Dư luận đang rất bất bình về việc bộ phim hoạt hình Abominable (tựa tiếng Việt: "Everest - người tuyết bé nhỏ") để lọt hình ảnh có bản đồ "đường lưỡi bò" trong phim nhưng không được Hội đồng phim quốc gia phát hiện.
Sự việc chỉ vỡ lở khi được một khán giả tinh ý nhìn ra hình ảnh "đường lưỡi bò" trên tấm bản đồ Trung Quốc trên sân thượng nhà Yi- nhân vật chính trong phim sống tại Thượng Hải (Trung Quốc).
"Đường lưỡi bò" trong phim
Cụ thể hơn, trong phim "Everest - người tuyết bé nhỏ" hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện trong 2 đoạn và 4 cảnh phim. Ngay trong phần trailer với phụ đề Việt cũng có tấm bản đồ "đường lưỡi bò" mà nhân vật chính Yi treo trên tường trong căn phòng nhỏ của cô bé.
Điều đáng nói, khi báo chí lên tiếng, phía đơn vị phát hành là công ty của Hàn Quốc CJ CGV lại né tránh, cố tình đánh lạc hướng dư luận bằng việc phát đi thông báo rằng lý do là phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ" đã chiếu được 10 ngày, lại là phim hoạt hình vào ngày trong tuần ít khách nên hôm nay CGV đã quyết định ngừng khai thác".
Còn một thành viên Hội đồng thẩm định phim quốc gia thì hồn nhiên cho rằng "hình ảnh "đường lưỡi bò" chỉ xuất hiện vài giây, mọi người cứ làm quá".
Trong khi đó, các chuyên gia nhìn nhận việc đưa và để lọt hình ảnh bản đồ "đường lưỡi bò" vào phim là rất nghiêm trọng, có chủ ý. Nhất là khi nhà sản xuất phim này là công ty của Trung Quốc- Pearl Studio, cùng phối hợp với Dream Works Animation Studio của Mỹ.
Một vụ việc tương tự cũng từng xảy ra với một sản phẩm văn hóa khác là cuốn "Wow! - Những bí mật kỳ diệu" (tác giả Tôn Nguyên Vĩ, Trung Quốc). Nhưng khi sách được Thỏ Dương Dương và Phúc Bình dịch sang tiếng Việt, Nhà xuất bản Thế giới và Công ty sách Đinh Tị phát hành thì hình ảnh bản đồ "đường lưỡi bò" vẫn không được phát hiện và chỉnh lý.
Hình "đường lưỡi bò" cũng từng khiến cuốn sách "Wow! - Những bí mật kỳ diệu" phải thu hồi khẩn cấp
Sự việc chỉ được chú ý khi nhiều phụ huynh phát hiện trong cuốn "Tìm hiểu về phương tiện giao thông" có hình minh họa bản đồ thể hiện đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc.
Giải thích lý do dẫn đến sai sót, ông Đoàn Trần Lâm - Giám đốc, Tổng biên tập nhà xuất bản Thế giới cho rằng bộ sách có nội dung tốt, nhưng phần bản đồ minh họa có đường lưỡi bò quá nhỏ nên các biên tập viên không chú ý hoặc nhầm lẫn là tuyến đường hàng hải.
Hồi năm ngoái, công chúng Việt Nam cũng vô cùng bất bình khi một nhóm du khách gồm 14 người Trung Quốc đến Việt Nam du lịch với đồng phục là áo phông có in hình bản đồ "đường lưỡi bò" 9 đoạn sau lưng áo. Rất may là ngay sau khi xuống sân bay Cam Ranh (Khánh Hoà), lúc làm thủ tục nhập cảnh đã được công an cửa khẩu sân bay Cam Ranh phát hiện. Phía công ty tổ chức tour du lịch đã yêu cầu nhóm du khách này phải cởi áo có bản đồ mới được lên xe về Nha Trang.
Với những sản phẩm văn hoá, việc "cài cắm" hình ảnh "đường lưỡi bò" thường được thực hiện một cách tinh vi, thoáng qua nên rất khó bị phát hiện, nếu như không được thẩm định một cách nghiêm túc. Đây được coi là bài học cho các nhà thẩm định khi duyệt các sản phẩm văn hoá, cần cẩn trọng hơn với những hình ảnh liên quan đến bản đồ hay biển đảo.
Minh Nhật/ giadinh.net.vn