Văn hóa

Sân khấu Thủ đô dịp Tết: Sẵn sàng đón khán giả

09:15 - 29/12/2019
Thời điểm này, nhiều sàn diễn sân khấu đang rộn ràng luyện tập chương trình mới để đón khán giả vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Các chương trình đều được đầu tư hấp dẫn, đặc sắc, hướng tới những chủ đề ý nghĩa trong năm mới. Bên cạnh đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật những ngày đầu xuân của người dân Thủ đô, đây là dịp để nghệ sĩ khai xuân, với mong muốn một năm thành công, khởi sắc.

Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa ra mắt vở “Vì sao lạc xứ” phục vụ khán giả Thủ đô dịp Tết. Ảnh: Minh Quân

Đi vào câu chuyện Hà Nội xưa và nay

Năm 2020, Thăng Long - Hà Nội tròn 1010 năm tuổi. Dấu mốc thiêng liêng ấy thôi thúc và định hướng sáng tạo cho các văn nghệ sĩ Thủ đô. Vẫn đi vào những câu chuyện của Hà Nội xưa và nay, nhưng để phục vụ khán giả đầu xuân, các đơn vị nghệ thuật khai thác ở những màu sắc vui tươi, dí dỏm, giàu tình cảm, ý nghĩa nhân văn.

Cùng với vở “Hà thành chính khí” ca ngợi Tổng đốc Hoàng Diệu và quân dân Thủ đô quyết liệt giữ thành Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội đang gấp rút hoàn thành thêm 2 tác phẩm là chùm hài kịch “Phố” và vở kịch nói “Kẻ trộm” để phục vụ khán giả dịp Tết Nguyên đán Canh Tý sắp tới. “Phố” do Nghệ sĩ nhân dân Lê Hùng đạo diễn từ kịch bản của tác giả Đỗ Minh Tuấn, hứa hẹn sẽ là chương trình ăn khách, bởi đầu xuân năm mới, hài kịch thường được khán giả ưa chuộng.

Chùm hài kịch gồm 4 tiểu phẩm “Thành phố câm”, “Biếu mít”, “Trưởng giả thời nay”, “Buôn kính cận” sẽ dẫn dắt khán giả bước vào không gian phố phường Hà Nội, lắng nghe những câu chuyện của đời sống bằng lăng kính hóm hỉnh, vui nhộn và không kém phần sâu sắc. Sự góp mặt của Nghệ sĩ ưu tú Quang Thắng, Mạnh Kiên, Thiện Tùng, Mạnh Hưng, Tiến Huy… cũng tạo thêm sức hấp dẫn cho “Phố”.

Vở “Kẻ trộm” của tác giả Lê Quý Hiền, do Nghệ sĩ ưu tú Thu Hạnh đạo diễn, là vở chính kịch mang đậm hơi thở đương đại. Tuy đề cập những vấn đề nhức nhối như tham nhũng, sự xuống cấp của một bộ phận cán bộ…, nhưng với sự dẫn dắt khéo léo của các diễn viên tài năng, câu chuyện kịch được kể nhẹ nhàng, thấm thía, có nhiều dư vị và đủ khiến người xem thỏa mãn, vì nói đúng tiếng lòng của người dân.

Trên sàn tập của Nhà hát Chèo Hà Nội thời điểm này cũng nhộn nhịp với vở “Tình sử Thăng Long”, khắc họa mối tình của Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh - hai vị vua cuối thời Lý và đầu thời Trần trên đất Thăng Long. Tác giả nổi danh với đề tài lịch sử Thăng Long - Hà Nội Phạm Văn Quý đã chọn những lát cắt rất đời, rất tình và thấm đượm vẻ đẹp văn hóa mảnh đất nghìn năm văn hiến, để hóa giải câu chuyện chính trị. Thêm bàn tay đạo diễn của Nghệ sĩ ưu tú Lê Tuấn, những trò diễn, mảng miếng đậm chất chèo Hà Nội được vận dụng nhuần nhị, khiến tác phẩm vừa sang trọng, vừa gần gũi.

Mang không khí Tết, đượm hơi thở xuân là chương trình “Lời chúc đầu xuân 2020” của Nhà hát Tuổi trẻ. Đó vẫn là sự kết hợp giữa ca múa nhạc và hài kịch với những tiết mục mang chủ đề mùa xuân và Hà Nội, nhưng theo Nghệ sĩ ưu tú Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, chương trình được dàn dựng với sự tươi trẻ, giàu sức sống, đúng như tiêu chí của nhà hát, đem lời chúc may mắn, an vui đến mọi người.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam tưng bừng với chương trình xiếc “Mừng Đảng, mừng Xuân” kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đón Xuân Canh Tý năm 2020. Nhà hát Cải lương Việt Nam khai xuân bằng 2 vở mới là “Bên ánh sao khuê” và “Vì sao lạc xứ” về những nhân vật lịch sử của đất Thăng Long. Còn Nhà hát Chèo Việt Nam tiếp tục góp cho Tết chương trình biểu diễn chầu văn đặc sắc…

Hợp xu hướng thưởng thức của khán giả

Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên, quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, người Hà Nội đang dần hình thành thói quen du xuân, đi lễ hội đầu năm kết hợp thưởng thức nghệ thuật. Vì vậy, các loại hình biểu diễn truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, múa rối hoặc các chương trình ca nhạc, hài kịch có lợi thế thu hút đông đảo khán giả.

Đồng quan điểm, Nghệ sĩ ưu tú Lê Tuấn, đạo diễn vở chèo “Tình sử Thăng Long” chia sẻ, các vở diễn phục vụ khán giả dịp Tết cần vui tươi, rộn ràng. Mỗi loại hình sân khấu đều có những mảng miếng riêng để đạo diễn tận dụng, đem lại niềm vui, tiếng cười cho khán giả.

Một không gian đậm chất Hà thành mở ra trong chùm hài kịch “Phố” của Nhà hát Kịch Hà Nội.

Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam thông tin, hiện có nhiều chương trình giải trí hấp dẫn, nhất là trên các thiết bị công nghệ thông minh, nhưng xu hướng của khán giả là sẽ dần quay lại với nghệ thuật biểu diễn. Bởi ở đó, họ “mắt thấy, tai nghe” những câu chuyện, màn biểu diễn chân thật, sống động.

Theo Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng, đầu xuân khán giả thường đi cùng gia đình, nên các chương trình nghệ thuật phải thỏa mãn mọi đối tượng khán giả. Hiện tại, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đi theo hướng xây dựng chương trình dành cho cả người lớn, để thay đổi quan niệm của mọi người rằng, xiếc chỉ dành cho trẻ em.

Nghệ sĩ ưu tú Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng, chương trình mở đầu năm mới phải chắc thắng để lấy may mắn cho cả năm, nên bên cạnh đầu tư chất lượng, việc quảng bá tác phẩm cũng cần được chú trọng. Nhà hát Tuổi trẻ thường xuyên cập nhật chương trình trên website, tổ chức bán vé trực tuyến để khán giả có thể chủ động sắp xếp và đặt vé.

Tuy vậy, các sân khấu phục vụ khán giả dịp Tết năm nay dường như vắng bóng các đơn vị nghệ thuật tư nhân, xã hội hóa. Lý giải về điều này, Nghệ sĩ nhân dân Tuấn Hải, đạo diễn nhiều chương trình sân khấu được yêu thích cho rằng, do các đơn vị này chưa có địa điểm diễn cố định. Trong khi đó, dịp Tết, giá thuê rạp, thù lao cho nghệ sĩ luôn cao hơn ngày thường. Bài toán cân đối chi phí, lời lãi không đơn giản. Song, vị đạo diễn nhiều tâm huyết này cho biết, cần thiết tạo sự sôi nổi hơn cho sân khấu ngày xuân, vừa để đem nhiều niềm vui cho khán giả, vừa thúc đẩy sân khấu Thủ đô chuyển động, phát triển.

Với nhiệt huyết và hứng khởi của các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ, hy vọng những chương trình dịp Tết này đáp ứng mong mỏi của khán giả Thủ đô, tạo đà cho sân khấu trong năm mới.

Theo hanoimoi.com.vn