Sinh ra và lớn lên ở một vùng đất địa linh nhân kiệt - cái nôi của người Việt cổ với nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ, những năm tháng sống và chiến đấu ở vùng đất Tây Nam bộ và chiến trường Campuchia, đồng chí Lê Khả Phiêu đã ghi nhiều dấu ấn quan trọng và để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng cán bộ, chiến sĩ và người dân miền Tây sông nước.
"Tôi nghe tin anh Năm Phiêu mất… Tôi nhớ quá. Mấy đêm nay…tôi khó ngủ lắm, trằn trọc vô cùng..." - ThiếuTổng bí thư, Thượng tướng Lê Khả Phiêu tướng Lê Xã Hội (tên thường gọi là Chín Hội), nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, Tham mưu trưởng Quân khu; nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 4 năm nay đã 83 tuổi bồi hồi, xúc động khi nhớ về người thủ trưởng của mình. Với ông cũng như trong lòng các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ, quân và dân miền Tây Nam bộ, Tổng bí thư, Thượng tướng Lê Khả Phiêu đã để lại dấu ấn rất đặc biệt.
Thiếu tướng Lê Xã Hội chia sẻ: "Tôi luôn nhớ tới anh Năm Phiêu. Khi có việc gì vui buồn thì luôn nhắc và nhớ tới ông. Nhất là trong giai đoạn gian khổ trên chiến trường Campuchia. Thứ hai là trong công cuộc chống tham nhũng. Ở đây, đồng chí đồng đội thường nhắc tới ông lắm. Ở chiến trường thì lặn lội đi khắp nơi, động viên anh em chiến đấu, gắn bó với bạn, với người dân. Khi về nước thì tập trung xây dựng lực lượng vũ trang và công cuộc phòng chống tham nhũng."
Thiếu tướng Lê Xã Hội xúc động khi nhớ về người thủ trưởng của mình
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta vừa kết thúc thắng lợi, tập đoàn phản động Pol Pot-Yeng Sari đã thi hành chính sách diệt chủng tàn sát dân tộc Khmer; về đối ngoại, chúng cho quân đánh phá, xâm lấn lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, kể cả các hải đảo của nước ta.
Năm 1978, chuẩn bị cho nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia, đồng chí Lê Khả Phiêu được điều động về làm Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9. Sau đó, làm Phó Tư lệnh về chính trị Mặt trận 719 (Bộ tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia) cho đến ngày thắng lợi trở về Tổ quốc vào năm 1989.
Những năm tháng nhớ người thủ trưởng ở chiến trường Campuchia - Mặt trận 719
Ông Chín Hội nhớ lại, cuối năm 1981, theo đề xuất của đồng chí Năm Phiêu, ông được điều động từ Phó trưởng Phòng Tác chiến, Bộ Tham mưu Quân khu về làm Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 4 có nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Campuchia. Theo ông Chín Hội, những lần gặp ở chiến trường, Anh Năm Phiêu đã thể hiện phẩm chất của một người lính có nhiều kinh nghiệm trận mạc; là cán bộ có bản lĩnh chính trị, tâm huyết với tổ chức, gắn bó trách nhiệm với đồng chí, đồng đội.
Theo ông Chín Hội, một đề xuất được xem là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam - Campuchia là quy định bắt buộc cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giúp bạn phải học tiếng Campuchia. Bởi lẽ, có am hiểu tiếng nói, chữ viết, phong tục của bạn thì mới có thể làm tốt công tác vận động quần chúng và giúp bạn về mọi mặt:
Ông Chín Hội nhớ lại: "Trên chiến trường Campuchia, khi mình qua bên đó, ngôn ngữ bất đồng. Ông mới đề xuất là yêu cầu toàn bộ cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang hoạt động trên chiến trường phải học và biết tiếng nói Campuchia. Từ đó, mới có mối quan hệ tốt và vận động quần chúng, làm cho tới khi Campuchia giành được thắng lợi cuối cùng và địch ra đầu hàng."
Trung tướng Nguyễn Việt Quân, nguyên Chính ủy Quân khu 9 nhớ Chú Năm Phiêu
Trung tướng Nguyễn Việt Quân, nguyên Chính ủy Quân khu 9 khẳng định hơn 10 năm gắn bó với lực lượng vũ trang Quân khu 9, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã dành trọn tâm huyết đối với sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng vũ trang Quân khu. Đặc biệt nhất là thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, bảo vệ vững chắc khu vực biên giới Tây Nam Tổ quốc.
Theo Trung tướng Nguyễn Việt Quân, tổ chức Đảng đã sáng suốt khi chọn được một vị tướng bản lĩnh của quân đội như ông Lê Khả Phiêu làm lãnh đạo Đảng trong bối cảnh đất nước rất nhiều khó khăn, thách thức. Trên cương vị lãnh đạo Đảng, ông Lê Khả Phiêu đã tập trung xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền và tổ chức quần chúng, tạo thế vững chắc “kiềng ba chân” để đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.
Trung tướng Nguyễn Việt Quân cho biết: "Có 3 việc mà Chú Năm Phiêu đề xuất mà cho tới bây giờ vẫn giữ nguyên giá trị, mang tính chiến lược. Một là tập trung xây dựng tổ chức đảng. Hai là tập trung xây dựng tổ chức chính quyền. Ba là xây dựng tổ chức quần chúng. Đây được xem như kiềng ba chân có đảng, chính quyền, quần chúng. Sức mạnh này mình giữ vững, làm tốt thì coi như không ai phá vỡ được quan điểm, tư tưởng, đường lối của đảng. Từ đó, đưa nghị quyết và cuộc sống, đặc biệt là Nghị quyết TW6."
Nguyên Tổng bí thư-thượng tướng Lê Khả Phiêu tham dự cuộc họp Đảng ủy viên Đảng ủy Quân khu 9 qua các thời kỳ
Thiếu tướng Lê Xã Hội, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9 nêu rõ dù ở cương vị nào, từ một người chiến sĩ hay đến cán bộ cao cấp trong quân đội rồi trở thành Tổng Bí thư, đồng chí Lê Khả Phiêu vẫn luôn là người cán bộ có lối sống giản dị, gắn bó mật thiết với nhân dân. Ở cương vị Tổng Bí thư, ông đã thấy rõ những nguy cơ thách thức đối với Đảng, với đất nước và đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo và rất kiên quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo chỉnh đốn, xây dựng Đảng:
Thiếu tướng Lê Xã Hội chia sẻ: "Hiện nay nguy cơ Đảng mất uy tín, nguy cơ yếu Đảng chính là tham nhũng. Cho nên anh 5 tập trung vấn đề lớn này. Ông thường nói trong quân đội là muốn xây dựng bộ đội mạnh thì trước hết phải xây dựng đảng. Đảng lãnh đạo một cách tuyệt đối và toàn diện. Thứ hai, muốn xây dựng Đảng thì chi bộ Đảng phải chắc trong đấu tranh xây dựng nội bộ. Cuối cùng là đoàn kết. Ông đã tập trung vào công cuộc đấu tranh này, không ngại khó khăn."
Thanh Tùng/VOV ĐBSCL