễ ngọt lên chùa dâng Phật, thánh, mục đích vẫn là cầu mong sức khỏe, bình an, con cháu ngoan ngoãn, học hành tấn tới.
Vào ngày rằm tháng Giêng, người Việt còn có phong tục dâng sao giải hạn, lễ này được thực hiện ở chùa, đền. Nếu gia đình có người bị sao xấu chiếu trong năm đó thì lễ này sẽ giúp giải tai ách, xua đuổi rủi ro, cầu mong tai qua nạn khỏi.
Cúng rằm tháng Giêng 2021 trong nhà hay ngoài trời?
Đối với lễ cúng tại gia, nhiều gia đình chỉ làm một mâm cỗ đặt lên bàn thờ chính để mời gia tiên, thần linh thụ hưởng. Một số gia đình cầu kỳ hơn, sửa soạn mâm lễ để cúng cả trong nhà và ngoài trời vào giờ Ngọ.
Cúng ngoài trời
Đây là lễ cúng nhằm cảm ơn trời đất, thần tiên, Phật thánh cùng các vị anh hùng dân tộc. Nếu không có sân thì có thể bày lễ ở gian giữa trong nhà hoặc ở sân thượng.
Nếu có điều kiện, ở ngoài trời, có thể đặt bốn bàn lễ ở bốn hướng: Hướng bắc để thờ Thượng đế; hướng nam để thờ các vị thần; hướng tây để thờ Phật; hướng đông để thờ các vị anh hùng có công với dân với nước. Mâm lễ theo truyền thống gồm: Gà trống trắng luộc chín 1 con, thịt dê hấp 1 miếng, một đĩa xôi đỏ, một đĩa hoa quả, 99 thuyền vàng, 99 thỏi vàng, 99 lá vàng (không cúng tiền âm phủ), 3 chén rượu trắng, đỏ, vàng..., 3 chén trà hương vị khác nhau. Mỗi bàn lễ đốt 5 ngọn nến, thắp 9 nén nhang.
Riêng ban lễ hướng tây lễ Phật thì làm cơm chay, không có tiền vàng và rượu. Trên các bàn lễ nếu có lọng che thì rất tốt.
Tuy nhiên, nếu không có điều kiện và không cầu kỳ thì chỉ cần soạn một mâm lễ giản dị, điều cốt yếu vẫn là thành tâm.
Nghi lễ cúng rằm tháng Giêng ngoài trời
Cúng trong nhà
Lễ cúng trong nhà dành cho thần linh và gia tiên. Thời điểm cúng tốt nhất là giờ Ngọ (từ 11-13h) ngày 15/1 âm lịch.
Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng 2021 truyền thống hầu như không thể thiếu thịt gà, xôi gấc/bánh chưng. Gà là vật cúng tế linh thiêng nhất, còn xôi gấc có màu đỏ, được cho là sẽ mang đến may mắn cho gia đình trong năm mới.
Các món giò, chả, rau xào... cũng thường có mặt trên mâm cỗ mặn cúng gia tiên vào ngày rằm tháng Giêng. Ngoài ra, các gia đình còn chuẩn bị hương, hoa tưởi, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu.
Cúng rằm tháng Giêng không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy mà gia đình nên "tùy tiền biện lễ", dựa vào điều kiện kinh tế và số thành viên trong gia đình mà chuẩn bị phù hợp. Nhà ít người không nên làm quá nhiều món, quá nhiều mâm cỗ, sau đó không thể thụ lộc hết sẽ rất lãng phí.
Theo VTC News
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |