Stan Lee là một cái tên vĩ đại trong làng giải trí Mỹ và thế giới. Cái tên Stan Lee được xếp ngang hàng với cả những tượng đài giải trí như Geogre Lucas , Stephen King, thậm chí là The Beatles…
Ông là nhà văn, nhà biên tập, nhà xuất bản huyền thoại của đế chế Marvel Comics. Những sáng tạo tuyệt vời của ông đã đưa ông trở thành siêu nhân trong đời thực của hàng triệu người hâm mộ vũ trụ Marvel trên toàn thế giới.
Stan Lee tên thật là Stanley Martin Lieber. Ông sinh năm 1922 ra trong một gia đình Do Thái nhập cư nghèo ở New York. Có lẽ người cha làm việc trong xưởng may của chú bé Stanley cũng chẳng thể ngờ rằng con trai mình lại trở thành một trong những nhân vật có ảnh hưởng của làng văn hóa thế giới trong suốt những năm còn lại của thế kỉ.
Ông ra đi ở tuổi 95, sau 75 năm hoạt động trong ngành truyện tranh Mĩ. Ảnh: wired.com
Tuổi thơ của Stan Lee có phần vất vả khi ông sinh ra vào thời Đại Khủng Hoảng, còn cha mình chỉ có một công việc chân tay bấp bênh. May thay, bù vào sự thiếu thốn vật chất, là một trí tưởng tượng phong phú và một tinh thần phiêu lưu mạnh mẽ.
Trong một cuộc phỏng vấn trả lời phỏng vấn trang Hollywood Reporter, Stan Lee chia sẻ: “Tôi sẽ ra khỏi rạp chiếu bóng và tưởng tượng đang cầm một thanh gươm trên tay, tìm kiếm một tiểu thư để giải cứu. Và đến giờ tôi vẫn còn tìm kiếm một tiểu thư cần giải cứu.”
Khi lớn lên, chàng trai Stanley làm đủ thứ nghề để mưu sinh: từ giao bánh, đến phụ việc trong văn phòng. Và công việc đầu tiên liên quan đến viết lách là nghề viết cáo phó trên báo địa phương.
Và rồi một ngày nọ năm 1939, cánh cổng dẫn đến nghề họa sĩ truyện tranh mở rộng khi chàng thanh niên trẻ tuổi Stanley được Martin Goodman nhận vào làm việc trong bộ phận chuyên về truyện tranh tên Timely trong nhà xuất bản của ông. Tại đây, Stanley đã dần làm quen với nghề từ những bước đầu tiên: ông đọc lại bản thảo để kiểm tra lỗi, xóa nét vẽ bút chì, bơm mực, lấy bữa ăn cho các họa sĩ.
Ảnh: catawiki.com
Sau 2 năm phụ việc, năm 1941, 19 tuổi, lần đầu tiên ông được viết lời cho 2 trang ‘Captain America Foils the Traitor’s Revenge’ trong tập 3 của loạt truyện nhiều kỳ "Captain America Comics". Đây có thể coi là tác phẩm ra mắt của nhà biên tập lừng lẫy sau này.
Trong 3 tập sau đó, ông đã đồng sáng tạo ra nhân vật Destroyer và nhanh chóng được bổ nhiệm làm biên tập lâm thời. Tới năm 1961, bộ phận Timely Comics phát triển thành Marvel Comics lừng danh đến tận hôm nay, còn Stan Lee cũng dần thăng chức thành tổng biên tập, nhà xuất bản, rồi chủ tịch.
Ảnh: theodysseyonline
Các nhân vật siêu nhân mà ông sáng tạo hoặc đồng sáng tạo, từ Spider-Man, the Hulk, Doctor Strange, the Fantastic Four, Daredevil, Black Panther, X-Men, cho tới Ant-Man, Iron Man, và Thor, phần lớn đều mang những tính cách và hoàn cảnh của người thường. Vì vậy mà mang tới cho người đọc, người xem cảm giác gần gũi, dễ cảm thông, yêu mến.
Không chỉ ở sau trang sách hay màn ảnh, Stan Lee còn hăng hái tham gia những hoạt động quảng bá. Năm 1987, khi Spider Man kết hôn cùng bạn gái Mary Jane trên truyện, hãng Marvel cũng đã tổ chức một đám cưới với các diễn viên đóng vai Spider Man và Mary Jane.
Stand Lee làm chủ hôn lễ đám cưới của Người Nhện. Ảnh: Catawiki
Từ những năm 2000, người ta thấy Stan Lee thích thú chuyển sang đóng vai khách mời trong những bộ phim live action dựa trên các đầu truyện tranh của Marvel. Lúc thấy ông chạy nạn trong một cảnh của Spider Man do Tobey Maguire đóng chính, lúc lại xuất hiện trong đám cưới của Sue Storm và Reed Richards trong Fanstatic Four.
Đây là một hoạt động quảng cáo rất khôn khéo cho những bộ phim của Marvel, xuất phát từ việc Stan Lee từng tham gia nhiều hoạt động quảng bá trước kia, đồng thời cũng là một điều thú vị tăng sức hấp dẫn cho bộ phim.
Stand Lee trong phim "Captain America the First Avenger". Ảnh catawiki
Đỉnh cao nhất có lẽ là trong trailer của Deadpool 2, Stan Lee đã “tương tác” cùng nhân vật Deadpool khi khen anh có bộ đồ đẹp. Và vì là một nhân vật có khả năng nhận thức rằng mình là nhân vật hư cấu, Deadpool đã đốp lại: “Im đi, Stan Lee!”
Stan Lee trong phim Deadpool 2. Ảnh: YouTube
Stan Lee là một biểu tượng của sự sáng tạo không ngừng, tinh thần lạc quan vui vẻ và gần gũi. Ít ai biết rằng dẫu đã ở tuổi 90, ông vẫn tham gia sáng tác một bộ graphic novel vào năm 2012 với tên gọi “Romeo and Juliet: The War”. Đây là một tác phẩm dựa trên vở kịch “Romeo and Juliet” của Shakespeare. Chỉ có điều Romeo và Juliet là hai cựu chiến binh phải yêu và đối đầu lẫn nhau trong một cuộc chiến đầy cam go.
Truyện “Romeo and Juliet: The War” do Stand Lee sáng tác ở tuổi 90. Ảnh frpnet.net
Nhờ vào những đóng góp của mình, mà Stan Lee đã và sẽ luôn được nhớ đến trong lòng người hâm một truyện tranh và các tác phẩm chuyển thể. Và những người hâm mộ ông, dẫu sẽ nhói lòng đôi chút khi nhìn thấy dòng chữ “Tưởng nhớ Stan Lee” thay cho vai diễn khách mời của ông, thì vẫn sẽ luôn ấm lòng khi nghĩ về ông. Bởi họ biết, ông đã rời khỏi thế giới này để đến thiên đường dành cho những tác giả vĩ đại.
Ở đó, ông có thể trò chuyện cùng những thần tượng của mình như Dickens, Mark Twain, Conan Doyle. Và biết đâu, ông đang tiếp tục cùng những tác gia đó sáng tác những thứ tuyệt vời hơn? Bởi châm ngôn sống của ông là “Excelsior!” ( Luôn luôn tiến tới).
Ngân Long tổng hợp