Theo tục lệ của người Dao quần chẹt, Tết nhảy chỉ được tổ chức tại không gian nhà cái (nhà có bàn thờ tổ tiên của dòng họ).Thời gian tổ chức Tết nhảy của người Dao quần chẹt là vào dịp tháng Chạp, trong vòng ba ngày ba đêm. Khoảng cách giữa các lần tổ chức Tết nhảy tùy thuộc vào lời hứa với tổ tiên của từng gia đình, có thể 12,15, 20 hoặc kéo dài tới 30 năm. Tết nhảy đồng thời với Tết Nguyên đán nên sau khi cúng Tết Nguyên đán xong thì sẽ trình báo với tổ tiên để làm Tết nhảy.
Màn cúng khai lễ
Để chuẩn bị tổ chức, chủ lễ chọn ngày tốt và đến nhờ ba thầy cúng, một thầy đồng giỏi, đã làm chủ cho nhiều tết nhảy. Lễ vật dâng tế có hương, hoa, đăng, quả, thủ lợn, gà, xôi, bánh dầy, rượu, nước, tiền đồng xu, dao thờ, cờ các loại… Trước ngày lễ chính, những người đàn ông Dao vào rừng chặt tre, vầu về lập đàn thờ treo tranh. Trên giá treo tranh làm một chiếc sàn để làm nơi đặt các đồ dùng như: Trống, kèn, đạo cụ, sách cúng, trang phục của thầy cúng…
Phía gian giữa đặt 6 chõ xôi để thầy cúng làm lễ khao quân. Các đồ cúng phải để trên cao, tuyệt đối không cho ngừời lạ chạm vào, đặc biệt là đồ mỡ. Trên bàn thờ được trang trí bằng tranh cắt giấy màu với nhiều hoa văn biểu tượng gà trống và Tam Thanh, hai bên bàn thờ có câu đối với nội dung cầu an, người yên, vật thịnh, mùa màng bội thu. Sau đó các thầy cúng chuẩn bị viết sớ để trình lên tổ tiên và các thần thánh, đây là khâu chuẩn bị quan trọng nhất.
Thầy cúng chuẩn bị dao, kiếm phục vụ diễn xướng múa kiếm, múa rùa...
Trong Tết nhảy người Dao quần chẹt chuẩn bị rất nhiều loại tiền giấy, trong đó có hai loại tiền chính là tiền xu và tiền ngựa. Gọi là tiền ngựa vì bên trong có in hình con ngựa.
"Trong lễ Tết nhảy có 14 nội dung không thể bỏ được đó là: Cúng tất niên; Cúng Tết dài; Khai đàn lễ; Xuất âm binh (từ bộ tranh thờ); Nhảy múa mừng đón thần thánh về dự; Các thầy xuất âm binh và sử dung, sai khiến âm binh; Múa bắt ba ba là người tham gia diễn tả các hành động mô tả việc tìm bắt con ba ba thịt để làm cỗ dâng cúng thần linh, tổ tiên; Cúng báo thiên binh thiên tướng trên trời cùng Ngọc Hoàng thượng đế việc tổ chức Nhnàng Chậm Đáo của gia đình;
Cúng cầu mùa, cầu hồn cây lúa; Cúng thu âm binh sau khi được Ngọc Hoàng chứng giám nghi lễ; Cúng rước hồn lúa vào nhà với mong ước sản xuất nông nghiệp thuận lợi, thóc lúa bội thu; Cúng cảm tạ thần linh đã về chứng kiến buổi lễ và mong thần linh phù hộ, bảo trợ cho con cháu được mạnh khỏe, làm ăn no đủ, học hành công tác tiến bộ; Cúng cảm tạ thần linh đã về chứng kiến buổi lễ và mong thần linh phù hộ, bảo trợ cho con cháu được khỏe mạnh, đoàn kết, no đủ; Báo cáo với các vị thần cai quản vùng đất mà chủ nhà đang sinh sống việc gia đình, dòng họ đã làm Nhiàng chậm đáo” - Thầy cúng Phùng Sinh Thịnh ở thôn Tân Lập, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ cho biết.
Trong lễ Tết nhảy người Dao quần chẹt treo nhiều tranh thờ
Khai lễ, thầy cúng rót chè, rượu đều ra 5 chiếc chén đặt trong bàn thờ tổ tiên của gia đình, mời các vị thần linh, tổ tiên và trình bày lí do gia đình tổ chức Tết nhảy.
Lễ chính khai đàn là nghi lễ treo tranh. Các thầy cúng mặc trang phục chỉnh tề, hai thầy chính một tay cầm lệnh bài, một tay cầm quả chuông, thầy giúp việc bước đến ban thờ cầm tù và thổi ba tiếng báo hiệu cho các thần thánh biết. Trong lễ Tết nhảy người Dao quần chẹt treo 15 tờ tranh to và tranh nhỏ các loại. Sau khi mời được các thần về, thầy cúng làm bùa phép để bảo vệ Tết nhảy và gia chủ khỏi những điều xấu, cài ra cửa một cành cây nhỏ để làm phép. Sau đó dòng họ chuẩn bị 4 mâm lễ để cúng, lúc này thầy cúng tay cầm “trảo” xin âm dương.
“Trảo” ngửa tức dương đồng nghĩa với việc tổ tiên đồng ý cho dòng họ tổ chức Tết nhảy. Xong công việc cúng khấn thần linh tổ tiên để thông báo là gia đình năm tổ chức lễ Tết nhảy, gia đình sẽ dọn cơm, chuẩn bị các món ăn để mời tất cả mọi người đến tham gia, gọi là ăn Tết cũ và làm Tết nhảy.
Múa dao
“Tết nhảy rất có ý nghĩa trong đời sống văn hóa của người Dao quần chẹt chúng tôi. Tết nhảy được thực hiện giúp người Dao quần chẹt có được sự yên tâm về mặt tâm linh, rằng sau Tết nhảy bàn thờ dòng họ có thêm sức mạnh phù hộ, che trở cho con cháu. Giúp con cháu tỏ lòng biết ơn thần thánh, tổ tiên. Tuy cái Tết nhảy này là cái Tết của gia đình, dòng họ nhưng đã có sự lan toả, trở thành sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng người Dao”. - Thầy cả Phùng Sinh Huyện ở thông Đồng Măng, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, Tỉnh Phú Thọ chia sẻ.
Điệu múa đầu tiên được thể hiện trong buổi lễ là múa xuất quân. Sau đó là điệu múa “Piẻo dụ đao” tức là múa kiếm. Hết điệu múa kiếm sẽ chuyển sang múa dao và múa rùa. Các điệu múa này mang nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng đều có chung mong muốn tổ tiên công nhận cho gia đình đã tổ chức Tết nhảy, tưởng nhớ công ơn của tổ tiên, các đấng thần linh đã che trở, phù hộ cho bà con có cuộc sống bình an, hạnh phúc. Lúc xong ba màn múa mọi người cùng nghỉ ngơi ăn cơm, uống rượu. Ăn uống, nghỉ ngơi xong, mọi người lại tiếp tục múa lại các điệu múa trên. Các màn múa được lặp lại trong vòng ba ngày ba đêm. Mỗi điệu múa được múa sáu lần.
Đồng bào cùng vui Tết nhảy
Đêm thứ ba của lễ hội, thầy cúng cầm cờ hoa cắt bằng giấy, phất gọi tổ tiên về với con cháu rồi vác bó lúa lên vai, tay cầm cờ khẽ phất lên cao với ý nghĩa gọi vía lúa về. Làm xong, thấy cúng lấy “trảo” xin âm dương, xin tổ tiên sang năm tiếp tục phù hộ cho con cháu luôn mạnh khỏe, có cuộc sống sung túc, ấm no. Gia đình mổ hai con lợn để làm lễ tổng kết, làm giấy ngựa gửi cho tổ tiên thần linh.
Nghi lễ Nhiàng chậm đáo - Tết nhảy là một trong những nghi lễ độc đáo, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng người Dao quần chẹt ở Tỉnh Phú Thọ và nghi lễ này đã được Bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
“Tết nhảy mang tính giáo dục con cháu và giá trị nhân văn rất lớn, hướng tới con người ta tính đoàn kết cộng đồng. Do vậy, vấn đề bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là những nghi lễ của người Dao cũng được cấp ủy chính quyền địa phương rất quan tâm. Vừa rồi, nghi lễ Tết nhảy của người Dao quần chẹt đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm là tự hào của người Dao. Cũng rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp các nghành để làm sao di sản đó trở thành tài sản, từ đó có thể khai thác thành những tiềm năng thế mạnh trong du lịch cộng đồng, phục vụ du khách thập phương”. - Ông Trịnh Tiến Xuân, Bí thư Đảng ủy- UBND xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ cho biết thêm.
Chẻo Thu/VOV Tây Bắc
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |