Hạn Khuống là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái trong khu vực Tây Bắc nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng. Hội Hạn Khuống thường được tổ chức vào tháng 11 hằng năm (sau mùa thu hoạch). Đây là khoảng thời gian người nông dân Thái thảnh thơi nhất trong năm bởi mùa màng đã xong và thóc đã về bồ thì thanh niên trai gái dân tộc Thái có thời gian tự tình, hát giao duyên.
Phần diễn “Xin lên sàn” trong hội Hạn Khuống
Theo truyền thống của dân tộc Thái, sàn Hạn Khuống được đặt giữa bản, khi màn đêm buông xuống, các cô gái Thái rủ nhau lên sàn Hạn Khuống chơi trăng. Một bóng, hai bóng rồi một tốp các cô gái Thái tay guồng, tay sa nhẹ nhàng bước lên thang Hạn Khuống. Dưới ánh lửa bập bùng, họ nói chuyện về công việc đồng áng ở trên nương, dưới ruộng và những câu chuyện họ gặp khi đi làm và cả chuyện tình yêu đôi lứa, chuyện tình của người thầm thương trộm nhớ. Cuốn theo tâm tình của các thiếu nữ trên sàn Hạn Khuống, các chàng trai trong bản cũng mang theo "pí" (tức là nhị)... hát trên sàn. Và từ khi ấy, lời hát giao duyên giữa con trai, con gái Thái cứ kéo dài, kéo dài đến đêm khuya. Sau những đêm Hạn Khuống như thế, họ hiểu tâm tình trong nhau, nhiều đôi trai gái Thái nên duyên vợ chồng. Bởi ý nghĩa đó mà trong tâm trí mỗi người dân tộc Thái luôn khắc khoải những nỗi nhớ lời giao duyên trong những đêm trăng sáng trên sàn Hạn Khuống.
Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân bản Him Lam 2 - Lò Văn Phớ, cho biết: Do thăng trầm của lịch sử, do sự phát triển của văn hóa hiện đại, Hạn Khuống đã bị xao lãng, nhiều người trẻ dân tộc Thái không hiểu ý nghĩa Hạn Khuống, không tìm bạn đời qua cách hát giao duyên như ngày trước nữa. Nay được UBND thành phố quan tâm đầu tư sưu tầm và phục dựng Hạn Khuống, đồng bào dân tộc Thái bản Him Lam 2 vui mừng, phấn khởi lắm. Ông Lò Văn Phớ cũng mong muốn, qua buổi phục dựng, trình diễn Hạn Khuống hôm nay, thế hệ trẻ dân tộc Thái bản Him Lam sẽ hiểu hơn, có trách nhiệm hơn với văn hóa truyền thống dân tộc Thái.
Theo nhandan.com.vn