Trong vòng 100 năm qua có ít nhất 20 ấn bản của "Việt Nam sử lược" được xuất bản
“Việt Nam sử lược” – Bộ sách giáo khoa đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ về lịch sử Việt Nam |
Để kỷ niệm 100 năm lần đầu tiên ra mắt, Nhà sách Đông A tổ chức buổi tọa đàm ra mắt sách “Việt Nam sử lược” của học giả Trần Trọng Kim tại nhà sách Cá chép, Hà Nội sáng 10/12. Buổi tọa đàm với sự tham gia của nhà báo Yên Ba, nhà báo Kiều Mai Sơn và biên tập viên Đỗ Quốc Đạt Nhân cùng đông đảo bạn đọc.
Tọa đàm ra mắt sách “Việt Nam sử lược” tại nhà sách Cá chép sáng 10/12
“Việt Nam sử lược” của học giả Trần Trọng Kim ra mắt độc giả năm 1920, giữa lúc nền học thuật nước nhà chỉ có các bộ đại tác như “Đại Việt sử ký toàn thư” hay “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” là nguồn sử liệu chính thống. Sách sử Việt Nam khi đó gần như chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của đại chúng: sách chủ yếu được viết bằng chữ Hán, lưu hành trong giới trí thức, hoàn toàn theo quan điểm phong kiến. Một số tác phẩm sử viết bằng quốc ngữ manh nha xuất hiện, nhưng còn rời rạc, sơ sài…
Buổi tọa đàm với sự tham gia của nhà báo Yên Ba (ngoài cùng bên phải), nhà báo Kiều Mai Sơn (ở giữa) và Biên tập viên Đỗ Quốc Đạt Nhân
Biên tập viên Đỗ Quốc Đạt Nhân, nhà sách Đông A chia sẻ, với phương pháp ghi chép mới mẻ, có hệ thống, cách kể lôi cuốn, và tư duy sử học tiến bộ so với đương thời, từ khi ra mắt lần đầu tiên cách đây 1 thế kỷ, “Việt Nam sử lược” vẫn còn nguyên vẹn giá trị và là cuốn sách vỡ lòng cho bất cứ ai bắt đầu tìm hiểu về lịch sử Việt Nam.
Ấn bản "Việt Nam sử lược" mới ra mắt nhân kỷ niệm 100 năm xuất bản lần đầu
“Trước tác phẩm ‘Việt Nam sử lược” của học giả Trần Trọng Kim, chưa có một bộ sử nào viết thông sử chi tiết và viết bằng chữ Quốc ngữ. Đến nay, trên thị trường sách cũng gần như chưa thấy một bộ sử nào có tính chất giống như “Việt Nam sử lược” với sự đầy đủ, chi tiết và khái quát toàn bộ dòng lịch sử Việt Nam. Nó giống như một bộ sách giáo khoa dễ đọc, dễ hiểu với giọng văn hấp dẫn và thể hiện quan điểm thực sự tiến bộ của tác giả so với giai đoạn lịch sử bấy giờ.” – BTV Đạt Nhân chia sẻ.
Những điểm mới của ấn bản “Việt Nam sử lược” |
Sau khi đối chiếu các bản in, nhà sách Đông A đã biên soạn sách dựa trên ấn bản bản in lần thứ năm (1954) của Nhà xuất bản Tân Việt, là bản được chính tác giả Trần Trọng Kim chỉnh sửa lần cuối. Trong ấn bản này, học giả Trần Trọng Kim đã dành nhiều trang viết về nhà Tây Sơn, đặc biệt có một mục riêng viết về “Đức độ vua Quang Trung” mà trước năm 1945 không một sử gia nào dám viết về đề tài này.
Nhà báo Yên Ba chia sẻ tại buổi tọa đàm
Nhà báo Yên Ba bày tỏ sự ngưỡng mộ trước sự tài năng và tâm huyết của sử gia Trần Trọng Kim khi cụ có những cái nhìn khách quan và công tâm với lịch sử và thời cuộc.
“Dù có những hạn chế về bối cảnh lịch sử nhưng tôi thực sự thán phục chương mà học giả Trần Trọng Kim viết về nhà Tây Sơn. Chúng ta đều đã biết nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn không chỉ là đối thủ mà phải là cựu thù, thậm chí lịch sử đã ghi nhận những sự trả thù khốc liệt lẫn nhau giữa hai bên. Với vị thế là một trung thần của triều Nguyễn như cụ, lại có thể công tâm đánh giá vai trò của nhà Tây Sơn, đồng thời khẳng định đó là một “triều đại”, điều đó thực sự đáng ngưỡng mộ đối với một sử quan như cụ,” nhà báo Yên Ba cho biết.
Những ấn bản "Việt Nam sử lược"
Biên tập viên Đỗ Quốc Đạt Nhân khẳng định tâm huyết và sức làm việc phi thường của học giả Trần Trọng Kim khi cụ hoàn thiện được một bộ sách đồ sộ như “Việt Nam sử lược” trong vòng 3 năm với một khối lượng công việc khổng lồ, cùng một lúc làm cả 3 vai trò: đọc, dịch, biên soạn. Dù không tránh khỏi những sai sót, hạn chế, nhưng về cơ bản, sức sống của bộ “Việt Nam sử lược” là trường tồn và vẹn nguyên giá trị với thời gian.
Biên tập viên Đỗ Quốc Đạt Nhân của nhà sách Đông A
Với tinh thần hoàn thiện “tấm Nam sử” như lời mong ước của chính tác giả, đội ngũ biên tập viên đã dày công nghiên cứu, đối chiếu nhiều ấn bản của “Việt Nam sử lược”, bổ sung thêm những hình ảnh minh họa từ nguồn tư liệu của bảo tàng hay những bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp, những bức tranh dân gian Đông Hồ và các bản đồ trực quan sinh động từ các ấn bản năm 1928 và 1954./.
Nhận xét về tác phẩm và tác giả: “Cái văn cổ kính điềm đạm, lời thuật sáng sủa dồi dào, cách xếp đặt có trật tự phân minh, ý cai quát được rõ ràng khúc chiết, ấy là những cái đặc sắc của bộ Việt Nam sử lược...” - Thiếu Sơn, trong Phê bình và cảo luận. “Ông (Trần Trọng Kim) được xem là một nhà giáo gương mẫu, một học giả bậc thầy, một con người nghiêm túc.” - Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh. |
Anh Vũ