Cách đây 20 năm, bộ phim hoạt hình “Spirited Away” (tựa Việt: Vùng đất linh hồn”) ra mắt khán giả. Phim do Miyazaki Hayao làm đạo diễn kiêm nhà biên kịch, được phát hành chiếu rạp tại Nhật Bản vào ngày 20/7/2001 và trở thành phim điện ảnh hoạt hình thành công nhất trong lịch sử nước này này khi thu về hơn 395,5 triệu USD trên toàn thế giới.
Phim vượt qua Titanic (lúc bấy giờ là phim điện ảnh có doanh thu cao nhất thế giới) tại thị trường phòng vé Nhật Bản để giành vị trí phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử quốc gia này với tổng doanh thu là 30,8 tỷ yên. Năm ngoái, bộ phim "Demon Slayer: Mugen Train" đã truất ngôi vương phòng vé Nhật Bản của “Spirited Away” trong 19 năm khi đạt doanh thu hơn 500 triệu USD.
“Spirited Away” đón nhận đa số đánh giá tích cực và thường được xếp vào danh sách những bộ phim hoạt hình vĩ đại nhất từng được thực hiện. Tác phẩm đã giành chiến thắng giải Oscar cho Phim hoạt hình hay nhất tại lễ trao giải lần thứ 75, qua đó trở thành phim điện ảnh hoạt hình vẽ bằng tay và có ngôn ngữ không phải tiếng Anh đầu tiên (và duy nhất cho đến nay) đạt danh hiệu này.
Cho đến ngày hôm nay, “Spirited Away” vẫn tiếp tục làm say lòng hàng triệu khán giả. Năm 2020, Netflix đã giành được quyền phát sóng một phiên bản có phụ đề bằng 28 ngôn ngữ, trong khi HBO Max giành được quyền phát sóng phim ở Bắc Mỹ.
“Spirited Away” không chỉ là một bộ phim - nó đã có một tác động lâu dài đối với nền điện ảnh hoạt hình Nhật Bản trong hai thập kỷ.
Chịu ảnh hưởng từ Thần Đạo
"Spirited Away" kể về câu chuyện của Ogino Chihiro (Hiiragi), một cô bé 10 tuổi luôn buồn chán; trong khi chuyển đến ngôi nhà mới thì cô bị lạc vào thế giới linh hồn của tín ngưỡng dân gian Thần Đạo Nhật Bản. Sau khi cha mẹ mình bị phù thủy Yubaba (Natsuki) biến thành heo, Chihiro buộc phải làm việc tại nhà tắm công cộng kỳ lạ của Yubaba để tìm cách giải thoát cha mẹ và mình và trở về với thế giới loài người. Chihiro nhận được sự giúp đỡ của Haku, một vị thần cai quản sông trong hình dạng con người.
Một đặc điểm nổi bật của "Spirited Away" là phim không ngần ngại sử dụng các yếu tố của Thần Đạo một cách tự do. Người Nhật có niềm tin rằng "kami" (hoặc các linh hồn) có mặt ở khắp nơi và ở xung quanh chúng ta. Bản thân bộ phim có nhiều đề cập đến thần thánh và ma quỷ, và vũ trụ siêu nhiên.
Kể từ "Spirited Away", các yếu tố thần thoại Nhật Bản tiếp tục xuất hiện trong anime hiện đại. Một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất về điều này là "Noragami" (tạm dịch là "Vị thần lang thang"), một anime giả tưởng ra mắt năm 2014 chịu ảnh hưởng nặng nề của thế giới siêu nhiên.
"Spirited Away" đã tạo tiền lệ cho việc đưa các nữ anh hùng trở thành trung tâm của các bộ phim hoạt hình Nhật Bản
Trước "Spirited Away", nhiều bộ phim hoạt hình Nhật Bản tập trung vào câu chuyện của những cậu bé. Ví dụ, loạt phim "Pokémon" nổi tiếng xoay quanh cuộc phiêu lưu của nhân vật chính Ash Ketchum, 10 tuổi và hành trình "bắt tất cả" của cậu ấy.
Tuy nhiên, kể từ “Spirited Away” của Miyazaki, việc các nữ nhân vật chính chiếm vị trí trung tâm trở nên phổ biến hơn nhiều.
Những ví dụ đáng chú ý bao gồm "Nana", một loạt phim hoạt hình Nhật Bản phát hành năm 2006, kể về cuộc sống đan xen của hai phụ nữ trẻ sống ở Tokyo; "Violet Evergarden" (2018), một câu chuyện về chiến tranh, tình yêu và mất mát; và "Darling in the Franxx" (2018), một bộ anime khoa học viễn tưởng lấy bối cảnh tương lai loạn lạc.
Phong cảnh đẹp như mơ của "Spirited Away" tiếp tục được tìm thấy trong các bộ phim hoạt hình Nhật Bản gần đâyMột phần sức hấp dẫn lâu dài của “Spirited Away” nằm ở việc Miyazaki sẵn sàng để bộ phim "thở" và cho cảnh quan tự nó có chỗ để "nói".
Một trong những phân cảnh đáng nhớ nhất của "Spirited Away" là "cảnh xe lửa" - nơi không có đoạn hội thoại hay diễn biến cốt truyện nào diễn ra trong suốt hai phút.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2002, Miyazaki nói với nhà phê bình phim người Mỹ Roger Ebert rằng chất lượng giống như thần chú này trong phim của ông có thể được mô tả là "ma", một thuật ngữ tiếng Nhật có nghĩa là "sự trống rỗng có chủ đích".
Miyazaki nói: “Nếu bạn có những hành động không ngừng nghỉ mà không có chút không gian thở, thì đó chỉ là sự bận rộn. Nhưng nếu bạn dành một chút thời gian, thì sự căng thẳng trong phim có thể phát triển thành một chiều không gian rộng lớn hơn”.
Những yếu tố này đã được tìm thấy trong các tác phẩm của nhà làm phim Nhật Bản hiện đại Makoto Shinkai, nổi tiếng nhất là "5 Centimeters per Second" (2007) và "Your Name" (2016). Trong những bộ phim gần đây hơn, sự chú trọng lớn được đặt vào môi trường, với những cảnh dài mà gần như không có gì quan trọng xảy ra trong cốt truyện, giúp người xem có thời gian để hiểu thấu những chi tiết phức tạp của bộ phim.
"Spirited Away" mang đến một thông điệp đáng suy nghĩ về ô nhiễm môi trường ẩn chứa bên trong nó. Giờ đây, các bộ phim hoạt hình hiện đại của Nhật Bản cũng biết rằng chúng có khả năng truyền tải một thông điệp sâu sắc hơn
Trong một cảnh quan trọng trong "Spirited Away", nhân vật chính Chihiro giúp một linh hồn sông tẩy rửa gánh nặng trần gian của anh ta -một dòng sông rác theo nghĩa đen, bao gồm xe đạp, dây câu cá và bùn thải.
Hai mươi năm trước, đây được coi là một tuyên bố chính trị táo bạo trong một bộ phim dành cho trẻ em - nhưng Miyazaki vẫn tiếp tục sử dụng tác phẩm của mình để truyền đạt ý tưởng về các chủ đề gây tranh cãi. Bộ phim năm 2004 của Miyazaki, "Howl's Moving Castle" cũng đã đưa ra một tuyên bố táo bạo về thảm kịch chiến tranh.
Tương tự, bản phát hành năm 2019 của Shinkai, "Weathering with You", một bộ phim về thảm họa môi trường nhấn chìm Tokyo qua đêm, xoay quanh vấn đề biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, "Attack on Titan" (2013) và các loạt phim hoạt hình khác cũng cố gắng đề cập đến các chủ đề bi kịch, nặng nề hơn, giải quyết các chủ đề chết chóc, chiến tranh và hủy diệt hàng loạt.
Ngoài thành tựu về doanh thu phòng vé, "Spirited Away" cũng đạt được nhiều giải thưởng cho mình, trong đó có giải Oscar danh giá, mang lại những thành tích xuất sắc cho nền điện ảnh nước nhà cũng như đánh giá bước chuyển biến cho ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản.
Tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin năm 2002 bộ phim đoạt giải Gấu Vàng và được xếp vào top 10 trong danh sách những bộ phim nên xem khi ở tuổi 14 của Điện ảnh Anh Quốc. Đến năm 2016, bộ phim được chọn là phim điện ảnh hay thứ 4 trong thế kỷ 21 bởi những nhà phê bình điện ảnh trên khắp thế giới. Tại chí New York Time cũng vinh danh tác phẩm này ở vị trí thứ 2 trong danh sách những bộ phim điện ảnh hay nhất vào năm 2017.
Theo VOV.VN
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |