Bà Linh Ngọc Yến và bà Nguyễn Thị Mỹ, hai Việt kiều tại Quảng Tây, Trung Quốc
Gần như năm nào cũng vậy, bà Nguyễn Thị Mỹ, năm nay đã 80 tuổi, hiện đang sinh sống tại thành phố Nam Ninh đều tham gia hoạt động Tết cộng đồng do Tổng lãnh dự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây tổ chức. 60 năm xa xứ, giờ tuổi đã cao, sức đã yếu, nên mỗi lần được tham gia hoạt động này với bà chính là được về nhà.
Bà nghẹn ngào: “Vui lắm, vì nghĩ mình đang được ở nhà, về nhà. Chị em mỗi lần được gặp nhau là nói chuyện rôm rả vì mỗi năm chỉ có một lần.”
Năm 2015, bà Mỹ từng đại diện cho Việt Kiều Trung Quốc về dự hoạt động Xuân quê hương tại quê nhà, nhưng từ năm 2016 đến nay bà đã không thể làm được điều tưởng hết sức nhỏ nhoi, đó là hàng năm được về quê, đặc biệt là vào dịp Tết, dù Quảng Tây rất gần Việt Nam. Giờ với bà duy trì nói tiếng Việt với các con chính là cách để hướng về đất nước. Bà nhìn sang cô con gái út đang bận rộn với các cuộc điện thoại bên cạnh bảo: “Các cháu gặp nó phải nói tiếng Việt mới được. Nói tiếng Trung là quên mất tiếng Việt.”
Cũng đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, bà Linh Ngọc Yến, 75 tuổi, quê Quảng Ninh, sang Trung Quốc từ năm 1964, cũng luôn cố gắng để con cháu được thường xuyên về Việt Nam. Bà bảo, hè năm nay bà sẽ tiếp tục đưa cháu về quê.
Dù may mắn hơn khi vẫn còn có thể về nhà, nhưng bà cũng vui không kém khi được gặp các chị em người Việt tại Quảng Tây, đặc biệt bà luôn mong mỏi con cháu được ăn miếng giò quê hương mỗi dịp Tết.
Bà chia sẻ: “Rất là mừng. Mỗi lần nhìn thấy Lãnh sự, các chị em Việt Nam nói tiếng Việt trong lòng vui lắm. Cũng coi như là về đến nhà. Ăn Tết cũng có người mang cho giò, các cháu thích ăn lắm. Năm nay không có người đi chả biết có không.”
Trong số những người Việt tại Quảng Tây, lực lượng trẻ vươn lên thành công nhờ tri thức ngày càng tăng. Là một doanh nhân có chỗ đứng trong lĩnh vực đưa nông sản, hoa quả Việt vào thị trường Trung Quốc, Hoàng Văn Tuyến luôn coi về nước là lựa chọn số 1 vào dịp Tết, mặc dù anh đã lập gia đình với một cô gái Trung Quốc.
Anh nói: “Dù sao cũng là người con đi xa quê cả năm sang bên này làm ăn, tôi muốn đưa cả gia đình về mấy ngày Tết, cùng ông bà, bố mẹ đón Tết tại Việt Nam, để có 1 một cái Tết gia đình vui vẻ, đầm ấm.”
Anh Hoàng Văn Tuyến, doanh nhân người Việt tại Quảng Tây, Trung Quốc
Được theo chồng về ăn Tết, La Huệ Văn, cô con dâu người Trung Quốc càng thêm gắn bó với mảnh đất hình chữ S bởi không khí gia đình ấm cúng, đoàn kết. Cô nhận xét: “Dư vị Tết của Việt Nam có phần đậm đà hơn Trung Quốc. Có thể bởi Trung Quốc ngày càng phát triển, nét truyền thống của ngày Tết không còn phong phú như khi tôi còn nhỏ. Còn ở Việt Nam, sự giao lưu giữa người với người nhiều hơn. Mỗi dịp Tết, tôi lại cùng chồng mình đi chúc Tết người thân. Bởi cả năm chúng tôi đã ở Trung Quốc, nên mấy ngày Tết sẽ đi thăm bà con. Không khí gia đình, sự đoàn kết giữa anh chị em, con người Việt Nam cho tôi cảm giác rất thân thiện.”
Chị La Huệ Văn, người Trung Quốc, vợ của doanh nhân người Việt Hoàng Văn Tuyến
Theo số liệu thống kê không đầy đủ, hiện có khoảng 25.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Quảng Tây, Trung Quốc. Đây là nơi có cộng đồng người Việt đông nhất tại quốc gia láng giềng này. Mặc dù Trung Quốc cũng đón Tết như Việt Nam, song những người Việt tại Quảng Tây vẫn mong muốn mỗi dịp Tết đến xuân về lại được về nhà đón Tết bên người thân, hoặc quây quần bên nhau, chia ngọt sẻ bùi, hướng về quê hương Tổ quốc./.
Bích Thuận/VOV Bắc Kinh