Nhuộm Batik là một phương pháp nhuộm phổ biến ở Indonesia, bằng cách sử dụng sáp nóng chảy vẽ trên mặt vải. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, nghề nhuộm vải Batik đã có cách đây 1.500 năm, với các mẫu vật khảo cổ từng được tìm thấy ở Ai Cập, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Tây Phi. Tuy nhiên, chỉ ở Indonesia, nghề nhuộm vải này mới được phát triển thành nghệ thuật trang trí thủ công.
Ở Indonesia, nghệ thuật nhuộm vải Batik được phát hiện từ rất sớm và xuất phát từ Java. Các chuyên gia cho biết ban đầu Batik chỉ được sử dụng riêng trong Hoàng gia, vì nhiều mẫu thiết kế nguyên bản được lấy cảm hứng từ trang phục của các thành viên trong hoàng gia, tại cung điện của nhà vua ở Yogyakarta. Là nghề truyền thống bản địa, cho nên mặc dù có chung cách thực hiện là sử dụng sáp nóng chảy trên vải, nhưng Batik ở Indonesia không chịu ảnh hưởng của Batik ở Ấn Độ, Ai Cập hay bất kỳ nước nào có sử dụng Batik.
Màu truyền thống của Batik được lấy từ cây cỏ và bao gồm ba màu cơ bản: xanh chàm (cây chàm), nâu (cây Soga) và đỏ sẫm từ cây nhàu
Để vẽ được một tấm vải Batik, người thợ phải qua nhiều khâu, trong đó quan trọng nhất là vẽ mẫu. Điểm đặc biệt nhất của Batik là vẽ bằng sáp đun nóng, cho nên khâu này phải làm hết sức cẩn thận. Hoa văn được can lên tấm vải trắng, sau đó người thợ thủ công sử dụng một dụng cụ chuyên dụng đựng sáp nóng, có thể bằng ngà voi hoặc kim loại, đổ sáp ong được đun nóng chảy vào, rồi sử dụng đầu nhọn của dụng cụ này giống như một chiếc bút để vẽ hoa văn lên vải. Ngày nay, nhiều thợ trẻ học làm Batik đã vẽ trước hoa văn bằng bút chì lên vải, sau đó mới tô lại bằng sáp ong.
Không giống như các loại vải khác, hoa văn được vẽ và tạo màu trực tiếp, ở đây Batik sử dụng sáp ong như một lớp bao phủ để giữ cho phần vải được che đó không bị nhuộm màu, chính phần vải trắng này sẽ trở thành những hoa văn trang trí tuyệt đẹp trên nền vải màu sau khi được nhuộm.
Khâu tiếp theo, tấm vải được nhuộm bằng nước được chiết ra từ thân, lá hoặc quả của các loại cây, với ba màu chủ đạo là xanh chàm, nâu và đỏ sẫm. Tấm vải được để khô trong vài tiếng để giữ màu, rồi người thợ sẽ ngâm vải trong nước nóng hoặc sử dụng bàn là là gián tiếp làm tan lớp sáp ong, để lại phần hoa văn đặc trưng.
Nghề dệt vải Batik ở Java phát triển mạnh vào thế kỷ 19, nhưng sau đó suy tàn dần. Sang thế kỷ 20, sự phát triển mạnh mẽ của dòng quần áo phương Tây cũng khiến cho Batik tiếp tục xuống dốc. Vào thế kỷ 21, các nhà thiết kế Indonesia đã nỗ lực vực dây nghề dệt truyền thống này với những mẫu thiết kế sử dụng Batik, kết hợp với màu sắc và hoa văn mới, phù hợp với thời đại hơn. Batik đã trở thành một món đồ thời trang cho cả nam và nữ giới ở Indonesia, với áo sơ mi, sarong truyền thống, váy hay khăn quàng…
Năm 2009, UNESCO đưa nghệ thuật dệt Batik vào danh sách đại diện di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Kể từ đó, Batik được khuyến khích mặc nhiều hơn tại các công sở ở Indonesia. Batik cũng được lựa chọn là trang phục trong các buổi tiệc chiêu đãi hoặc các cuộc gặp gỡ trang trọng nhưng không mang tính chất nghi thức ở Indonesia. Trong lễ cưới, nếu sử dụng trang phục truyền thống, cô dâu và chú rể sẽ cùng mặc đồ cưới mang họa tiết của Batik Sidomukti, tượng trưng một cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng. Cha mẹ của hai bên cũng mặc trang phục với họa tiết Truntum, tượng trưng cho lời khuyên của các bậc phụ huynh với mong muốn đôi vợ chồng bước vào cuộc sống mới với tình yêu trọn vẹn.
Đến thăm Bali, khách du lịch sẽ được chỉ tới làng dệt vải thủ công Batik Tohpati, cách Kuta 12 km. Tại đây, toàn bộ các công đoạn từ vẽ mẫu, can mẫu, vẽ sáp, nhuộm màu, thu sáp… đều được trình diễn bên ngoài cho du khách thưởng ngoạn. Thậm chí, có cả dịch vụ dành cho những người ham khám phá, muốn tự tay vẽ và nhuộm một tấm vải Batik. Gian hàng giới thiệu sản phẩm cung cấp đủ loại, từ móc chìa khóa, giày vải cho đến khăn, áo…, cả những tấm vài Batik để khách tùy ý may trang phục.
Tuyết Loan/nhandan.com.vn