Các bạn nhỏ vừa rước đèn ông sao vừa chăm chú theo dõi màn múa lân rộn ràng
Lễ hội Trăng rằm 2019 mở đầu ấn tượng với màn múa lân vui nhộn cùng màn rước đèn ông sao năm cánh đầy sắc màu của các bạn nhỏ ở thủ đô Praha. Gần 1.000 người ken chặt khán phòng Trung tâm tổ chức sự kiện Đông Đô, chăm chú theo dõi, thậm chí có người còn bắt chước từng động tác ngộ nghĩnh của các chú lân sư và Ông Địa qua sự điều khiển của các thành viên đội múa.
Dòng người ken chặt lối đi Trung tâm tổ chức sự kiện Đông Đô tham dự lễ hội
Ước tính có khoảng 1.000 các cháu và phụ huynh tham gia lễ hội bên trong và bên ngoài hội trường
Các bạn nhỏ đặc biệt thích thú theo dõi màn đối đáp vui nhộn cùng tiết mục múa hoạt cảnh giữa chú Cuội và chị Hằng Nga để hiểu thêm về sự tích ngày Tết Trung Thu.
Hoạt cảnh múa chú Cuội, chị Hằng Nga thu hút sự chú ý của các gia đình
Ngoài các tiết mục biểu diễn văn nghệ, điểm nhấn được trông đợi của Lễ hội Trăng Rằm chính là màn “phá cỗ” trông trăng, với nhiều loại quả như bưởi, chuối, xoài, cam, táo, lê, và hai loại bánh không thể thiếu được của ngày Rằm Trung Thu là bánh nướng và bánh dẻo được chia đều cho các cháu nhỏ tham dự lễ hội. Cùng với đó là lễ phát quà và phần thưởng cho các cháu học sinh đạt thành tích xuất sắc trong năm học vừa qua, nhằm khuyến khích phong trào học giỏi, ươm mầm các nhân tài trong cộng đồng.
Lãnh đạo Trung tâm thương mại Sa Pa và Hội người Việt cùng phá cỗ trông trăng với các cháu nhỏ
Mang theo hai con nhỏ tới sự kiện, chị Đặng Thu Trang, 33 tuổi, hồ hởi cho biết gia đình chị muốn hòa chung không khí của ngày lễ hội dành cho trẻ thơ, nhưng cũng muốn giáo dục cho các con biết về cội nguồn dân tộc. "Em đưa con đến đây với mục đích là để cho các cháu biết về tuyền thống văn hóa Việt Nam, đặc biệt là Tết Trung Thu để các cháu biết thêm sự tích chú Cuội, chị Hằng, Với chúng em, những người sống xa xứ thì những dịp như thế này rất đặc biệt, vì nhờ những sự kiện như thế này mà các cháu có thể gần gũi được với văn hóa người Việt của mình" - chị Trang cho biết.
Chị Đặng Thu Trang cùng mẹ đẻ đưa hai con đi dự lễ hội để tìm hiểu về văn hóa cội nguồn
Tết Trung Thu còn là dịp để các cháu nhỏ chơi nhiều trò chơi kích thích sự sáng tạo, trí thông minh, sự nhanh nhẹn và đôi khi là sự hiếu kỳ muốn khám phá cảm giác mạnh của trẻ thơ. Nắm bắt được nhu cầu này, Trung tâm thương mại Sa Pa phối hợp với một đối tác của Séc cung cấp nhiều trò chơi phù hợp với trẻ như đu quay, lăn bong bóng nước, đua mô tô điện, đu dây thăng bằng...
Các bạn nhỏ thích thú ngồi trên đu quay là các con thú ngộ nghĩnh
Nhiều bóng bay hình con thú được bày bán tại không gian bên ngoài hội trường
Ông Jaroslav Janecek, thành viên công ty Séc cung cấp dịch vụ trò chơi trẻ thơ cho biết: "Chúng tôi rất vui khi hợp tác với đối tác Việt Nam, mang tới nhiều trò chơi vui nhộn, đầy hứng thú cho các bạn nhỏ Việt Nam nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi hay Tết Trung Thu. Dù các trò chơi đều phải trả tiền, nhưng chúng tôi không đặt nặng vấn đề tài chính, mà cốt sao tạo niềm vui, thoải mái về tinh thần cho các cháu nhân dịp năm học mới."
Phát quà cho tất cả các cháu tham dự lễ hội
Đã gần 20 năm nay, Trung tâm thương mại Sa Pa đều tổ chức Lễ hội Trăng Rằm vào trung tuần tháng Tám âm lịch hàng năm cho các cháu ở thủ đô Praha và các vùng phụ cận. Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch danh dự Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Tổng Giám đốc Trung tâm Thương mại Sa Pa (Saparia), cho biết ngoài các mục tiêu hoạt động kinh doanh, Trung tâm luôn quan tâm tới các hoạt động văn hóa giải trí cộng đồng, trong đó có Lễ hội Trăng Rằm và phát phần thưởng cho các cháu học sinh giỏi, nhằm cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho các cháu.
Trao tặng Giấy Khen và phần thưởng cho các cháu học sinh giỏi
"Qua lễ hội này, chúng tôi động viên khen thưởng các cháu có thành tích học tập tốt trong năm, và cũng khuyến khích các cháu giữ gìn tiếng Việt vì sống xa Tổ quốc Tiếng Việt chính là chìa khóa để giữ được văn hóa Việt. Thông qua tổ chức Tết Trung Thu hàng năm, chúng tôi muốn tạo thêm sự gắn bó cộng đồng, không chỉ ở thế hệ thứ nhất, thứ hai mà còn vì tương lai của các cháu sau này" - ông Thắng cho hay.
Dù sống xa quê hương và vất vả với cuộc sống mưu sinh, nhưng người Việt Nam tại Séc vẫn không quên tổ chức các lễ hội truyền thống trong năm để nhớ về cội nguồn, thêm gắn bó với quê hương, đất nước, và cũng để giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc đối với thế hệ con cháu mai sau./.
Hữu Bình - Văn Huy/VOV Praha