Từ khi công bố có giao diện tiếng Việt vào tháng 10-2019, Netflix đã tăng cường số lượng cho kho phim Việt từ điện ảnh đến truyền hình. Tuy nhiên, lượng khán giả Việt xem các phim này không đáng kể.
Chưa đủ hấp dẫn trên Netflix
Tốp 10 phim người dùng Netflix xem nhiều nhất tại Việt Nam trong thời gian gần đây đều là của Hàn và Mỹ: "Itaewon Class" (Tầng lớp Itaewon - Hàn Quốc), "Crash landing on you" (Hạ cánh nơi anh - Hàn Quốc), "Hi bye, mama" (Mẹ đến từ thiên đường - Hàn Quốc), "I am not okay with this" (Thật không thể chịu nổi - Mỹ)...
Ở ngày đầu Netflix ra mắt tính năng xếp hạng mới này, phim truyền hình Hàn Quốc từng chiếm gần hết tốp 10 (7/10). Đặc biệt, phim "Girl from nowhere (Cô gái đến từ hư vô) đã được Thái Lan sản xuất từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn đủ sức chinh phục khán giả Việt, liên tục có mặt trong tốp 10. Trong khi đó, 29 phim điện ảnh và 1 phim truyền hình Việt không biết đang nằm ở vị trí nào.
Phim Việt khó tìm kiếm khán giả ngay tại "sân nhà" là điều khiến không ít người trong giới chạnh lòng. Có thể thấy, Netflix quan tâm đến thị trường Việt khi tăng mạnh lượng phim Việt trong kho của mình nhằm cung ứng cho một lượng lớn khán giả không thích hoặc không có điều kiện đến rạp.
Cuối năm 2019, họ công bố bổ sung 7 tác phẩm: "Trạng Quỳnh", "Siêu sao siêu ngố", "Mẹ chồng", "Sài Gòn - Anh yêu em", "Sắc đẹp ngàn cân", "Ngôi nhà bươm bướm", "Hạnh phúc của mẹ".
Trước đó, nền tảng này có 6 phim Việt gồm: "Hai Phượng", "Trúng số", "Chung cư ma", "Để Mai tính", "Yêu", "Hậu duệ mặt trời" (phiên bản Việt). Đến nay, kho phim của Netflix tiếp tục có thêm các phim điện ảnh Việt: "Anh thầy ngôi sao", "Trời sáng rồi nói tạm biệt", "Taxi, em tên gì?", "Chờ em đến ngày mai", "Già gân, mỹ nhân và găng-tơ", "Ngày mai Mai cưới", "Cô dâu đại chiến" , "Về quê ăn Tết", "Đoạt hồn", "Thiên mệnh anh hùng", "Âm mưu giày gót nhọn", "Lửa Phật", "Siêu trộm", "Hương Ga", "Chơi vơi", "Yolo - bạn chỉ sống một lần".
Có nhận định rằng hầu hết các phim này đều đã chiếu rạp và chúng cũng chưa phải "siêu phẩm" để mọi người xem lại trên các nền tảng số như Netflix. Trong khi đó, Netflix cũng chưa phải nền tảng xem phim phổ biến ở những khu vực chưa có rạp chiếu của Việt Nam nên lượng khán giả này khó có cơ hội tiếp cận với kho phim Netflix.
Tuy nhiên, theo đạo diễn Võ Thanh Hòa: "Tôi nghĩ phim Việt trên Netflix chưa hấp dẫn khán giả bằng những tác phẩm của Hàn Quốc, Trung Quốc… là do chất lượng chưa đủ sức thu hút. Trên các nền tảng số hóa, không riêng gì Netflix, khán giả ngày càng đòi hỏi những nội dung hấp dẫn, chứ không đơn thuần như trước. Muốn có được những tác phẩm như thế, nhà sản xuất Việt phải đầu tư nhiều hơn cho các tác phẩm của mình".
Khó nhọc tìm khán giả!
Trong cuộc cạnh tranh tìm kiếm khán giả trên các nền tảng số đòi hỏi phải có những nhà đầu tư đủ mạnh để dẫn dắt thị trường, trong khi Việt Nam chưa có, dù phát hành phim qua nền tảng số là xu hướng, một thị trường rộng không rào cản và là nguồn bổ sung doanh thu lớn cho nhà sản xuất. "Đợt dịch Covid-19 này, khán giả hạn chế ra rạp nhưng lại tìm đến các nền tảng số qua mạng. Tuy nhiên, họ có nhu cầu giải trí ngày càng cao nên đòi hỏi nội dung phim phải hay. Nếu không đáp ứng, họ sẽ rời đi tìm đến các nền tảng khác" - đạo diễn Võ Thanh Hòa nhận định.
Nhiều người trong giới nhận xét kịch bản vẫn là điều khó trong việc phát triển của điện ảnh, phim truyền hình và cả phim chiếu trên các nền tảng số. Nếu không có kịch bản đủ tốt thì khó có khả năng chinh phục khán giả ngay cả khán giả "sân nhà". Đạo diễn Bảo Nhân từng thừa nhận cái khó trong sản xuất phim hiện nay vẫn là kịch bản chứ không phải kỹ thuật hay vấn đề con người. Việc chưa đủ tầm góp phần sản xuất những tác phẩm tốt như thế cũng là nguyên nhân khiến khán giả chưa mặn mà với kho phim Việt trên Netflix, chỉ xem phim ngoại.
Sắp tới, phim "Phượng khấu" của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh phát sóng độc quyền trên Pops từ ngày 5-3. Mỗi tập phát sóng tối thứ năm hằng tuần vào lúc 20 giờ. Đây là tác phẩm cung đấu đầu tiên của Việt Nam. Phim được công chúng chú ý ngay từ giai đoạn giới thiệu dự án bởi nội dung phim và dàn diễn viên giỏi nghề... Nếu tác phẩm này thu hút khán giả, nhiều khả năng phim này được Netflix mua bản quyền, tương tự như "Diên Hy công lược" đã làm được. "Phượng khấu" được kỳ vọng là tác phẩm góp phần cho phim Việt phát hành trên nền tảng số từng bước có dấu ấn riêng để dần chinh phục khán giả trong nước trước khi bước ra thị trường quốc tế.
Chưa dám đầu tư lớn Thị trường phim chiếu trên nền tảng số đang nở rộ ở Việt Nam với tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ mới có một số nền tảng mạng xuất phát từ các đài truyền hình, các nhà sản xuất - phát hành lớn như Galaxy với Film+, BHD với Danet, các nhà mạng chuyên nghiệp như FPT, POPs,... Đây là những nền tảng đầu tư đơn lẻ của mỗi đơn vị và rất khó có thể so "sức nặng" với những "ông lớn" thế giới vốn có thực lực mạnh. Số lượng phim Việt được sản xuất và phát sóng trên các nền tảng này không nhiều, vốn đầu tư cho phim cũng ngang mức lâu nay ở thị trường Việt. Về phim nhiều tập, khán giả lại chỉ mới được thưởng thức một vài loạt phim trên nền tảng Danet của BHD và đa phần là Việt hóa từ phim Mỹ, Hàn. Hẳn nhiên, điều này rất khó tạo nên đột phá để thu hút chú ý của công chúng, tìm kiếm khán giả. Trong khi đó, các nền tảng ngoại với kho phim khổng lồ, lượng người dùng lớn, vốn đầu tư cao như Netflix đã tìm đến thị trường Việt nhưng chưa thực sự đổ vốn đầu tư hoặc hợp tác phân phối phim. Họ chỉ mới dừng lại ở việc mua bản quyền, đưa lên kho những phim đã chiếu rạp hoặc chiếu trên truyền hình. Trong khi Netflix hợp tác với các nhà sản xuất Hàn Quốc làm đầy kho phim châu Á bởi nước này có thị trường phim phát triển nhất châu Á hiện nay. Họ có những nhà sản xuất chuyên nghiệp, kịch bản chất lượng, dàn diễn viên giỏi, danh tiếng và đủ sức tạo nên tác phẩm làm say mê khán giả khắp nơi, trong đó có Việt Nam. |