Đằng sau những thước phim rực rỡ được công chiếu hằng đêm trên những bản làng xa xôi, mang niềm vui, tiếng cười đến cho bà con là sự hy sinh thầm lặng của những cán bộ làm công tác chiếu phim lưu động vùng cao.
Các anh em luôn động viên nhau: “Ở đâu có nhân dân thì ở đó có dấu chân những người chiếu bóng” - câu nói vui nhưng cũng là mục tiêu hoạt động của những người chiếu bóng luôn hướng về cơ sở.
Nhọc nhằn “cõng” phim về bản
Chúng tôi theo chân các cán bộ viên chức Đội Chiếu bóng số 2 thuộc Trung tâm Văn hóa & Điện ảnh tỉnh Điện Biên “hành quân” về bản vùng cao Vằng Xun, xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ công chiếu những thước phim văn hóa văn nghệ, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ bà con. Đây là bản có 100% đồng bào dân tộc Thái trắng định cư, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Bản chưa có điện, chưa có sóng điện thoại, người dân ít được tiếp cận với thông tin văn hóa, văn nghệ…
Một buổi chiếu phim cho khán giả vùng cao.
Những ngày cuối đông - đầu xuân nơi núi cao, sáng sớm sương mù giăng trắng xóa như mưa phùn. Người đi cách nhau quãng 3 mét chỉ thấy mờ mờ không rõ mặt. Đoạn đường đất từ trung tâm xã vào bản dài hơn 7km vắt xuyên rừng, nhỏ hẹp, uốn lượn, vừa đúng một người đi xe máy. Anh Nguyễn Mạnh Thường - Đội phó phụ trách Đội chiếu bóng số 2 lo lắng, dặn chúng tôi: “Đường trơn anh em đi chậm, cẩn thận. Riêng nhà báo ngồi vịn thật chắc, mà nhỡ tối nay mưa thì phải ở lại trong bản chứ không ra được đâu đấy!”. Nghe vậy nhưng tôi vẫn tỏ ra rắn rỏi, cho đến khi gặp đoạn dốc dựng ngược, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm...
Ngoái lại hỏi anh Thường: “Chiếu bóng cực thế này mà anh gắn bó gần 20 năm rồi sao?”. Anh bảo: “Thế này ăn thua gì. Năm 2005 khi mới vào nghề đi chiếu phim nhựa, thiết bị máy móc còn rất cồng kềnh, xe chỉ chở được đến trung tâm xã. Muốn vào bản, phải thuê ngựa mang vác, còn mình thì dắt ngựa mất gần một ngày trời mới đến. Anh Thường nhớ như in kỷ niệm buổi “hành quân” về bản khó khăn và xa nhất của xã Mường Tùng, huyện Mường Chà. Hôm đó trời mưa, vắt rừng nhảy tua tủa bậu khắp người, đường trơn như đổ mỡ khiến cả người, ngựa và hành lý bị lao xuống vực sâu hơn chục mét. May sao được đồng nghiệp và dân bản đưa lên kịp. “Những chuyến đi thế này khó tránh khỏi ngã xe, chấn thương phần mềm. Có 2 đồng nghiệp đã bị ngã, người gãy chân, người gãy xương quai xanh”, anh Thường cho hay.
Để lưu động và di chuyển được trên mọi địa hình vùng cao thì chiếc xe máy là phương tiện hữu ích đối với mỗi cán bộ làm nghề chiếu bóng. Trên mỗi chiếc xe ấy, các anh phải gồng thêm chiếc hòm tôn nặng không dưới 60kg, bên trong chứa nhiều trang thiết bị: Máy chiếu, loa, đài, dây điện, mic, máy phát điện, xăng. Ngoài ra còn lỉnh kỉnh tư trang cá nhân, thức ăn dự trữ là những gói lương khô, lạc rang, mì tôm, cá khô… đủ dùng trong một tháng công tác.
Sau gần 2 giờ di chuyển, đội có mặt ở bản và bắt đầu phân công mỗi người một việc. Người dùng loa chạy xe quanh bản phát thanh thông báo chương trình chiếu phim để bà con thu xếp công việc đến xem. Người chuẩn bị dựng phông, thử máy chiếu, kéo dây điện… Thế nhưng giữa bãi đất rộng, những cơn gió cứ ào ào dội đến khiến việc cố định phông chiếu gặp nhiều khó khăn và đội phải nhờ đến sự trợ giúp của người dân. Hạt mưa chiều bỗng ập xuống khiến cái lạnh vùng cao thêm tê tái. Anh em trong đội ai cũng lo lắng buổi chiếu tối nay khó thành công… Nhưng may sao thời tiết chiều lòng người, chỉ lúc sau gió lặng bớt và mưa cũng ngừng rơi. Theo thông báo 19h30 phút buổi chiếu phim mới bắt đầu nhưng đám trẻ con trong bản háo hức, chúng bảo nhau khiêng ghế nhận chỗ ngồi chờ xem phim từ rất sớm.
Gác hạnh phúc riêng…
Trước giờ chiếu, đoàn phim tranh thủ vào nhà người dân “ngoại giao” xin nấu nhờ bữa cơm tối. Trưởng bản Toòng Văn Cương biết tin đoàn chiếu phim vào phục vụ dân bản nên anh thu xếp công việc trên nương về rất sớm. Anh nói như giải thích: “Bà con ở đây còn khó khăn lắm nhưng mâm cơm đãi khách thì nhất định phải có đĩa thịt gà cho thịnh soạn và cũng thể hiện tấm chân tình, hiếu khách của gia chủ”.
Trong đội chiếu bóng về bản hôm nay có 3 thành viên đều là nam giới nhưng ai cũng đã gắn bó với nghề từ 10 đến 30 năm. “Hay công tác xa nhà, công việc vất vả, điều gì làm các anh gắn bó lâu thế?” - tôi hỏi. Anh Nguyễn Mạnh Thường bộc bạch: Chiếu phim gian nan vất vả, nhiều lúc cũng nản lắm nhưng chưa khi nào có ý định bỏ nghề. Anh theo nghề chiếu phim từ khi chưa lập gia đình riêng, đến nay đã có vợ và 2 mặt con nhưng thời gian được ở bên chăm sóc họ rất ít. Những chuyến công tác đằng đẵng cả tháng, khi về con không theo cha. Người vợ trẻ tủi thân, hờn trách vì còm cõi chăm lo, nuôi dạy con cái ăn học lúc chồng vắng nhà. Nhưng sau này khi hiểu và cảm thông thì gia đình và vợ con lại là nguồn động viên, hậu phương vững chắc và là chỗ dựa tinh thần cho anh hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Chạnh lòng nhất với anh em chiếu bóng là vào những dịp lễ, Tết hay đất nước diễn ra những sự kiện trọng đại, nhà nhà hạnh phúc bên nhau đi chơi vui vẻ, còn mình phải hy sinh niềm vui riêng ấy để âm thầm mang những “món ăn tinh thần” bổ ích phục vụ bà con nơi vùng cao, biên giới”, anh Thường chia sẻ.
Khi tiếng máy nổ vang lên, giờ chiếu phim bắt đầu, hàng trăm người dân xách theo những chiếc ghế tập trung về điểm hẹn. Chiếc bóng điện treo cao bật sáng rực góc bản. Phim bật lên, khán giả ngồi im lặng như nín thở, mọi ánh mắt căng tròn nhìn về phía màn ảnh rộng đang chiếu phim “Ma rừng”. Với người dân Vằng Xun, buổi xem phim hôm nay là một món quà tinh thần lớn mà đội chiếu bóng mang đến, bởi mỗi năm chỉ một lần và không quá hai đêm họ được xem những bộ phim hay, ý nghĩa. Buổi chiếu phim kết thúc lúc 10 rưỡi đêm, bản làng vẫn rộn rã như có hội.
Trời về khuya, anh em chiếu phim lưu động lại âm thầm thu dọn công việc hậu trường để ngày mai tiếp tục lên đường. “Dù mệt nhưng những cái ôm, cái bắt tay, tiếng cười nói vui vẻ với lời hẹn năm sau lại đến của bà con dân bản khiến anh em quên mọi mệt nhọc, thêm tâm huyết, gắn bó hơn với công việc”, anh Thường chia sẻ.
Nỗi niềm sau màn ảnh rộng
Đầu năm 2020, do chủ trương sáp nhập Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh được đổi tên thành Trung tâm Văn hóa & Điện ảnh tỉnh Điện Biên, quản lý 3 đội với 21 cán bộ viên chức phụ trách hoạt động chiếu phim lưu động tại 8 huyện vùng cao, biên giới trong tỉnh. Mỗi năm đơn vị được giao thực hiện chiếu 1.200 buổi (bình quân 150 buổi/huyện). Do vậy, thời gian hoạt động của các đội gần như cả năm, chỉ trừ 1 tháng tập huấn, bảo dưỡng thiết bị và 2 lần được về thành phố khi cơ quan triển khai và tổng kết nhiệm vụ năm.
Bà Dương Thị Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa & Điện ảnh tỉnh Điện Biên cho biết: Để có một “bữa ăn tinh thần” hấp dẫn, phục vụ bà con hài lòng thì đơn vị phải nỗ lực rất nhiều. Khâu “chế biến” món ăn phải đảm bảo các tiêu chí: Hay, đúng, trúng, thiết thực và đa dạng. Nội dung trước khi chiếu được lựa chọn phù hợp với tập quán, tiếng nói, thị hiếu của từng vùng dân tộc thiểu số. Ngoài chiếu những bộ phim văn hóa, văn nghệ, giải trí thì kết hợp tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Những thước phim đó thường không quá dài nhằm thu hút người xem và được phiên dịch sang 2 thứ tiếng dân tộc Thái - Mông để bà con dễ hiểu và dễ đón nhận.
Chuẩn bị một buổi chiếu phim, các đội phải lên kế hoạch trước đó cả tuần. Trong đó, khó khăn nhất là công tác vận chuyển máy móc thiết bị vào bản. Hiện nay, thiết bị chiếu phim đã được đầu tư theo hướng đa năng, gọn nhẹ. Nhiều điểm bản chưa có đường, anh em phải chia nhau mang vác máy móc băng rừng, lội suối để vào. Ðiểm chiếu phim nào gần thì mất vài tiếng đi bộ, còn thôn bản nào xa thì mất cả buổi, thậm chí đi từ sáng sớm đến tối mịt mới đến nơi.
“Khó khăn, nguy hiểm là vậy nhưng ngoài thù lao hằng tháng chi trả theo quy định (khoảng từ 3 - 4 triệu đồng/người, còn với những lao động hợp đồng thì thấp hơn rất nhiều), không có thêm bất kỳ khoản phụ cấp hay chế độ bồi dưỡng nào cho anh em. Thậm chí để có được phương tiện đi lại, phục vụ công việc là chiếc xe máy nhưng anh em cũng phải thế chấp tiền lương để lấy tiền mua và sau đó trả góp hằng tháng. Đây là thực tế mà mà những người làm công tác quản lý như chúng tôi biết mười mươi mà không sao chia sẻ được”, bà Thanh trăn trở./.
Theo vov.vn