Ngôi chùa trên đảo Sinh Tồn
Ngày đầu năm, quân và dân trên đảo dậy sớm hơn thường ngày. Mọi người dậy thật sớm để cùng nhau ăn bữa sáng rồi đi lễ chùa đầu năm. Từ sáng sớm, tiếng chuông chùa ngân lên, vang vọng giữa biển khơi.
Chị Lữ Thị Kim Cúc, người dân sống trên đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết, ở xa đất liền nhưng khi nghe tiếng chuông chùa, mọi người cảm thấy quê nhà gần hơn.
“Sáng mồng 1 Tết, mọi người tham gia lễ chùa và thăm hỏi bộ đội, động viên các anh em ở lại đảo công tác năm mới vui vẻ. Tôi cảm thấy nghe tiếng chuông chùa như mình đang ở đất liền, có tiếng chuông làm nhân dân trên đảo thấy ấm áp hơn” – chị Cúc chia sẻ.
Người dân ở Trường Sa đi lễ chùa
Đã có nhiều ngôi chùa hiện hữu lâu đời trên các đảo: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn và Phan Vinh. Những ngôi chùa chính là điểm tựa tinh thần cho những người dân đi biển, những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sống trên đảo.
Chùa Vinh Phúc ở đảo Phan Vinh tọa lạc gần biển, cổng chùa cách bờ biển chỉ vài mét. Phật điện chùa Phan Vinh có pho tượng Phật ngọc. Các pho tượng trong chùa đều bằng đá thạch anh, có tượng cao cả mét.
Chùa cổ Vinh Phúc trên đảo Phan Vinh, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa
Chùa Sinh Tồn trên đảo Sinh Tồn có thờ bài vị của 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma trong cuộc chiến ngày 14/3/1988. Sân chùa có Bia tưởng niệm những người con đất Việt kiên trung, bất khuất đã kết thành vòng tròn bất tử.
Bia tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma
Điều đặc biệt là dù nằm trên hòn đảo nào trong quần đảo Trường Sa thì các ngôi chùa đều hướng mặt về phía Thủ đô Hà Nội với ý nghĩa thiêng liêng hướng về cội nguồn dân tộc.
Đại đức Thích Tâm Thanh, Trụ trì Chùa Sinh Tồn cho biết, tiếng chuông chùa ngày đầu năm mới không chỉ là âm thanh của niềm tin và hy vọng mà còn là tiếng tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ biển trời quê hương. Theo Đại đức Thích Tâm Thanh, đầu năm mới, tăng ni phật tử Chùa Sinh Tồn gióng lên 3 hồi chuông cầu nguyện cho quốc thái dân an, chúng sinh hòa bình, nhân dân an lạc.
Nguyện cầu trong năm mới 2020
“Ở đâu có người Việt sinh sống, ở đó có mái chùa; ở đâu thuộc lãnh thổ chủ quyền của Tổ quốc, ở đó có hình bóng của người tu sĩ Phật giáo. Tiếng chuông chùa thức tỉnh cho con người, bỏ hết mọi phiền não và cũng là một niềm an tâm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây an tâm công tác, bảo vệ mảnh đất máu thịt của Tổ quốc” – Đại đức Thích Tâm Thanh cho biết.
Giữa biển đảo Trường Sa xa xôi, mỗi ban mai hay chiều tối, người dân trên đảo vào chùa, thỉnh chuông, thắp nén hương, tịnh tâm khấn vái. Những ngư dân hành nghề trên vùng ngư trường quanh đảo ngày Rằm, Mùng Một cũng ghé thuyền vào đảo lên chùa thắp hương, cầu mong sức khỏe dẻo dai, mỗi chuyến đi khơi đều may mắn, được nhiều lộc biển.
Chùa cổ Vinh Phúc là điểm tựa tâm linh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa
Trung tá Nguyễn Văn Quang, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngôi chùa ở Trường Sa là chỗ dựa tâm linh đối với nhân dân, cán bộ và chiến sĩ trên đảo.
“Cán bộ, chiến sĩ ở đảo đều tổ chức ăn tất niên, đón giao thừa. Ngày Mồng 1 Tết, chúng tôi chào cờ đầu năm rồi đi lễ chùa, đi chúc tết giữa các đơn vị, chúc tết từng hộ dân, tổ chức các trò chơi dân gian tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa quân dân trên đảo” – Trung tá Nguyễn Văn Quang khẳng định.
Thỉnh chuông cầu nguyện cho quốc thái dân an, chúng sinh hòa bình, nhân dân an lạc
Ngày đầu năm mới, tiếng chuông chùa ngân vang chất chứa bao niềm vui và hy vọng. Giữa biển trời Trường Sa dặt dìu tiếng sóng vỗ, chợt lắng đọng bởi tiếng chuông chùa khoan thai. Tiếng sóng, tiếng gió biển hòa nhịp cùng tiếng chuông chùa tạo nên một thanh âm yên bình trong mùa xuân Canh Tý 2020.
Thanh Hiếu/ VOV miền Trung