Những năm 1970, các du khách Mỹ và châu Âu trở về nhà với những bức ảnh chụp xe tải, xe bus sơn màu rực rỡ chạy khắp các đường phố ở Pakistan. Paradise, cuốn sách về hành trình từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Iran đến Nam Á, đã ghi lại sự ngạc nhiên của một nhóm thanh niên hippie châu Âu khi biết tới Truck Art (Nghệ thuật trang trí xe tải).
Cuối những năm 1980, chính phủ Pakistan và các nhà đầu tư độc lập bắt đầu tổ chức các buổi trưng bày ở nước ngoài. Từ đó, nghệ thuật dân gian đặc trưng của Pakistan được biết tới nhiều hơn. Nhìn vào chiếc xe, bạn có thể biết được nét văn hóa lịch sử đặc trưng của từng vùng đất tại Pakistan.
Truyền thống này bắt nguồn từ những năm 1940, khi những lái xe theo đạo Sikh bắt đầu vẽ chân dung của các đạo sư và các nhân vật trong tôn giáo của mình lên xe để thể hiện sự tôn kính và cầu nguyện cho sự an toàn. Sau đó, họ vẽ thêm những hình ảnh như phong cảnh, ngựa có cánh, chim công, cá, hoa cỏ...
Các tài xế dành thời gian sơn vẽ "xế cưng" của mình cầu kỳ như chuẩn bị cho một cô dâu về nhà chồng. Những cánh cửa gỗ cũng được điêu khắc tỉ mỉ từng chi tiết.
Lý Tiểu Long là một trong những biểu tượng màn ảnh đầu tiên được đưa lên xe tải ở Pakistan. Hình ảnh chàng thanh niên mắt sáng, gương mặt góc cạnh mang lại làn gió mới lạ trên đất nước vốn đầy nắng gió, cát bụi. Tiếp theo là Công nương Diana cùng hàng loạt nhân vật nổi tiếng "chu du" khắp nẻo đường trong con mắt hào hứng của người bản địa và du khách.
Hoạ sĩ Kafeel Bhai Ghotki là cái tên mà có lẽ nhiều người ở Pakistan sẽ còn nhắc tới trong vai trò phát triển và nâng tầm Truck Art. Câu nói của Kafeel Bhai "Tay phải, tay trái, người ném bóng xoáy" xuất hiện đằng sau rất nhiều chiếc xe được lấy cảm hứng từ môn cricket mà Bhai rất yêu thích. Ông có khả năng đặc biệt là ném bóng xoáy bằng cả hai tay. Không đòi nhiều tiền công, Bhai sống bằng niềm đam mê và đôi khi chỉ cần vài ly trà hay bữa ăn giản dị. Chất nghệ sĩ trong ông còn thể hiện khi Bhai sẵn sàng từ chối lời mời với tiền công cao ngất ngưởng từ những người Pháp, vì không được ký tên lên tác phẩm của mình.
Xe tải ở Pakistan thường có nắp cabin được dựng mái vươn ra phía trước như hiên nhà bằng gỗ. Cùng với nắp cabin, bề mặt xe tải có rất nhiều không gian để các họa sĩ thỏa sức sáng tác và bay bổng với tâm hồn của mình. Hoạ tiết hình tròn vành trắng tâm đỏ, hoa lá, cỏ cây chiếm chủ đạo với đủ màu sắc. Quanh gương chiếu hậu thường được vẽ và viền rất kỹ. Tại vùng Sindh ở miền Nam, những đồ trang trí từ xương lạc đà cũng rất được ưa chuộng. Xung quanh thùng hay gác chắn phía trước, nhiều quả chuông, chùm dây được treo đều tăm tắp. Khi chạy, âm thanh leng keng cùng những búi nilon hay vải tung bay theo gió làm chiếc xe thêm sống động.
Những câu thơ, truyện tôn giáo được khắc họa chi tiết và tinh xảo biến mỗi chiếc xe tải trở thành tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Mở cửa bước vào không gian chật hẹp của buồng lái, bạn sẽ hiểu vì sao các tài xế không bao giờ cảm thấy nhàm chán khi từng cm khoảng trống đều được làm đẹp, từ vô-lăng, ghế, mép kính… Nhân mã là hình ảnh được sử dụng khá nhiều để vẽ lên thùng sau xe tải.
Ngoài những chiếc xe tải, nhiều phương tiện khác ở Pakistan cũng được trang trí lộng lẫy như xe bus hay xe kéo. Chiếc xe chở khách với anh chàng phụ xe trong chiếc áo truyền thống giữa hàng ngàn nét cọ nâu, vàng, đỏ, trắng trông đậm chất “điện ảnh”.
Một trong những nét đặc biệt của Truck Art là đôi mắt. Chúng được vẽ tỉ mỉ và rất có hồn, như người dẫn đường nằm hai bên cabin hoặc sau thùng xe. Giá trang trí cho một chiếc xe từ 3.000 tới 5.000 USD nhưng các tài xế không ngại ngần móc hầu bao bởi họ xem chiếc xe cũng có linh hồn, có vị thần bảo trợ. Từng nét vẽ, hình ảnh như minh chứng cho niềm tin vào tôn giáo và khi những chiếc xe đã bắt đầu lăn bánh, chỗ dựa vững vàng nhất cho họ chính là đức tin.
Sự nổi tiếng của Truck Art đã vượt ra khỏi biên giới Pakistan. Năm 2006, tàu điện ở Australia mang phong cách này cũng thu hút rất nhiều sự chú ý của người dân địa phương. Nhà mốt Dolce & Gabbana từng sử dụng chúng trong các thiết kế của mình. Năm 2015 tại buổi biểu diễn của họ, chiếc xe kéo được sơn theo phong cách Truck Art xuất hiện tại Milan, Italy và làm nền cho các bộ sưu tập.
Phạm Dương, theo vnexpress.net