Hà Nội là trung tâm ca trù lớn nhất của cả nước. Từ khi ca trù được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc hồi sinh cho loại hình nghệ thuật này. Đặc biệt, phải kể tới hoạt động thường xuyên, bài bản của Giáo phường ca trù Phó Thị Kim Đức.
Giáo phường ca trù Phó Thị Kim Đức
"Nhà hát” ca trù sáng đèn
Sau nhiều năm hoạt động, NSND Kim Đức và các học trò đã có một chốn riêng để thoả niềm đam mê đàn hát ca trù tại ngôi nhà số 21/52, phố Tô Ngọc Vân, Hà Nội, mang tên Kim Đức ca quán. Đây vừa là nơi Giáo phường Kim Đức tập luyện, biểu diễn và cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu của những người yêu mến nghệ thuật ca trù.
Từ những buổi diễn đầu tiên vào cuối tháng 10/2017, đến nay, Kim Đức ca quán đã có hơn 2 năm hoạt động. Song, phải từ đầu năm 2019 tới nay, giáo phường Kim Đức mới có thể thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn đều đặn mỗi tháng một lần với những chủ đề như: “Khúc ca xuân”, “Hát thờ ngày xuân”, “Tiếng tơ lòng”, “Những bài hát trào phúng - Cười đời và chữ Nhàn”...
NSND Kim Đức và các học trò đã có một chốn riêng để thoả niềm đam mê đàn hát ca trù tại ngôi nhà số 21/52, phố Tô Ngọc Vân, Hà Nội
Trong không gian ấm cúng với ánh đèn dầu le lói, khán giả thấy như đang ở trong không gian của chầu hát ngày xưa cũ, trôi theo những cung đàn, nhịp phách và giọng hát ngâm nga theo lối cổ về. Đặc biệt, không gian khán phòng không dùng bất cứ một sự hỗ trợ nào về âm thanh, chỉ có tiếng đàn và giọng hát của các kép đàn và đào nương, mộc mạc và hoài cổ.
Có tháng, “Nhà hát” ca trù phải mở thêm buổi biểu diễn bởi số lượng khán giả tìm đến bộ môn nghệ thuật truyền thống này ngày một đông, đặc biệt là khán giả trẻ và du khách nước ngoài.
Anh Nguyễn Ngọc Huy, một khán giả trẻ trong lần may mắn được nghe đích thân nghệ nhân Kim Đức biểu diễn bài “Thiên thai cảnh lạ” tại Kim Đức ca quán chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần đi nghe ca trù, với giáo phường Kim Đức thì đây là lần thứ hai. Tôi rất xúc động khi nghe cụ Kim Đức hát. Dưới góc độ là một người tới thưởng thức, đây là cách tôi ủng hộ văn hóa truyền thống một cách thiết thực nhất".
Số lượng khán giả tìm đến bộ môn nghệ thuật truyền thống này ngày một đông, đặc biệt là khán giả trẻ và du khách nước ngoài
Với mục đích để cho khán giả nước ngoài cũng hiểu và thêm yêu ca trù, kép đàn Văn Hải đã dịch sang tiếng Anh lời dẫn của mỗi phần trình diễn. Nhờ đó, ông Scott Anthony, người Mỹ đã có những trải nghiệm rất thú vị: "Những bài hát kể câu chuyện về lễ chùa ngày xuân và sự tích đình, chùa ở Việt Nam, thực sự rất thú vị. Tôi ủng hộ âm nhạc dân tộc ở bất cứ nơi nào, kể cả nước Mỹ nơi tôi sinh ra và Việt Nam nơi tôi đang sống".
Ca trù cũng như tất cả bộ môn trình diễn sân khấu khác đều đang bị ngăn cách bởi một quãng thời gian đứt đoạn của dòng chảy của âm nhạc truyền thống. Để công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ thường xuyên quay lại nghe ca trù như một thói quen thì cần phải có thời gian tiếp cận với họ bằng nhiều hình thức khác nhau trong thời gian dài hơi hơn nữa.
Tâm nguyện của nghệ nhân ca trù Kim Đức
Nghệ nhân Kim Đức, năm nay 89 tuổi, là đào nương hiếm hoi còn lại của nghệ thuật ca trù được đào tạo theo đúng lề lối cổ truyền. Bà là chiếc cầu nối liền mạch của 5 thế hệ ca trù liên tiếp, từ thế hệ ông bà trẻ của bà là cụ Trưởng Bảy và Phó Thị Yến với dòng ca trù khuôn Ấp nổi danh, đến thế hệ người cha là Quản ca Giáo phường Khâm Thiên cùng các cô chú trong dòng họ, và thế hệ của bà cùng anh trai, tiếp sau là các thế hệ con cháu được bà truyền dạy trong gia đình thông qua các lớp học do bà tự tổ chức.
Các lớp học này đã được học trò của bà yêu quý đặt tên “Giáo phường ca trù Kim Đức” với tâm niệm tiếp nối truyền thống gia đình và gìn giữ bộ môn nghệ thuật độc đáo, quý giá của Việt Nam.
Nghệ nhân Kim Đức đều có mặt để lắng nghe từng lời ca, tiếng đàn, nhịp phách,...
Nghệ nhân Kim Đức bỏ công đúc kết kinh nghiệm và đào tạo nhiều lớp học trò bằng phương pháp giảng dạy riêng. Bà khắt khe trong việc nhận học trò vì vậy dù có nhiều người xin theo học, nhưng số người được bà nhận chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các học trò được bà dạy theo hệ thống, khớp từng lời với từng nhịp phách, vừa học, vừa uốn nắn nghiêm khắc. Bà cũng dựa theo sức và chất giọng của từng người để tìm ra cách truyền dạy phù hợp. Chính vì vậy, có thể dễ dàng nhận ra điểm chung trong những buổi biểu diễn là sự khuôn thước, chuẩn mực của lời ca, nhịp phách, tiếng đàn theo đúng lề lối xưa.
Nếu ca nương Bạch Dương là một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên được nghệ nhân Kim Đức truyền dạy, thì có thể coi ca nương Phó Thị Hà My, ca nương Nguyễn Khánh Linh là thế hệ tiếp theo.
Ca nương Nguyễn Khánh Linh năm nay ngoài 20 tuổi nhưng đã đam mê và tập luyện ca trù từ khi học lớp 5. Mặc dù có nhiều kỹ thuật khó làm Khánh Linh nản lòng nhưng cô vẫn quyết tâm theo học giữ gìn nghệ thuật truyền thống. Khánh Linh kể rằng: "Trong lớp tôi, hầu hết mọi người đều thích nghe nhạc trẻ nhưng tôi lại thích ca trù hơn. Tình yêu dành cho ca trù rất lớn vì tôi gắn bó đã lâu. Mặc dù trong quá trình học, có nhiều kỹ thuật rất khó nhưng tôi không bỏ cuộc vì tâm nguyện muốn giữ lại môn nghệ thuật truyền thống này".
Bất kỳ buổi biểu diễn nào của các học trò tại Nhà hát ca trù, nghệ nhân Kim Đức đều ngồi một phía, lặng lẽ trong ánh đèn dầu, lắng nghe từng lời ca, tiếng đàn, nhịp phách, để rồi đến cuối buổi biểu diễn bà ra chào khán giả với một nét mặt mừng vui. Có thể duy trì những buổi biểu diễn ca trù như thế này là mong ước của bà. NSND Kim Đức mong các nghệ nhân trẻ có thể sống được bằng nghề và muốn tổ chức những buổi biểu diễn ca trù mà ở đó, người nghe sẽ đến mua và đặt thẻ tre thưởng, theo đúng cách mà các ca quán ca trù ngày xưa đã làm.
Mong ước ấy giờ đây đã trở thành hiện thực. Còn tâm nguyện lớn nhất của nghệ nhân Kim Đức là mong các học trò sẽ gìn giữ và chuyển giao lại cho các thế hệ sau, để các thế hệ tương lai hiểu đúng về ca trù, yêu mến và gìn giữ ca trù./.