Đốt pháo ngày Tết ở Nam Kỳ xưa. Ảnh tư liệu
Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, mọi người từ Nam chí Bắc, lại náo nức với cái tết của cả dân tộc. Diễn ra vào những ngày đầu năm mới, nên theo Khảo luận về tết (Huỳnh Ngọc Trảng), tết Nguyên đán trở thành lễ quan trọng nhất của dân tộc, bởi vậy được gọi là “tết cả”.
Dẫu cùng sống trên mảnh đất chữ S nhưng tùy thuộc vào khu vực địa lý, mỗi vùng miền trong cái tổng thể chung của phong tục lễ tết Việt, lại có những riêng có đặc trưng của khu vực địa lý. Mà ăn tết nay, lại nhớ tết xưa. Như tết Nguyên đán ở Nam Kỳ, dạo xa lơ xa lắc.
Những ngày trước tết
Không khí tết cách đây khoảng 80 năm nơi đất Nam Kỳ, được miêu tả bởi báo Thời thế số xuân Tân Tỵ 1941 trong bài “Tục lệ ăn tết ở Nam Kỳ” (Nam Châu).
Theo đó ngay từ dạo tháng Chạp, không khí tết đã phảng phất rồi. Người lo sắm áo quần mới, kẻ lo chăm hoa xuân, mua gà vịt trữ… Đến khi qua ngày 20 “lớp thì đi chợ mua lần chút ít thịt heo về làm nem, làm bì trước, còn ai ở nhà hoặc đi làm ăn đâu xa, cũng ráng về lo đi “giẩy mộ””.
Cái việc trang hoàng nhà cửa vẫn còn in đậm trong ký ức của nhà cổ ngoạn Vương Hồng Sển. Thế nên trong bài “Cảm tưởng về tết trong Nam” đăng nơi tập san Sử Địa số đặc khảo về phong tục tết Việt Nam và các lân bang năm 1967, cụ Vương cho hay bất luận sang hèn, nhà nhà đều sắm đôi liễn mới dán cột.
Dựng nêu, đốt pháo ngày tết, tranh ký họa đầu thế kỷ 20 của Oger.
Bàn thờ tổ tiên thì có lộc bình, quả tử, lư đồng. Quần áo thì “may sắm hà rầm” mà cũng có tính tâm linh nữa: “Xưa muốn cắt áo phải tra lịch lựa ngày và trẻ nít phải đợi đến tết mới có dịp cha mẹ may cho cái quần lãnh Bắc Thảo hay cái áo lá liễu bằng củng xá hay hàng lụa Tứ Xuyên bền chắc”.
Theo Nam Châu, cái việc tảo mộ trước tết đối với ông bà tổ tiên được coi trọng lắm bởi nó có ý nghĩa “nhắc nhở cho con cháu biết, phần nhiều hơn tiết là đầu chứng ông bà cô bác nằm đâu, tại sao để nằm phía đó, phía đó để dành cho ai… họ làm rất kỹ và có ý nghĩa như săn sóc bề ngoài cho người quá vãng, tựa lúc những người ấy còn sanh tiền, mà được sắm quần áo vậy”.
Qua việc giẩy mộ là đến dịp tết Táo quân. Không như miền Bắc vào ngày này dựng nêu, Nam Châu cho hay “Trong Nam thì như không cùng một quy luật, để ăn tết nên chỗ thì 25, 27 dựng nêu, chỗ thì 23, 24”. Riêng cái ngày tết ông Táo thì “nào cò bay ngựa chạy, chè xôi vái vang cầu”.
Vài ngày trước tết, người giàu thì rước ông bà ông vải ngày 29 với quan niệm “cho là như ấy mới sốt dẻo, mới phải rước ông bà để về chứng kiến, để mai nầy mà mừng xuân”. Đối với người đi làm ăn xa, khoảng 27 lần hồi về nhà đón tết.
Tết đến, xuân sang
Đối với tết dạo xưa, bài “Cảm tưởng về tết trong Nam” cho hay đây là dịp tưởng niệm cha mẹ, ông bà, người thân đã khuất, con cháu tụ về để mừng nhau mạnh khỏe.
Do đó mà người đi làm ăn xa trông mau đến tết để về quê thăm nhà. Trong ký ức của Vương Hồng Sển, người miền Nam tin rằng vào đêm 30 rạng mùng 1 tết “có ông Hành cũ và mới đến nên trong nhà nhỏ lớn đều kiêng, không “động đất””.
Dịp tết, chúc tết nhau là niềm vui nhưng với tá điền ở Nam Kỳ dạo ấy, là một sự cơ khổ.
Theo bài “Tục lệ ăn tết ở Nam Kỳ”, ngày mùng 2, mùng 3, “tá điền, tá viên trước nhứt phải đi lại làm tuổi ông bà của người chủ điền và chủ viên (chủ vườn và chủ ruộng) mà những người chủ điền và chủ viên không khi nào đi viếng hoặc làm tuổi lại kẻ tá điền, tá viên (người mướn ruộng, mướn vườn)”.
Con cháu chúc tết ông bà, cha mẹ. (Ảnh tư liệu)
Cái tục cung chúc tân xuân được nhà cổ ngoạn họ Vương miêu tả diễn ra vào mùng 1, “thay nhau đi vái lạy ông bà lối xóm và chúc bằng cánh thiệp viết tay có để tên họ và câu chúc cổ truyền”.
Trong gia đình, thân thuộc, người già dịp này thì được con cháu lạy chúc tết sức khỏe, bách niên giai lão.
Trẻ nhỏ thì háo hức với tiền lì xì, được người lớn “mở túi nháy hồ bao ra xu năm xu nhỏ để sẵn đâu tự khi nào cho từng đứa và khen tặng nó các cụ tin là cho nó vui cho nó mau lớn”.
Niềm vui được lì xì dịp tết ấy, cũng tương đồng với ý kiến nhà cổ ngoạn họ Vương “Độ nào phải chờ tết đến mới có dịp cho trẻ con thấy đồng xu đỏ au và bạc cắc phong gói trong tờ giấy làm gói “lì xì” tân niên. Độ vài ba gói trẻ đã mừng húm”. Nhớ cái tục lệ với ý nghĩa mừng tuổi tốt đẹp mang tính thiêng liêng ấy của ngày xưa, ta lại thấy nhớ tiếc khi tính thực dụng trong lì xì dịp tết hiện nay lên ngôi.
Dịp tết cũng là dịp để nghỉ ngơi, tiêu khiển, nên lắm trò được bày ra cho thỏa cái thú ham vui của dân ta nơi miệt đất phương Nam. Chơi dân gian thì có đi cầu nước, nhảy bao, bắt vịt. Ăn thua một chút có bài cào, hốt lú, đao lạc, bài hoắc… Đối với những gia đình có điều kiện thì đi xem hát bội.
Ba ngày tết ăn chơi phè phỡn, đồ ăn thức uống ngậy béo, thừa mứa là thế nên theo Vương Hồng Sển, ngày mùng 4 có lệ “cúng tất”.
Vào ngày này sẽ nấu bữa cơm cúng đất đai, ông bà, lễ tất. Trong ngày ấy có tục cắt giấy kim ngân ra hình vuông, hình hồ lô dán vào cột cửa, tủ bàn và dâng lên bàn thờ tổ tiên nồi cháo cá ám.
Cái nồi cháo cá ám ấy là “nấu nồi cháo rất kỹ, cá để nguyên con không chặt ra khúc và khi nấu nồi cháo vẫn không đậy nắp vung (nấu ám)”. Theo cụ Vương thì nồi cháo này là một món thuốc vệ sinh trừ độc, bởi “ba ngày tết ăn mỡ đã nhiều, qua mồng 4 ăn tô cháo cá ám có rau ghém chát xắt nhỏ, chuối cây non và rau thươm, vừa nhẹ lòng khoan khoái thêm ngon miệng, trở bữa, nghệ thuật bí quyết trường sanh là đó”.
Tết dạo xưa có những kỹ lưỡng trong tâm linh, tín ngưỡng, tục lệ, có giàu nghèo, sang hèn quý tiện nhưng đủ đầy ý nghĩa và khác nhiều lắm so với thời nay. Kể tết xưa Nam Kỳ, cũng là nhắc nhớ một thời đã qua vậy.
Trần Đình Ba/PLO