Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức đêm nhạc "Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam" tại Nhà hát Âu Cơ vào tối 20/11 như một món quà tri ân, tôn vinh nhạc sĩ Chu Minh - người thầy của nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam.
Có lẽ không phải ai cũng biết và hiểu hết những đóng góp của nhạc sĩ Chu Minh đối với nền âm nhạc Việt Nam. Cùng với các nhạc sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và sau khi hòa bình lập lại (1954), nhạc sĩ Chu Minh đã có công đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền âm nhạc Cách mạng – nền âm nhạc mới Việt Nam nửa sau thế kỷ XX và những thập niên đầu thế kỷ XXI.
Ông là một trong số ít nhạc sĩ thế hệ của mình thành công trong cả hai loại hình: thanh nhạc và khí nhạc.
"Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam" mang đến cho khán giả những xúc cảm đặc biệt. Các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng NSND Quang Thọ, NSƯT Thanh Lam, NSƯT Tấn Minh, NSƯT Kim Ngân, Pianist Lâm Đức Chính, Trọng Tấn, Vũ Thắng Lợi, Viết Danh, Lê Anh Dũng, Phương Mai, Ngô Hương Diệp... đã thể hiện những tác phẩm âm nhạc gắn với tên tuổi của nhạc sĩ Chu Minh.
Các ca khúc được trình diễn trong chương trình là những tác phẩm đạt Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Chu Minh như Tổ khúc Giao hưởng “Miền Nam tuyến đầu”, Concerto cho Piano và dàn nhạc “Tuổi trẻ” và “Hà Nội chiều mây”, “Nhặt tiếng đàn rơi”, “Thành phố tôi nơi tâm hồn lộng gió”, “Trái tim đỏ trên đất mỏ Vàng Danh”…
Hai ca khúc “Người là niềm tin tất thắng” và “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam” được ông viết ở 2 giai đoạn lịch sử khác nhau của dân tộc đã trở thành các tác phẩm lớn trong nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam.
Ngay sau khi Bác mất, ca khúc “Người là niềm tin tất thắng” được chọn phát trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam trong lễ truy điệu Bác Hồ. "Người là niềm tin tất thắng" của nhạc sĩ Chu Minh có sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa tình cảm và lý trí, giữa cảm xúc tự nhiên của trái tim với trí tuệ tỉnh táo. Đây là bài hát ra đời sớm nhất và hay nhất sau khi Bác từ trần và cũng là một trong số những ca khúc có giá trị nhất viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh trong nền âm nhạc hiện đại Việt Nam.
Khi đất nước thống nhất, ca khúc đầy hào sảng “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam” được Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn tại thành phố mang tên Bác trong những ngày đầu sau sự kiện 30/4.
Cũng trong đêm nhạc, các nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam còn thể hiện những tác phẩm khí nhạc bất hủ của nhạc sĩ Chu Minh như Concerto cho Piano và Dàn nhạc “Tuổi trẻ” và Tổ khúc Giao hưởng “Miền Nam tuyến đầu".
Bên cạnh lĩnh vực sáng tác, nhạc sĩ Chu Minh còn sở hữu một sự nghiệp đồ sộ hoành tráng, nổi trội hơn người, mà không phải ai cũng biết tường tận và đánh giá đúng về công lao của ông. Đó là sự nghiệp trồng người. Hơn nửa thế kỷ qua, thầy Chu Minh miệt mài truyền dạy cho các lớp nhạc sĩ, mà nhiều người trong số họ nay đã thành danh nổi tiếng như: Trần Tiến, Đức Trịnh, Trương Ngọc Ninh, Ngọc Đại, Tôn Thất Lập…
Với nhiều đóng góp trong lĩnh vực sáng tác và đào tạo, nhạc sĩ Chu Minh đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật ngay từ đợt đầu tiên, năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017 và nhiều Huân, Huy chương, Giải thưởng âm nhạc khác...
"Thầy Chu Minh là thế! Truyền hết những gì tinh túy nhất cho học trò thân yêu với hy vọng họ sẽ là thế hệ nối tiếp mạch nguồn âm nhạc trong tương lai. Hy vọng đó của ông một phần đã trở thành hiện thực! Ở ông có hai niềm say mê: sáng tác và dạy học. Cả hai lĩnh vực ông đều đi đến tận cùng, yêu đến tận cùng và dâng hiến đến tận cùng", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.
Nhạc sĩ Chu Minh xúc động bên cạnh các thế hệ học trò và đồng nghiệp của mình trong đêm nhạc "Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam".
Theo vov.vn