Mỗi dịp tết đến, xuân về, những gia đình Việt ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam đều làm mâm cỗ tết cúng ông bà, tổ tiên.
Dù rằng mâm cỗ ba miền luôn có chung nguyên liệu chính làm từ nếp, gạo, đậu, thịt, cá, rau, củ quả… Tuy nhiên gia vị chua, cay, mặn, ngọt tùy vùng có khác nhau. Đặc biệt là cách làm món ăn, tên gọi món đều mang đặc trưng riêng từng vùng.
Mâm cỗ tết miền Bắc
Mâm cỗ tết miền Bắc phải luôn có sáu bát, bốn đĩa hoặc bốn bát, bốn đĩa, trong đó bao gồm: Một đĩa thịt gà, một đĩa thịt heo quay (hoặc luộc), một đĩa chả quế, một đĩa giò lụa, một đĩa nộm thập cẩm và một đĩa xôi gấc úp hình tròn.
Mâm cỗ tết miền Bắc.
Bốn bát gồm có một bát chim bồ câu hầm hạt sen; một bát măng hầm; một bát canh mọc; một bát mực nấu với su hào, cà rốt, giò lụa thái chỉ. Ngoài ra còn có dưa hành. Bốn bát canh này được đặt ở bốn góc vuông của mâm cơm theo hình tứ trụ.
Số lượng bát đĩa của mâm cỗ ngày tết luôn có chuẩn mực về số lượng. Nếu bốn bát, bốn đĩa là để tượng trưng tứ trụ, bốn mùa giao hòa thì tổng con số sẽ ra được tám để mang ý nghĩa chữ phát (trùng âm bát là 8).
Có những mâm cỗ lớn còn làm đến số lượng sáu bát, sáu đĩa hoặc tám bát, tám đĩa; sáu bát, tám đĩa để tạo âm lộc - phát.
Vốn là nền văn hóa nông nghiệp lúa nước lâu đời còn thấm đậm giá trị lễ nghĩa thời Hùng Vương, nên mâm cỗ tết không thể thiếu bánh chưng xanh. Có nhà còn làm đủ cả bánh chưng và bánh dầy.
Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho mặt đất, có đủ lúa nếp, đậu, thịt nuôi dưỡng nhân sinh. Bánh dầy hình tròn, trắng dẻo tượng trưng cho bầu trời, mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng tươi tốt. Vì thế thi nhân miền Bắc cảm nhận về cái tết rằng:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Mâm cỗ tết miền Trung
Mâm cơm cúng tết miền Trung cũng rất cầu kỳ vì phải đạt tiêu chuẩn “thượng cầm - hạ thú - thủy tộc”. Trong đó, “thượng cầm” là chim, gà, vịt; “hạ thú” là bò, heo, dê; “thủy tộc” gồm tôm, mực, cua, cá.
Trong mâm cơm ngày tết của miền Trung thường có gà luộc, gà rán, thịt đông, thịt kho, thịt ngâm nước mắm. Tùy theo nhà còn có thịt luộc cuốn bánh tráng, nem lụi cuốn bánh tráng, cá kho, cá hấp cuốn bánh tráng và rau sống, giò lụa, miến nấu măng, dưa giá... kèm đĩa bánh chưng nhỏ hoặc bánh tét cắt khoanh tròn ăn kèm với các món dưa mặn ngọt, kiệu muối chua.
Mâm cỗ tết miền Trung.
Do ảnh hưởng văn hóa cung đình nên những món ăn trong mâm cơm ngày tết miền Trung mà tiêu biểu là Huế được chế biến một cách công phu, tỉ mỉ. Chẳng hạn khi làm chả giò, nem, món ăn sẽ được sắp xếp hình con công, con phượng, hình con dơi, chữ thọ, hình hoa lá rất khéo léo đẹp mắt.
Hoặc ở miền Bắc là đĩa xôi gấc úp tròn, thì xôi miền Trung thường đúc hình chữ thọ, chữ phúc có hai hoặc ba màu rất đẹp mắt. Đặc biệt, miền Trung, nhất là Huế phải có món gỏi mít.
Mâm cỗ tết miền Nam
Mâm cơm của người miền Nam đón tết rất trọng chữ nghĩa, luôn toát lên khát vọng hướng đến sự thịnh vượng, ấm no.
30 tết phải có món khổ qua hầm, mang ý nghĩa cầu cho cái đắng cay của năm cũ qua đi. Hay có nhà có món cháo vịt hay gỏi vịt để tượng trưng cho sức khỏe và khả năng bơi lội, bươn chải kiếm ăn, sống hòa đồng và giữ được lòng thanh cao như con vịt lên bờ xuống ruộng luôn giữ sạch được bộ lông của mình.
Mâm cỗ tết miền Nam.
Nếu triết lý vuông - tròn của miền Bắc được thể hiện qua bánh chưng, bánh dầy thì món ăn tết miền Nam không thể thiếu món thịt kho trứng với nước dừa với miếng thịt cắt vuông và trứng hình tròn. Ngoài ra còn có chả giò, lạp xưởng, bún xào, rau sống, dưa giá, bánh ít, bánh tét…
Cả ba miền đều có chung món bánh cầu mùa làm từ nếp, đậu, thịt nhưng hình tượng và kích thước khác nhau: Miền Bắc có bánh chưng - bánh dầy, miền Nam có bánh ít, bánh tét. Còn miền Trung vừa có bánh tét và bánh chưng với kích thước nhỏ hơn.
Cả ba miền đều có chung món gà cúng mùng 3 tết để nguyên con tượng trưng ngũ đức gồm năm đạo: Màu gà đỏ chót tượng trưng cho văn, móng gà sắt nhọn tượng trưng cho võ, chiến đấu oanh liệt tượng trưng dũng khí, có gì ăn là báo đồng loại cùng ăn là có nghĩa, đúng bình minh là báo thức mọi người tượng trưng chữ tín.
Món ăn ngày tết là món ăn khác rất nhiều với bữa cơm thường ngày vì nó hội tụ biết bao giá trị chân - thiện - mỹ, đúc kết từ biết bao kinh nghiệm, giá trị sống và luân lý của tổ tiên truyền lại. Được nếm món ăn ngày tết không chỉ giúp con người lớn thêm về thể xác mà đặc biệt còn làm ta lớn rộng hơn ở tâm hồn, giúp ta yêu hơn nguồn cội của chính mình.
Diễn giả văn hoá Hồ Nhựt Quang/PLO