Nhà Rông ở Tây nguyên được coi là “trái tim” của làng, là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của buôn làng. Chính vì thế mà nhà Rông thường nằm ở trung tâm, đó là ngôi nhà chung lớn nhất của làng.
Việc xây dựng một ngôi nhà Rông là do các nghệ nhân tài bà trong làng đảm nhận. Họ không cần bản vẽ hay thiết kế. Thoạt nhìn các nhà Rông đều giống nhau nhưng thực ra nó mang đậm dấu ấn cá nhân của người làm. Cũng chính vì điều này mà những nghệ nhân làm nhà Rông được coi như bảo vật, họ không được sang vùng khác làm giúp nhà Rông mà chỉ được truyền nghề cho con cháu.
Nhà Rông được xây dựng mà không cần bản vẽ, thiết kế. Ảnh: Taynguyen
Nhà Rông Tây Nguyên khá đặc sắc và đa dạng. Với mỗi dân tộc khác nhau, nhà Rông được xây dựng với hình dáng khác nhau. Ví dụ, nhà Rông của đồng bào Giẻ Triêng thường thấp và nhỏ, còn nhà Rông của đồng bào Xê Đăng lại cao vút, nhà Rông của đồng bào Ba Na lại mềm mại nhưng cũng không kém phần uy nghi…
Nhà Rông thường dài khoảng 10m, rộng hơn 4m, cao 15-16m. Nhà Rông của Tây Nguyên không dùng đến sắt thép. Các chỗ nối được chặt, đẽo rồi dùng mây, lạt tre để buộc rất cẩn thận. Cầu thang lên nhà Rông thường có 7 đến 9 bậc. Trên đầu cầu thang của mỗi dân tộc cũng có sự khác nhau. Người Bana là hình ngọn cây rau dớn, người Xê Đăng, Giẻ Triêng là hình núm chiêng hay mũi thuyền, còn người Ja Rai lại là hình quả bầu đựng nước…
Cầu thang nhà Rông của mỗi dân tộc có sự khác nhau. Ảnh: Taynguyen
Có hai loại nhà Rông xuất hiện ở Tây Nguyên là nhà Rông trống và nhà Rông mái. Nhà Rông trống có mái to, cao chót vót và được trang trí rất công phu. Còn nhà Rông mái nhỏ hơn, có mái thấp và được trang trí đơn giản hơn. Nổi bật trong trang trí nhà Rông là hình ảnh thần mặt trời chói sáng. Dân làng coi nhà Rông là biểu tượng quyền lực của làng, chính vì vậy mà nhà Rông càng to đẹp thì càng chứng tỏ buôn làng giàu có, mạnh mẽ.
Nhà Rông được coi là linh hồn của làng, là nơi hội tụ khí thiêng của đất trời, sông núi, là nơi diễn ra các lễ hội dân gian, là nơi tiếp đón khách quý đến thăm buôn làng, là nơi tụ họp các già làng, phân xử các vụ kiện tụng, là nơi để thanh niên nam nữ đến gặp gỡ, tỏ tình và nên duyên chồng vợ. Cũng vì lẽ đó mà nhà Rông là tài sản vô giá gắn với cộng đồng mỗi buôn làng Tây Nguyên.