Nhạc sĩ Văn Ký sinh năm 1928 tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông nổi tiếng với hơn 400 tác phẩm trải dài các lĩnh vực âm nhạc như: khí nhạc, nhạc múa, ca kịch... Các sáng tác của ông đi cùng năm tháng, ghi lại dấu ấn những chặng đường lịch sử đấu tranh của dân tộc, trong đó “Bài ca hy vọng” được viết năm 1958 là tác phẩm khẳng định vị trí của ông trong nền âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Văn Ký sáng tác "Bài ca hy vọng" vào thời điểm cuộc đấu tranh thống nhất đất nước bước vào giai đoạn quyết liệt
Tết Nguyên Đán năm 1958, nhạc sĩ Văn Ký lúc ấy vừa tròn 30 tuổi, qua cửa sổ phòng làm việc nhìn lên bầu trời xanh ngắt, từng đôi chim én lượn vòng, trong lòng người trai trẻ trào dâng một niềm tin son sắt, một nỗi ước ao về ngày mai tươi sáng hơn cũng như nỗi lòng đau đáu về miền Nam ruột thịt.
Là một Đảng viên, một người đã từng vào sống ra chết, nhạc sĩ Văn Ký hiểu rất rõ con đường cách mạng của Đảng và Bác Hồ là con đường soi sáng, đưa hạnh phúc về với nhân dân, đồng thời ông cũng lượng hóa phát triển của Cách mạng miền Nam.
Niềm tin của người nhạc sĩ tài hoa thổi hồn vào tinh thần của những chiến sĩ Cách mạng miền Nam chịu cảnh tù đày, tạo ra sức mạnh to lớn cho quân dân miền Bắc hướng về một nửa ruột thịt còn chia cắt.
Ca khúc "Bài ca hy vọng" lần đầu tiên vang lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng hát của ca sĩ Khánh Vân
"Bài ca hy vọng" chính là suy nghĩ của cố nhạc sĩ lúc đó, là niềm tin giống như rất nhiều người rằng ngày mai đất nước ta sẽ thống nhất. Niềm hy vọng về tương lai khi ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu bốn phương, tạo niềm tin cho một thế hệ những người con ưu tú, dẫu khó khăn vất vả, dẫu phải đối mặt với đế quốc lớn cỡ nào cũng sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc.
Cũng như niềm tin trong “Bài ca hy vọng” của nhạc sĩ Văn Ký, niềm tin về một đất nước Việt Nam giàu đẹp chắc chắn còn vang xa vang mãi: “Tôi viết “Bài ca hy vọng” năm 1958, khi đất nước còn chìm trong khói lửa. Lúc đó tôi có một niềm tin chắc chắn rằng ngày mai cách mạng sẽ thành công, đất nước sẽ thống nhất và tương lai ngày quê hương màu xanh áo mới, chứa chan niềm tin đường ta đi xanh thắm mộng đời...”
Những chia sẻ cuối cùng của nhạc sĩ Văn Ký về bài ca mãi mãi đi cùng năm tháng:
Những lời ca quen thuộc của bài hát như khiến người nghe và người hát cùng hòa chung một ý nghĩ, một niềm hy vọng bao la. Và từ trong trái tim mỗi người lại vang lên câu hát tự thuở nào… về tương lai đất nước thống nhất./.
PV