Đình Bảng
Nằm ở làng Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đình Bảng là một trong những ngôi đình cổ có kiến trúc đẹp nhất Việt Nam còn tồn tại đến nay. Đình được xây dựng từ năm 1700 (thời Hậu Lê), đến năm 1736 mới hoàn thành. Người hưng công là quan Nguyễn Thạc Lương, người Đình Bảng (từng làm trấn thủ Thanh Hóa) và vợ là Nguyễn Thị Nguyên, quê ở Thanh Hóa. Hai ông bà đã mua gỗ lim về cúng để dựng ngôi đình.
Trong các công trình kiến trúc gỗ cổ tại Việt Nam, đình Bảng là công trình có các đầu đao vươn xa nhất. Bên cạnh đó, đình mang kiến trúc nhà sàn với sàn gỗ bề thế cao 0,7m so với mặt nền, sáu hàng cột ngang và mười hàng cột dọc bằng gỗ lim có đường kính từ 0,55m (với cột con) đến 0,65m (với cột mẹ) được kê trên các tảng đá xanh.
Do mang vẻ đẹp bề thế và có kiến trúc đặc trưng của không gian văn hóa Việt, Đình Bảng được liệt kê là một trong những ngôi đình đáng nhớ nhất trong ca dao: “Thứ nhất là đình Đông Khang/ Thứ nhì đình Bảng thứ ba đình Diềm”. Đình Đông Khang đã bị tàn phá, đình Diềm trước có năm gian, hai chái, giờ chỉ còn ba gian, hai chái. Chỉ có đình Bảng được giữ tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Bạn có thể dễ dàng tìm lại một không gian sinh hoạt văn hóa cổ xưa của cha ông khi đến với đình Bảng. Bởi nó lưu giữ một nét đẹp tinh thần của con người đất Việt.
Đình So
Đình So là đình của làng So thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km. Đình được xây dựng vào năm 1673 thờ tam vị Nguyên Soái Đại Vương có công giúp Đức vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân ngày xưa và là nơi cất giữ những đồ thờ cúng được lưu truyền từ thủa xa xưa và những chiếc kiệu rước chỉ được mang ra ngoài vào dịp lễ hội.
Trải qua 4 lần tu sửa và chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, đình So ngày nay vừa có cảnh sắc hài hòa với thiên nhiên, vừa mang đầy đủ dáng dấp của đình cổ Việt. Những mảng rêu phong, những vệt đen của thời gian sót lại trên từng bức tường, từng mảng ngói. Đình So hoành tráng và uy nghi, vẫn ở đó, như một cách để khẳng định vẻ đẹp truyền thống của người Việt Nam vẫn được lưu giữ từ bao đời nay.
Khi bạn đến tham quan thì hãy đi vòng theo con đường nằm phía bên phải đình, dắt xe đi bộ từ nơi có những bậc thang và tấm bia “Hạ mã” (xuống ngựa). Hai đầu phía ngoài tam quan là hai cây đại già không biết đã bao nhiêu năm tuổi như trầm mặc chứng kiến sự thăng trầm của mảnh đất này.
Đình Tân Đông
Đình Tân Đông, thuộc xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiềng Giang. Đây là ngôi đình độc nhất vô nhị tại Việt Nam với toàn bộ đình cổ được bao bọc bởi một cây bồ đề với hàng trăm búi rễ ôm trọn thân đình.
Theo những bậc cao niên làng Gò Táo thì ngôi đình đã tồn tại hơn 100 năm nay, nhờ có hai cây bồ đề mà ngôi đình còn tồn tại được đến bây giờ. Hàng năm, đình Tân Đông tổ chức bốn lễ hội chính như: lễ Kỳ Yên (16-2 âm lịch), lễ Thượng điền (16-5 âm lịch), lễ Hạ điền (16-8 âm lịch) và lễ cầu Ông (16-11 âm lịch). Mỗi lần lễ tổ chức hai ngày, người dân trong làng tụ họp nhau lại cùng nấu ăn linh đình rồi mời các đoàn hát bội khắp nơi về biểu diễn, làm lễ.
Đình Tân Đông được xem là một báu vật của xã Tân Đông. Ngày nay, đình đang bị xuống cấp nghiêm trọng khiến cho người ta cảm giác như thời gian, quá khứ và bóng hình của cha ông ngày trước đang dần phai nhòa.
Nét độc đáo của đình Tân Đông sẽ là điểm thu hút dành cho du khách, khiến cho những gì xưa cũ không còn là một sở thích của những người thích hoài cổ nữa. Đó là cách để tát cả mọi người có thể tìm thấy quá khứ của mình, tìm thấy bóng dáng của cha ông trong những công trình của hiện tại.
Những ngôi đình cổ, được xây dựng theo những cách khác nhau, lối kiến trúc có thể không giống nhau hoàn toàn, nhưng chúng đều mang dáng dấp của dân tộc Việt Nam. Đình cổ được giữ gìn qua năm tháng, hình ảnh “Cây đa, bến nước, sân đình” có thể không còn là hình tượng biểu trưng của cuộc sống hiện đại. Thế nhưng, nó chính là một phần trong văn hóa và tâm hồn của người Việt Nam. Để cho dù đi xa đến đâu, khi thấy giếng nước, khi thấy sân đình, người ta sẽ lại bồi hồi nhớ về một thời đã xa. Tình yêu đôi khi đơn giản vậy thôi.
Anh Vũ, theo Báo Du lịch