Chúng tôi về làng tranh cổ ven đê sông Đuống ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, những ngày giáp Tết để hiểu thêm về tranh, về người, hiểu những dẫn dắt từ chuyện xưa về đề tài con chuột.
“Đám cưới chuột” vẫn là bức tranh nổi danh bậc nhất của làng tranh Đông Hồ
Tranh Đông Hồ nổi tiếng bởi sự hồn nhiên, trong sáng. Ở thời kỳ cực thịnh, cách đây cũng vài chục năm, tranh rải đầy niềm vui mỗi phiên chợ quê miền Bắc dịp giáp Tết.
Đàn chuột xuất hiện trong ba bức tranh lần lượt là “Đám cưới chuột”, “Trạng chuột vinh quy” và “Chuột rước đèn”. Có lẽ, năm Tý - với biểu tượng con chuột, còn là năm đầu của một kỷ, chu kỳ 60 năm. Bởi thế, ưu ái của người xưa dành cho chuột cũng là điều dễ hiểu.
Một đàn chuột, hai bức tranh
Bức "Đám cưới chuột" thuộc hàng nổi tiếng nhất của làng tranh Đông Hồ. Người làng Đông Hồ không ai biết đích xác thời điểm ra đời của bức tranh, chỉ biết rằng, nó đã được truyền từ đời này qua đời khác đến tận bây giờ. Tùy theo chú thích và một vài sai khác về cúng vật trong lễ rước mà cùng là một bức tranh có thể phân thành "Đám cưới chuột" hoặc "Trạng chuột vinh quy".
Bức tranh mô tả một đám cưới xưa, có cả cờ, quạt, kèn, trống và các loại lễ vật. Đây là đám cưới khá quy mô của “nàng” chuột và “chàng” chuột - những “nhân vật” đại diện cho tầng lớp bình dân nhất của xã hội.
“Đám cưới chuột” lên lịch hiện đại
Xem bức tranh ta thấy, giữa đoàn rước là hai nhân vật chính, “chàng” chuột đội mũ, cưỡi ngựa đi trước, “nàng” chuột ngồi kiệu theo sau. Đám rước đi trên con đường vòng vèo báo trước tình cảnh khó khăn. Đã vậy, giữa đường lại có một “lão” mèo già hung dữ giơ vuốt dọa nạt và tỏ ra rất quyền uy. Nhưng mối nguy này đã được họ nhà chuột lường trước và chuẩn bị sẵn lễ vật (chim, cá) để cống nạp cho mèo, cầu xin mèo cho đám cưới bình yên. Dựa trên hai lễ vật cống nạp có thể phân biệt, nếu lễ vật là cống chim đi trước thì đây là bức tranh “Đám cưới chuột” với dòng chữ “Nghinh hôn”. Nếu lễ vật là cống cá đi trước thì đây là bức “Trạng chuột vinh quy” với chữ chú thích “Vinh quy” trên lá cờ sau lưng mèo và chữ “Tiến sĩ” trên biển đề.
Hình ảnh chú chuột đi đầu cũng cho thấy tính chất hài hước của tranh dân gian. Khác với vẻ khúm núm của đám chuột đi sau, chuột mang lễ tỏ ra đầy kinh nghiệm “trận mạc” sẵn sàng giáp mặt với mèo không e sợ. Dễ dàng thấy điểm khác biệt của chú chuột đi đầu là không có đuôi, rõ ràng đây là chú chuột khỏe khoắn nhất, tinh ranh nhất và hẳn đã nhiều lần thoát khỏi vuốt mèo, bằng chứng có lẽ là cái đuôi đã bị vồ mất từ khi nào...
Để có thể vẽ nên một bức tranh “Đám cưới chuột”, cần đến 4 khuôn để in lần lượt 4 màu sắc lên giấy dó
Hoạt cảnh dân gian mượn hình ảnh đối lập chuột - mèo đã là minh chứng sống động cho cuộc sống của người xưa trong xã hội phong kiến. Có cường hào, áp bức, có cách ứng xử của dân đen. Có chèn ép của bề trên, có sự “giải vây” khéo léo của bề dưới.
Trong bức “Trạng chuột vinh quy”, cũng vẫn mô tuýp cống nạp ấy nhưng một thông điệp khác được đưa ra: Dù có vẻ vang mũ cao áo dài ở đâu, nhưng “đất lề quê thói”, đã về tới mảnh đất quê hương thì “phép vua thua lệ làng”. Trong xã hội phong kiến, mọi quy tắc lễ giáo giữ nghiêm cũng góp phần bảo đảm sự ổn định, và đó cũng là một trong những đặc trưng tâm lý của nền kinh tế sản xuất nông nghiệp.
Không chỉ chơi tranh, theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, người Việt còn tìm treo cả khuôn tranh “Đám cưới chuột”
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, GS. Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá dân gian Việt Nam), bức tranh thể hiện rất rõ tâm lý “dĩ hòa vi quý” của người Việt, muốn mọi người xung quanh cũng được no đủ, hưởng niềm vui để cuộc sống của mình cũng được yên ổn nhờ đó. Ở khía cạnh tích cực, tâm lý đó khiến người Việt Nam xử lý tình huống và mâu thuẫn một cách có tình.
Rộn ràng chuột rước đèn
So với “Đám cưới chuột”, “Chuột rước đèn”có lẽ là bức tranh ít nổi tiếng hơn. Đàn 11 chú chuột lớn bé mang kèn trống cờ quạt và đèn cá chép, đèn lồng rộn ràng đi hội. Thoạt nhìn tổng thể, bức tranh như miêu tả trò chơi của trẻ em nông thôn xưa, khiến bầy chuột hồn nhiên thêm ngộ nghĩnh. Mô hình rồng uy nghi trùm lên, thu hút ánh nhìn vào trung tâm, nhưng vẫn không át được số đông của đàn chuột. Vì vậy, gọi là “chuột rước đèn”, có nơi gọi “chuột rước rồng”, nhưng không phải để tôn vinh rồng phượng, mà như một ngày hội vui, ngày biểu dương lực lượng của những chú chuột có thân phận thấp kém hơn rồng. Chuột vốn sợ ánh sáng, nhưng vẫn rước đèn, như ngầm gửi thông điệp về việc đàn chuột sung túc tự tin hội hè khi Tết đến xuân về.
"Chuột rước đèn” được đưa làm bìa lịch Xuân Canh Tý 2020
Mùa xuân năm nay, đến làng Đông Hồ, ngắm đàn chuột trong những bức tranh Tết, lại bâng khuâng nhớ giai thăng trầm khi lệ mua tranh Đông Hồ treo ngày Tết đã mai một, những nghệ nhân còn bám trụ lại với nghề cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Điều đáng mừng là chính nhờ công gìn giữ của những nghệ nhân như ông Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam… dòng tranh dân gian này ngày nay đang dần được khôi phục lại. Vẫn là giấy dó, màu đỏ từ gạch non, màu vàng từ hoa điệp vàng, màu đen từ lá tre đốt, màu trắng được nghiền từ vỏ sò, ốc… lại cộng thêm tâm huyết giữ lại dòng tranh của người xưa để sáng tạo cho ngày nay.
Ngày nay, các gia đình nghệ nhân cũng tất bật chuẩn bị tranh bán Tết
Đặc biệt, năm Canh Tý này, các nghệ nhân làng nghề xưa lại sáng tạo thêm bộ lịch năm mới với đủ bộ ba tranh chuột cùng một số bức tranh nổi tiếng khác của làng Đông Hồ. Những sáng tạo mới mẻ là cách để tranh cổ dễ đến với mọi người, mọi nhà, lại hy vọng làm sáng mỗi căn nhà dịp Tết đến.
Để rồi...
"Mà bao năm tháng trong tranh Tết.
Tiếng trống vinh quy vẫn rộn ràng"
(Thơ "Đám cưới chuột" - Tác giả Ngô Văn Phú)
Làng Đông Hồ thuở xa xưa có tên là Làng Mái. Từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1944 là thời kỳ cực thịnh của dòng tranh Đông Hồ. Theo nhiều tài liệu ghi lại, thời đó, để chuẩn bị tranh bán Tết, khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp, không một mảnh đất trống nào không được người dân làng Hồ tận dụng để phơi giấy, người ta vừa làm tranh vừa sống trong không khí lễ hội. |
Theo baotintuc.vn