Tối 11/8, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội đã diễn ra buổi tổng duyệt ra mắt vở kịch hát “Ngàn năm mây trắng”, tác giả kịch bản PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, được Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát chèo Việt Nam phối hợp dàn dựng và biểu diễn. Đây là tác phẩm được dàn dựng để đăng ký tham dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, Hà Nội - 2019 do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức, đồng thời cũng là công trình kỷ niệm 74 năm thành lập VOV (7/9/1945-7/9/2019) và 70 năm thành lập Nhà hát VOV.
Đến dự buổi tổng duyệt có: PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục Trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn; NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam...
“Ngàn năm mây trắng” là kịch bản văn học của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; Chuyển thể kịch hát: NS Hoàng Song Việt và NSƯT Thanh Ngoan. Với sự tham gia của NSƯT Thanh Ngoan - NSƯT Triệu Trung Kiên (Đạo diễn); Họa sỹ Hồng Vân (Thiết kế mỹ thuật); NSƯT Duy Hòa (Sáng tác âm nhạc); Hồng Hải (Thiết kế ánh sáng); Tuyết Minh (Biên đạo múa); Minh Hùng (Thiết kế trang phục).
Với thời lượng 1h30', “Ngàn năm mây trắng” có sự tham gia của hơn 60 nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam cùng một số nghệ sỹ, diễn viên và Dàn nhạc dân tộc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam.
“Ngàn năm mây trắng” lấy cảm hứng từ hình ảnh hòn vọng phu tại vùng đất biên ải Lạng Sơn, kể câu chuyện về nàng Tô Thị bồng con đi tìm chồng là Trần Khôi. Dù Trương Lỗ - người anh em kết nghĩa của Trần Khôi khẳng định chàng đã ra đi nơi chiến trận nhưng Tô Thị luôn tin rằng chồng mình còn sống. Nàng cùng Trương Lỗ đi khắp nơi hỏi thăm tung tích của chồng.
Trên đường đi, nàng gặp một phường Chèo và được mọi người kể cho nghe câu chuyện về một vị tướng cũng tên Trần Khôi.
Trần Khôi qua lời kể của phường Chèo là một vị tướng văn võ toàn tài lưu lạc đến phương Bắc, được công chúa đem lòng yêu mến và muốn lấy làm chồng.
Tuy nhiên, vì không muốn phụ bạc người vợ hiền ở quê nhà, Trần Khôi từ chối làm phò mã. Điều này khiến nhà vua vô cùng tức giận. Ngài lập tức ra lệnh xử tử Trần Khôi.
Tô Thị nghe câu chuyện về Trần Khôi rất đau lòng. Tuy nhiên, nàng không tin người chồng mà mình đang ngày đêm tìm kiếm đã chết.
Tô Thị lại cùng Trương Lỗ lên đường tìm Trần Khôi.
Trên đường đi, nàng Tô Thị gặp một gánh hát Xẩm. Khi hỏi thăm tung tích của chồng, nàng tiếp tục lại được nghe kể câu chuyện về Trần Khôi.
Lần này, Trần Khôi bị một thương nhân dụ dỗ vượt biên sang phương Bắc hưởng vinh hoa phú quý.
Trần Khôi tuy vô cùng nhớ thương vợ con ở nhà, nhưng không cưỡng lại được những lời hứa hẹn của vị thương nhân nọ. Chàng đành phụ bạc vợ con, theo chân vị thương nhân kia tới phương Bắc.
Nghe đến đây, Tô Thị một mực phủ nhận Trần Khôi trong câu chuyện của gánh hát Xẩm là chồng mình. Nàng vẫn giữ niềm tin mãnh liệt rằng chồng mình còn sống.
Tô Thị và Trương Lỗ ghé qua một ngôi đền linh thiêng, tiếng hát Văn Huế của một cô đồng vang lên, kể câu chuyện về một Trần Khôi bị người anh em kết nghĩa của mình hãm hại nơi chiến trận.
Lúc này, Trương Lỗ mới lộ chân tướng là kẻ thủ ác. Hắn đã ra tay giết Trần Khôi hòng chiếm đoạt Tô Thị. Tô Thị ngỡ ngàng khi biết được sự thật đau lòng.
Trương Lỗ gặp quả báo. Còn Tô Thị vẫn nuôi hi vọng rằng chồng mình vẫn còn sống. Nàng lại tiếp tục bồng con đi khắp nơi tìm chồng rồi hóa thành hòn vọng phu trên đỉnh núi.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, tác giả kịch bản văn học của "Ngàn năm mây trắng" chia sẻ rằng, ông muốn viết một câu chuyện về nàng Tô Thị khác với câu chuyện cổ tích mà mọi người vẫn thường nghe. Không chỉ đơn thuần là câu chuyện về người phụ nữ mong ngóng người chồng, thực chất là anh trai ruột của mình đến hóa đá. Đối với một dân tộc Việt Nam trải qua nghìn năm binh lửa, đã có vô vàn hòn vọng phu: người vợ chờ chồng nơi chiến trận trở về; chờ chồng đi biển nhưng bặt vô âm tín; chờ chồng đi làm ăn buôn bán phương xa; chờ chồng đi sứ, đi ra nước ngoài hay một số lý do, hoàn cảnh nào đó… Trong đó, sự tích (hay truyền thuyết) chờ chồng nơi chiến trận, nỗi niềm chinh phụ - chinh phu vẫn tiêu biểu và điển hình hơn cả. Và sự tích về nàng Tô Thị muôn đời lay động lòng người.
Thông qua cách kể chuyện mới mẻ về nàng Tô Thị, "Ngàn năm mây trắng” ca ngợi những chiến binh dũng cảm đã không tiếc máu xương bảo vệ giang sơn của Tổ quốc và ca ngợi tấm lòng thủy chung, hiền hậu, đảm đang, nhân ái của người phụ nữ Việt Nam.
"Ngàn năm mây trắng" cũng là vở kịch hát đầu tiên có sự xuất hiện của nhiều loại hình âm nhạc và nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, nhưng bằng kinh nghiệm của mình, 2 NSƯT Thanh Ngoan và Triệu Trung Kiên đã có những cách kết hợp sáng tạo, thể hiện hết được những nét đặc sắc nhất của Cải lương, Chèo, hát Xẩm và ca Huế.
Theo đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên, yếu tố chính trong vở diễn này là nghệ thuật sân khấu cải lương. Trong nghệ thuật cải lương đã có 50% là hiện thực. Và từ hiện thực đó, theo chân nàng Tô Thị đi tìm chồng đã bắt gặp những không gian không hiện thực. Những không gian mang nhiều tính kể chuyện tự sự được tái hiện bằng nghệ thuật Chèo, hát Xẩm, ca Huế...
"Chính vì thế mà mỗi loại hình sân khấu trong vở diễn được giữ nguyên nguyên tác mà không bị hòa trộn, bị nhòe vào nhau hoặc làm ảnh hưởng đến nhau. Chúng tôi đã cố gắng để cho mỗi không gian của mỗi loại hình được bảo toàn để hoà nhập nhưng không hòa tan", đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ.
Cũng theo đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên, “Ngàn năm mây trắng” được xác định tiêu chí là thử nghiệm, có thể làm theo cảm hứng sáng tạo của nghệ sĩ. Cá nhân ông rất mong chờ hiệu quả cho lần đầu tiên mạnh dạn hòa trộn các loại hình sân khấu vào với nhau. Bên cạnh đó còn sự thể nghiệm của các ngôn ngữ sân khấu khác nữa tạo nên 1 tác phẩm sân khấu mang nhiều tìm tòi. Sự tìm tòi, đổi mới, cách tân cho các tác phẩm sân khấu luôn cần thiết để khán giả có sự trải nghiệm và tạo cảm xúc.
Ngoài diễn xuất của dàn diễn viên các nhà hát, "Ngàn năm mây trắng" được đầu tư về phần thiết kế mỹ thuật với những hình ảnh mang phong cách tranh dân gian Việt Nam, nhằm xây dựng nên một tác phẩm sân khấu mang âm hưởng dân gian đương đại, tôn vinh những nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam.
Sau khi tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, Hà Nội - 2019 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, vở “Ngàn năm mây trắng” sẽ phục vụ công chúng ở Nhà hát VOV, Nhà hát Lớn Hà Nội, trên các kênh sóng phát thanh, truyền hình của VOV, một số đài phát thanh, truyền hình và một số địa phương trong cả nước.
Hà Phương/VOV.VN