Trong tiếng Thái, “Kin” có nghĩa là ăn, ăn mừng; “Pang” là lễ, người dự lễ; “Then” là chỉ các vị thần linh ở Mường Trời. Lễ Kin Pang Then vì thế là lễ cúng các vị thần linh ở Mường Trời, là ngày lễ vô cùng quan trọng trong đời sống của người Thái Trắng ở Điện Biên. Lễ do người làm Then tổ chức để gặp mặt các con nuôi về tạ ơn, mừng mệnh Then, 3 năm tổ chức lớn một lần.
Lễ Pin Kang Then tổ chức vào đầu năm mới
Lễ Kin Pang Then thường diễn ra vào dịp đầu năm mới (sau tết nguyên đán) khi tiết trời mát mẻ, vạn vật sinh sôi, cây cối nảy lộc, đâm chồi, đơm hoa, kết trái. Vào thời điểm thiên nhiên như hòa quyện với lòng người cũng là lúc thầy Then tổ chức lễ Kin Pang Then để gặp mặt các con nuôi về mừng mệnh Then được “vững như trụ bạc, chắc như trụ vàng".
Trang trí không gian hành lễ (sàng pang)
Lễ Kin Pang Then thường diễn ra từ 3 đến 5 ngày, cũng có thể dài hơn hoặc ngắn hơn tùy thuộc vào số lượng con nuôi trong nhà làm Then nhiều hay ít. Tại nhà người làm Then, mọi người giúp mua sắm lương thực, thực phẩm, làm các lễ vật bằng len, gấp bằng giấy để treo lên cây Pang như: hoa chuối rừng, các con giống, chim én, tổ chim én, biểu tượng trống, chiêng, quả còn, dải băng, cá… đồng thời phân công người đi tìm, chọn cây Pang trên rừng về để trang trí không gian hành lễ (sàng pang).
Bàn thờ Then
Bàn thờ Then được lau dọn sạch sẽ, trang trí hoa đuôi én (boskén), quả còn, len đan các con giống như: dế mèn, con quạ, chim bồ câu, con ve…; hai cọc đỡ bàn thờ treo 2 hoa chuối biểu tượng cho hoa chuối trời. Trên bàn thờ đặt bánh kẹo, hoa quả, hương, dưới bàn thờ là nơi đặt lễ vật của các con nuôi, bà con về dự lễ.
Hoa đuôi én (boskén)
Trước bàn thờ Then là mâm lễ vật
Lễ vật trong lễ Kin Pang Then gồm: đồng bạc trắng, khăn xòe, lá trầu không, trứng gà sống, gạo, bát tô sứ, hương, chùm chuông tượng trưng cho chuông ngựa, hoa trung quân, cây nến nhỏ, đĩa, chén, gói gạo, gói muối, rượu, bát nước, điếu cày, đĩa trầu, cuộn vải dệt trắng lớn; vật dụng của chủ lễ: kiếm, vòng bạc, đĩa để đồng tiền âm dương, sừng nai, lưỡi rìu đá (lưỡi búa thần sét), viên đá nhỏ dài (chân ngựa), viên đá bé (Then nọi - Then bé), túi ngọc bùa, đồng tiền âm dương, chùm chuông đồng, đàn tính, khăn phủ đầu gối, áo, khăn đội đầu, thắt lưng, quạt giấy, răng lanh lợn rừng, gương nhỏ; lễ vật cho ngựa các quan Then mường Trời: răng lanh lợn rừng, thóc, bát tô sứ, gạo, trứng gà, thóc, hoa trung quân, hoa dâm bụt, chiếc sọt nhỏ (tẻ) bày lễ.
Lễ Kin Pang Then diễn ra trước bàn thờ Then trong nhà chủ lễ
Phụ giúp chủ lễ trong suốt quá trình diễn ra nghi lễ gồm: 1 báo khỏa, 1 xao chay, 2 me đa (1 chính, 1 phụ), những người giúp việc như: sắp lễ, lên hương, dâng lễ, tiếp nước, rượu, trầu, nghe và truyền lời của Then đến người dâng lễ, xóc nhạc cho Then
Chủ lễ, báo khỏa, xao chay mặc áo và đội mũ dùng trong nghi lễ. Người dự lễ, con nuôi mặc y phục dân tộc. Nhạc cụ sử dụng trong nghi lễ gồm: đàn tính, nhạc xóc, trống, chiêng, chũm chọe. Trong suốt quá trình hành lễ, người làm Then đàn, hát theo các điệu then cổ như: hát mạng, hát then, hát xao xên.
Các lễ thức thực hiện chủ yếu do người làm Then đảm nhiệm
Trước và trong những ngày làm lễ Kin Pang Then, người làm Then phải kiêng sinh hoạt vợ chồng, kiêng ăn thịt lợn trắng, trâu trắng, cá da trơn, lươn, tôm, không ăn, uống đồ thừa, không đi qua dây phơi, máng nước. Ở tỉnh Điện Biên, những chủ thể văn hóa tiêu biểu đang thực hành di sản Then chỉ có khoảng 5 người. Trong ảnh, Nghệ nhân ưu tú Vàng Văn Thức ở bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay thực hành di sản Kin Pang Then.
Các lễ thức King Pang Then lần lượt diễn ra
Diễn trình lễ Kin Pang Then gồm các lễ thức: Mừng chúc lễ Kin Pang Then (chụm kiệu pang); Ra mắt, mời rượu (ók nả, mợ lảu); Niệm chú xin thông họng (cặm măn khọ púng); Trình báo bàn thờ kiểm tra lễ (lau chơng pạn then); Mở đường (đóng tạng); Then lên núi (Pú khău sam bắc; Then Dâng lễ thần núi (Pú khău sam bắc); Hành trình lên Mường Trời; Mời Vua Trời, Vua Then (mợi Pô Phạ, Pô Then) về dự lễ; Mời vua trời, vua then vào dự lễ; Tiễn Vua Trời, Vua Then (xúng báo xôông); Tiễn thầy của Then; Quét hoa tàn.
Ngoài thực hiện nghi lễ tạ Then của các con nuôi, tất cả người tham dự còn múa hát
Màn múa hát diễn ra quanh cây pang, múa điệu quét hoa tàn (quát bók héo) trong tiếng chiêng, trống, tiếng đàn hát rộn ràng
Người giúp việc của chủ lễ đứng vòng trong chúc rượu cộng đồng; các chị, các mẹ tung gạo tượng trưng cho cơn mưa; mọi người cùng chơi trò cày bừa, gieo hạt, chọi trâu, hái nấm và các trò chơi dân gian như: tung còn, chơi tó má lẹ, đánh cù.
Khi kết thúc nghi lễ, chủ lễ hát lời gọi âm binh và tiễn các quan Then về mường Trời (xúng báo xôông). Quay trở về mường Trần, chủ lễ hát lời cảm tạ và tiễn các thần linh, quan tạo bản mường, thầy của chủ lễ, hẹn năm sau lại về dự lễ
Lễ Kin Pang Then nhằm bảo tồn, nuôi dưỡng và duy trì nghệ thuật hát then, hát dân ca, múa xòe, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, tri thức bản địa và các tín ngưỡng tâm linh cổ của người Thái Trắng. Với những giá trị đặc biệt trên, Lễ Kin Pang Then được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015./.
Vũ Lợi/VOVTây Bắc